PSO - Tối 27/7/2025, sân khấu trung tâm của Hội trại Tuổi trẻ và Phật giáo lần thứ 15 đã thực sự bùng nổ trong đêm chung kết văn nghệ. Hàng ngàn trại sinh đến từ các tỉnh thành phía Nam đã có mặt để thưởng thức một chương trình nghệ thuật đầy màu sắc, cảm xúc và tâm linh, nơi hội tụ của lòng từ bi, tinh thần phụng sự và năng lượng sáng tạo từ tuổi trẻ.
Chứng minh và tham dự đêm chung kết văn nghệ có Thượng toạ Thích Phước Nghiêm - Trưởng Ban Tổ chức; Đại đức Thích Minh Ân - Phó Thường trực Ban Tổ chức và Thượng toạ Thích Trí Huệ - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức kiêm Tổng điều phối chương trình Hội trại; Ni sư Thích Nữ Thuần Chơn - Phó Ban Tổ chức Hội trại.
Ban Văn nghệ do Đại đức Thích Chí Giác Thông làm trưởng ban đã dày công tổ chức và dẫn dắt, tạo nên một chương trình văn nghệ không chỉ quy mô, chất lượng mà còn sâu sắc về mặt nội dung và cảm xúc. Điều đặc biệt khiến ai nấy đều thán phục là: Tất cả các tiết mục đều được tập luyện trong vòng vỏn vẹn 3 ngày tại đất trại. Ba ngày, một khoảng thời gian quá ngắn cho những tiết mục mang tính nghệ thuật cao, thế nhưng, với tinh thần đoàn kết, sự dẫn dắt tận tâm từ quý Thầy, và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, các bạn trại sinh đã “làm nên điều kỳ diệu”.
Đảm nhiệm vai trò “cầm cân nảy mực” là Hội đồng Ban giám khảo với những tên tuổi giàu tâm huyết và kinh nghiệm:
Trưởng Ban giám khảo – Ca nhạc sĩ Trường Kha: Người nghệ sĩ đã sáng tác hơn 200 ca khúc Phật giáo, với lời ca chứa đựng chất liệu chuyển hóa, lan tỏa năng lượng tâm linh tích cực và đưa người nghe đến với sự an lạc giữa bộn bề cuộc sống. Anh còn là một giọng ca quen thuộc trong các lễ hội Phật giáo, không ngừng phụng sự bằng trái tim người nghệ sĩ.
Bên cạnh đó, đêm chung kết còn có sự hiện diện của nhạc sĩ DC Tâm, một cái tên đang “làm mưa làm gió” trong làng nhạc trẻ hiện nay. Anh là tác giả của nhiều ca khúc nổi bật trong chương trình “Anh trai Say Hi”, thu hút giới trẻ và mang màu sắc tươi mới, trẻ trung. Với tư duy âm nhạc hiện đại nhưng vẫn gần gũi với đời sống tinh thần, sự hiện diện của DC Tâm đã mang đến một góc nhìn mới cho những phần trình diễn của các bạn trẻ.
Một nhân tố đặc biệt không thể không nhắc đến là đạo diễn – nhà sản xuất Lữ Thị Thùy Vân, Tổng đạo diễn chương trình “Ký ức vui vẻ” – một chương trình truyền hình ăn khách và giàu tính nhân văn. Với kinh nghiệm dày dặn trong việc xây dựng nội dung, dàn dựng sân khấu và điều phối chương trình, chị đã góp phần làm cho đêm chung kết trở thành một không gian nghệ thuật mãn nhãn, chỉnh chu đến từng chi tiết.
Ca sĩ Anh Duy ghi dấu ấn trong lòng khán giả với giọng hát truyền cảm, nội lực cùng phong cách biểu diễn gần gũi, chân thành. Không chỉ là ca sĩ, Anh Duy còn là người bạn đồng hành tích cực trong nhiều chương trình thiện nguyện và giao lưu Phật giáo trên khắp cả nước.
