TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH NHẬT TU (1960 – 2020)
- Ủy viên Thường trực Ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN; - Chứng minh Ban Đại diện Phật giáo người Hoa tại TP.HCM; - Trụ trì Thảo Đường Thiền Tự và Nam Phổ Đà Tự, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh.
I. THÂN THẾ Hòa thượng Thích Nhật Tu, thế danh Co Khắc Kiện, sinh ngày 03 tháng 11 năm 1960 tại Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh). Hòa thượng là người con cả trong gia đình gốc Hoa, có 7 anh chị em, 5 trai, 2 gái, cha mẹ đều là Phật tử thuần thành, nhiều đời kính tin Tam Bảo, thân phụ là cụ ông Co Bi Tư, thân mẫu là cụ bà Huỳnh Quới. Hòa thượng từ thuở thiếu thời thường theo phụ mẫu gần gũi Tam Bảo, vun trồng chủng tử Phật pháp. II. THỜI KỲ XUẤT GIA - TU HỌC VÀ HÀNH ĐẠO Với túc duyên sâu dày nên được sinh ra trong gia đình có truyền thống Phật giáo, nương vào tâm đạo của cha mẹ, thuở nhỏ, Ngài thường lui tới cửa Thiền tiếp xúc với Tăng Ni, Hòa thượng sớm nhận thức cảnh trần gian ảo mộng, cuộc đời giả huyễn vô thường. Nhờ đó, hạt giống Phật đã nảy mầm, chờ duyên lành sinh trưởng. Năm Mậu Ngọ (1978), duyên lành hội đủ, vào ngày vía Bồ tát Quán Âm (19-02-Mậu Ngọ), Ngài được song thân cho phép và đến đảnh lễ Lão Hòa thượng Ngộ Chân – Trụ trì đời thứ 2 Thảo Đường Thiền Tự làm Bổn sư thế phát xuất gia, được ban pháp hiệu là Nhật Tu, thuộc dòng Thiền Tào Động đời thứ 51. Từ đó, chốn cửa Thiền chuyên tâm học đạo, được thầy khen bạn mến. Đầu năm 1980, Ngài được bổn sư cho phép thọ giới Sa Di tại Giới đàn Thảo Đường Thiền Tự do Trưởng lão Ngộ Chân – Bổn sư làm Hòa thượng Đường đầu. Với quyết tâm nỗ lực không ngừng trên đường học đạo, đến năm 1984 (24 tuổi), Ngài được Bổn sư cho phép thọ Tỳ kheo giới tại Đại giới đàn Ấn Quang, do Đại Lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Đường đầu Hòa thượng truyền giới, chính thức dự vào hàng cập đệ, trưởng tử của Như Lai. Hòa thượng Bổn sư ban pháp hiệu Hoằng Minh. Thể hiện tinh thần cầu tiến và quyết tâm nối truyền mạng mạch Phật pháp, Ngài đã xin phép Bổn sư tham học với các bậc danh Tăng, thạc đức đương thời và cũng trong thời gian đó, Hòa thượng đã tham học các lớp gia giáo và thông thuộc các nghi lễ Thiền gia Phật giáo Hoa Tông, lão thông Kinh – Luật – Luận của hai truyền thống Phật giáo Việt Nam và Hoa tông. HT. Thích Nhật Tu từng có thời gian dài thân cận Trưởng lão Diệu Duyên – Khai sơn Thảo Đường Thiền Tự, thuộc thiền phái Tào Động. Tương truyền, sinh thời Trưởng lão Diệu Duyên chuyên tu trì Kinh Kim Cang, Ngài đặt hiệu chùa là Thảo Đường nhằm tri ân công đức của ngài Cưu Ma La Thập (người đã dịch bộ Kinh Kim Cang) và là vị Tổ khai sơn của Chùa Thảo Đường tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Năm 1991, được sự ủy nhiệm của Hòa thượng Bổn sư – Ngộ Chân Pháp sư, Hòa thượng được Giáo Hội đề cử về Trụ trì Thảo Đường Thiền Tự, số 335/42 đường Hùng Vương, bên kênh Lò Gốm, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh. Năm 2006, được sự ủy nhiệm của Trưởng lão Hòa thượng Thích Ninh Hùng, Hòa thượng Nhật Tu đảm nhận vai trò Trụ trì chùa Nam Phổ Đà, Phường 6, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh. Với uy tín, đức