Ca sĩ Mỹ Hạnh – nàng ca sĩ sở hữu chất giọng ngọt ngào, sâu lắng. Mỹ Hạnh là gương mặt quen thuộc trong các đêm nhạc mang đậm màu sắc tâm linh và tinh thần từ bi.
Ca sĩ Jee Trần mang đến làn gió mới cho đêm diễn với phong cách trẻ trung, hiện đại nhưng vẫn giữ được chiều sâu tinh thần trong từng câu hát. Với ca khúc “Tiến Vọng Biển Đông”, cô truyền tải thông điệp hướng về hòa bình, niềm tin và sự kết nối giữa con người trong không gian bao la của đại dương và tâm hồn.
Đêm chung kết văn nghệ hội trại Tuổi trẻ & Phật giáo lần thứ 15 là nơi hội tụ tinh hoa nghệ thuật của các đơn vị, với 15 tiết mục đặc sắc, công phu và đầy ý nghĩa. Dù chỉ luyện tập trong thời gian ngắn, nhưng mỗi tiết mục đều mang đến những cảm xúc sâu lắng, truyền tải thông điệp nhân văn rõ ràng.
Tiết mục “Việt Nam Phật Giáo Sáng Ngời Hào Quang” – Đơn vị Đồng Tháp: Kết hợp hát và múa, tiết mục mở màn như một lời tuyên ngôn hùng hồn về mối liên hệ thiêng liêng giữa đạo pháp và dân tộc. Các động tác múa mềm mại trên nền giai điệu trầm hùng đã tái hiện hình ảnh đất nước Việt Nam phát triển trong ánh sáng Phật pháp.
Tiết mục “Chú Tiểu Ngây Thơ” – TP.HCM (Chùa Pháp Tạng): Giọng hát trong trẻo của em nhỏ thể hiện hình ảnh chú tiểu hồn nhiên đã làm dịu đi bầu không khí sôi động, đưa người xem trở về với sự an lạc, thuần khiết trong từng câu hát.
Tiết mục “Liên Hoa” – Nhóm Tình Nguyện Viên: Múa thiền nhẹ nhàng, uyển chuyển, mô phỏng hình ảnh hoa sen nở rộ – biểu tượng cao quý của đạo Phật. Dù là những người không chuyên, nhưng bằng trái tim thiện lành, các tình nguyện viên đã để lại một tiết mục sâu lắng, thiền vị.
Tiết mục “Phật Hoàng Trần Nhân Tông” – Đồng Nai: Hoạt cảnh lịch sử tái hiện chân thực cuộc đời vị vua – thiền sư Trần Nhân Tông, khắc họa rõ nét tư tưởng “Phật giáo nhập thế” và lòng từ bi phụng sự đất nước.
Hiệp cảnh “Hào Khí Việt Nam + Tay Thầy Trong Tay Con” ( Đồng Nai & TP.HCM): Một tiết mục kết hợp tinh tế giữa hào khí dân tộc và tình thầy-trò trong Phật pháp, khiến sân khấu như bùng nổ và đầy xúc động.
Ngoài ra còn hàng loạt tiết mục ấn tượng như: “Trà Vinh – Miền Đất Phúc” (Vĩnh Long): Mang âm hưởng dân ca Nam Bộ đặc sắc.
“Khát Vọng Tuổi Trẻ” & “Roch Hạt Gạo” (Quốc Ân Khải Tường): Đậm tinh thần cống hiến và tri ân.
“Một Vòng Việt Nam” (Đồng Nai – Bình Phước cũ): Một chuyến du hành nghệ thuật qua mọi miền đất nước.
“Ngọn Lửa Chiến Thắng” (Khánh Hòa – Ninh Thuận cũ): Vũ đạo mạnh mẽ, tràn đầy ý chí và nghị lực.
“Viết Tiếp Câu Chuyện Hòa Bình” (Đồng Tháp – Tiền Giang cũ): Lời nguyện cầu cho thế giới hòa bình.
“Hào Khúc Quê Hương – Đất Nước Thiêng Liêng” (Đồng Nai): Một bản tổng kết đầy tự hào, kết nối trái tim người Việt xa gần.
Một trong những điều xúc động nhất là toàn bộ các tiết mục đều được các bạn trại sinh dàn dựng, luyện tập và hoàn thiện chỉ trong vòng 3 ngày tại đất trại – giữa lịch trình dày đặc của các hoạt động hội trại, sinh hoạt tập thể, tu học và phục vụ. Trong cái nắng hè oi ả, những đêm chạy đội hình đến khuya, tiếng nhạc, tiếng vỗ tay, tiếng hò reo không ngừng vang lên từ các khu lều. Chính từ mồ hôi, sự kiên nhẫn và ý chí đó, các tiết mục đã ra đời, không thua kém những chương trình chuyên nghiệp.
Kết quả đêm chung kết văn nghệ: Đồng giải Nhất đã thuộc về hai đơn vị xuất sắc là Đồng Tháp (Tiền Giang cũ) và Đồng Nai 1, cùng đạt số điểm tuyệt đối là 60 điểm, ghi dấu ấn bởi phần trình diễn giàu cảm xúc, dàn dựng công phu và tính nghệ thuật cao.
Giải Nhì được trao cho Đồng Nai 2 (Bình Phước cũ) với 59,5 điểm, thể hiện sự đầu tư kỹ lưỡng cả về nội dung lẫn hình thức biểu diễn.
Các giải phụ được trao như sau: Giải Ấn Tượng Nhất: Đơn vị Đồng Nai 1; Giải Dàn Dựng Xuất Sắc Nhất: Đồng Nai 2 (Bình Phước cũ); Giải Giọng Ca Triển Vọng Nhất: TP. Hồ Chí Minh 1 (Chùa Pháp Tạng); Giải Được Yêu Thích Nhất: TP. Hồ Chí Minh (Chùa An Lạc); Giải Lan Tỏa Niềm Vui: Đồng Nai (Chùa Quốc Ân Khải Tường); Giải Hương Sắc Quê Nhà: Lâm Đồng 1; Giải Kết Nối Yêu Thương: Lâm Đồng (Bình Thuận cũ); Giải Cống Hiến Nghệ Thuật: Đồng Tháp (Tiền Giang cũ); Giải Nét Đẹp Văn Hóa Việt: Vĩnh Long (Trà Vinh cũ); Giải Năng Lượng Tỏa Sáng: Khánh Hòa (Ninh Thuận cũ)
Kết thúc đêm trung kết văn nghệ, Thượng toạ Thích Trí Huệ - Phó Thường trực Ban Tổ chức - Tổng điều phối chương trình đã bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến quý vị trong Ban Giám khảo đã hoan hỷ nhận lời mời của Ban tổ chức và dành thời gian quý báu theo dõi, đánh giá, và đưa ra những nhận xét, kết quả công tâm và khách quan nhất.
Với tấm lòng biết ơn, Thượng toạ đã trao tặng lẵng hoa tươi thắm và bằng Tán Dương Công Đức đến Ban Giám khảo một sự ghi nhận chân thành và trang trọng đối với sự đóng góp quý báu của quý vị cho hoạt động Phật sự ý nghĩa này.
Đêm chung kết văn nghệ tại Hội trại Tuổi trẻ và Phật giáo lần thứ 15 chủ đề “Tinh thần dân tộc – Tri ân, báo ân”, thực sự là một dấu son rực rỡ, đánh dấu sự kết nối giữa nghệ thuật và tâm linh, giữa tuổi trẻ và đạo Phật. Đó không chỉ là nơi thắp sáng tài năng, mà còn là hành trình nuôi dưỡng tâm hồn qua từng lời ca, tiếng hát. Một đêm bùng nổ cảm xúc, thiêng liêng và sâu sắc – mãi là ký ức đẹp trong lòng mỗi người tham dự.
Ban TT - TT Hội trại