độ và sự nhiệt tâm trong công tác Phật sự, Hòa thượng tham gia Ban Đại diện Phật giáo người Hoa tại TP. Hồ Chí Minh, khai mở đạo tràng cho cộng đồng người Hoa sinh hoạt theo truyền thống, hướng dẫn các khóa tu thường kỳ tại bổn tự, lợi đạo ích đời, chăm lo đời sống tâm linh của đồng bào người Hoa tại TP. Hồ Chí Minh, giúp đỡ các gia cảnh khó khăn, người bất hạnh, cứu trợ thiên tai, lũ lụt, v.v… và các phong trào An sinh xã hội do Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Hòa thượng Thích Nhật Tu từng trải qua nhiều năm hành đạo, dẫn dắt các đạo tràng Phật tử người Hoa tại Úc châu. Hay ở các nước như Mỹ, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Camphuchia và Trung quốc. Những nơi còn lưu dấu chân Hoằng pháp, Ngài đều mang theo hơi thở của Thiền tông mà vốn dĩ đã được thấm nhuần qua năm tháng Ngài tu học theo các bậc cao Tăng, thạc đức tại Việt Nam và Trung Hoa. Năm 2012, với công đức tu hành của Ngài, tại Đại hội Phật giáo Việt Nam lần thứ VI, Hòa thượng chính thức được tấn phong hàng Giáo phẩm Thượng tọa. Ngài vân du các nước, tại Đài Loan, Ngài đảnh lễ cầu pháp Trưởng lão Tịnh Tâm – Hội trưởng Hội Phật giáo người Hoa trên thế giới, được ban pháp tự Tuệ Viễn, theo dòng truyền thừa Lâm Tế, đời thứ 43. Ngoài công tác Hoằng pháp, Hòa thượng còn được cung cử là Phó ban đối ngoại Hội Phật giáo người Hoa trên Thế giới; Cố vấn Ban Đại diện Phật giáo người Hoa tại TP. Hồ Chí Minh; Ủy viên Thường trực Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Với giới đức trang nghiêm, Hòa thượng được Phật giáo Hoa Tông tại Đài Loan cung thỉnh vào hàng Tam Sư Thất Chứng truyền trao giới pháp cho các Giới tử tại Đại Giới Đàn Quang Đức Tự, Đại Giới Đàn Nhật Nguyệt Thiền Tự,.v.v... Trên cương vị nào, Hòa thượng cũng đều nhiệt tâm với các Phật sự, Giới Luật tinh nghiêm, không từ khó nhọc, tiếp Tăng độ chúng, giáo hóa cư sĩ Phật tử, giữ gìn nét văn hóa truyền thống trong cộng đồng người Việt gốc Hoa tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 2013, để đáp ứng nhu cầu chỉnh trang đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh, thể hiện tinh thần nhập thế, góp phần cùng Nhà nước chỉnh trang đô thị, Hòa thượng đã đồng thuận di dời ngôi Thảo Đường Thiền Tự về địa chỉ mới. Năm 2016, để tiếp tục giữ gìn, duy trì ngôi Thảo Đường Thiền Tự, Hòa thượng cùng Tăng chúng, Phật tử phát nguyện đại trùng tu Thảo Đường Thiền Tự tại địa chỉ tại số 184 đường Trần Văn Kiều, nay là số 3, đường số 32, khu Bình Phú, phường 10, quận 6, TP.HCM, trên diện tích ban đầu chỉ 900 m2, được sự phát tâm của gia đình cư sĩ Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã hiến cúng thêm 4000m2 đất, xây mới lại toàn bộ ngôi Thiền Tự bao gồm 1 tòa Đại Hùng Bảo Điện và Khu Tăng phòng Đông lang, Tây lang với 5 tầng lầu, biến nơi đây là là một ngôi Đại tự quy mô của Phật giáo Hoa tông tại Việt Nam, cùng với sự đóng góp của cộng đồng người Hoa và kiều bào các nước, ngôi Thảo đường Thiền tự trở lên trang nghiêm, tú lệ, làm chỗ quy hướng cho Phật tử, nơi tịnh cư cho chư Tăng an tâm tu học, đánh dấu sự phát triển của Phật giáo Hoa tông. Đến tháng 09 năm 2019, Phật sự đại trùng tu Thảo Đường Thiền Tự hoàn thành, buổi lễ khánh thành có sự tham dự của Trung ương GHPGVN, lãnh đạo Hội Phật giáo người Hoa và Tăng Ni, Phật tử các giới Hoa kiều khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ, cộng đồng Phật tử người Việt gốc Hoa tại Việt Nam TP. Hồ Chí Minh tham dự. Dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Nhật Tu, với tầm nhìn và tâm huyết cho Đạo pháp, ngôi Thiền Tự Thảo Đường tiêu biểu cho sự hòa hợp, thống nhất các Hệ phái Phật giáo tại Việt Nam, sinh hoạt chung dưới mái nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nơi hội tụ, giữ gìn nét truyền thống Phật giáo Hoa Tông, điểm giao thoa văn hóa, đóng góp cho cộng đồng người Việt gốc Hoa tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây là thành tựu và công đức lớn nhất của Hòa thượng cho hậu thế noi gương. Cảm mến đạo hạnh của Hòa thượng, giới đức lưu phương, Tăng chúng xuất gia tu học tại Thảo Đường Thiền Tự, Phật tử quy ngưỡng ngày càng đông. Hiện nay, chư Tăng có hơn 20 vị, đang tu học tại bổn tự. Năm 2016, do niên cao lạp trưởng, tứ đại bất hòa nhưng Ngài vẫn an tịnh, sắp xếp người thừa tự, truyền đăng tục diệm. Ngài giao phó nhiệm vụ Trụ trì Thảo Đường Thiền Tự cho Pháp tử là Đại đức Thích Liễu Minh, chu toàn Phật sự, an tâm tịnh dưỡng. Năm 2020, ghi nhận những công đức to lớn của HT. Thích Nhật Tu với Đạo pháp, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam truy phong Ngài lên hàng giáo phẩm Hòa thượng. Suốt cuộc đời từ khi xuất gia hành đạo cho đến lúc viên tịch, Hòa thượng đã nỗ lực không ngừng trong việc xiển dương đạo pháp và văn hóa dân tộc Hoa. Trong suốt cuộc đời tu hành và hóa đạo cho đến lúc viên tịch, Hòa thượng đã nỗ lực không ngừng trong việc xiển dương Đạo pháp và văn hóa Phật giáo Hoa tông, dù ở cương vị nào Hòa thượng luôn luôn thể hiện tâm đức của người con Phật, hành trì Giới- Định- Tuệ, chú tâm tỉnh giác, phụng sự Tam Bảo, tiếp độ quần sanh. Thường nhật, Hòa thượng rất từ hòa, nghiêm cẩn, Hòa thượng làm cho các mối quan hệ giao tiếp trở nên gần gũi, thân thiện, giữa Tăng Ni và Phật tử trong địa phương. Mặc dù sắc thân của Hòa thượng không còn nữa, nhưng đạo hạnh và sự nghiệp hoằng hóa của ngài vẫn mãi là ngọn đuốc soi đường cho tín chúng Phật giáo Hoa tông noi theo. III. THỜI KỲ VIÊN TỊCH “Sinh, trụ, dị, diệt ” và “Thành, trụ, hoại, không ” là chân lý của các pháp hữu vi. Năm tháng cuối đời, tuy bệnh duyên chi phối nhưng Hòa thượng luôn luôn giữ chánh niệm và tỉnh giác, làm thạch trụ cho Tín chúng tu học. Hòa thượng dự tri thời chí, thời khắc vô thường, sanh thân đã tận, mọi việc đã thành, công đức hóa duyên viên mãn, Hòa thượng đã an nhiên thâu thần viên tịch vào lúc 10 giờ 15 phút ngày 03 tháng 11 năm Canh Tý (nhằm ngày 17-12-2020), tại Thảo Đường Thiền Tự, số 3, đường số 32, khu Bình Phú, phường 10, quận 6, TP.HCM. Trụ thế 61 năm, Hạ lạp: 36 năm. Công đức tu hành, giới hạnh thanh cao, phụng sự Phật pháp với tâm vô ngã và lòng vị tha, sự viên tịch của Hòa thượng đã để lại trong tâm tư của chư Tôn đức pháp lữ, môn đồ tín chúng niềm kính thương vô hạn. Nam Mô Tào Động Thiền Phái, Ngũ Thập Nhất Thế, Thảo Đường Thiền Tự Đường Thượng, Nam Phổ Đà Tự Phương Trượng, Húy Thượng Nhật Hạ Tu, Hiệu Hoằng Minh, Giác Linh Lão Hòa Thượng thùy từ chứng giám.