Ấn tượng với hàng nghìn người tham gia lễ rước Phật tại Tổ đình Hồng Phúc - Hòe Nhai

Nghe đọc bài:

PSO - Tại Hà Nội, suốt gần một thập kỷ qua, mỗi độ tháng Tư âm lịch – mùa Phật Đản về, Tổ đình Hồng Phúc – Hòe Nhai (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) lại trở thành điểm sáng của Phật giáo thủ đô, với lễ rước Phật có quy mô lớn và trọng thể, quy tụ đông đảo người tham dự ở mọi lứa tuổi. Lễ rước không chỉ là sự kiện văn hóa tâm linh tiêu biểu của địa phương mà còn để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng cộng đồng Phật tử và người dân Hà Nội.

Tiếp nối truyền thống tốt đẹp ấy, tối ngày 4/5 (tức mùng 7/4/Ất Tỵ), hàng nghìn Phật tử thập phương đã thành kính vân tập về Tổ đình Hồng Phúc – Hòe Nhai, cùng hướng tâm về ngày Đản sinh thiêng liêng của Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni, hòa mình trong dòng người rước Phật trang nghiêm đi qua các tuyến phố của phường Trúc Bạch.

Thời tiết vào hè với những cơn mưa chợt đến chợt đi, trước giờ thực hiện lễ rước Phật cũng có cơn giông tới. Thế nhưng, dường như chính lòng chí thành chí kính của hàng nghìn người con Phật đã cảm hóa cả đất trời. Khi đoàn rước khởi hành, mây tan, gió lặng, tiết trời trở nên mát mẻ, nhẹ nhàng khiến lòng người hoan hỷ, như sự tiếp ứng của “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong ngày trọng đại kỷ niệm sự ra đời của bậc Giác ngộ – bậc Thầy của trời người.

Đúng 19 giờ, sau ba hồi chuông trống bát nhã, ban nghi lễ đã cung rước chư tôn đức quang lâm chính điện, cử hành nghi thức Phật đản hành chính.

Quang lâm chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Mật Bảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội Đài Loan; Thượng tọa trụ trì Thích Tâm Hoan - Ủy viên HĐTS, Ủy viên thường trực Ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng Ban kinh tế tài chính kiêm Phó Ban hoằng pháp GHPGVN thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Tiến Đức - Phó trưởng BTS GHPGVN huyện Hoài Đức; Đại đức Thích Vạn Lợi - Phó Giám đốc Trung tâm Biên phiên dịch tư liệu Phật giáo Quốc tế cùng chư tôn đức Tăng thuộc Tổ đình Hồng Phúc – Hòe Nhai, chư Tôn đức Ni Trung tâm Biên phiên dịch tư liệu Phật giáo Quốc tế.

Về phía chính quyền có: bà Nguyễn Thị Thúy - Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận quận ủy quận Ba Đình; bà Đặng Thị Lại - Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Ba Đình; ông Hoa Anh Dũng - Phó trưởng phòng nội vụ quận Ba Đình cùng quý vị lãnh đạo đại diện cho các cơ quan ban ngành quận Ba Đình, phường Trúc Bạch và đông đảo nhân dân tín đồ Phật tử thập phương đã về tham dự buổi lễ.

Đại lễ đã được diễn ra theo nghi thức Phật đản truyền thống, với bức Thông điệp Phật đản của Đức Pháp Chủ gửi tới Tăng Ni Phật tử ở trong nước cũng như ở nước ngoài, do Thượng tọa Thích Tâm Hoan tuyên đọc. Sau đó, chư tôn đức cùng quý quan khách chính quyền và toàn thể đại chúng đã thành kính niêm hương bạch Phật, đỉnh lễ Tam Bảo cầu nguyện lễ rước Phật thành tựu viên mãn.

Sau tiếng pháo hoa rực rỡ vang lên như lời khánh chúc mừng ngày Đản sinh của Đức Thế Tôn – bậc Đại Giác ngộ, đoàn rước Phật trang nghiêm chính thức khởi hành trong không khí linh thiêng và hân hoan. Mở đầu là đội múa lân, múa rồng tưng bừng biểu trưng cho sự cát tường, hưng thịnh, tiếp nối bởi đội cờ ngũ sắc và phướn pháp tung bay, mang theo tinh thần chính pháp lan tỏa khắp muôn phương. Tiếp đến là Kiệu hoa rước Phật được thiết trí trang nghiêm là điểm quy tụ của bao ánh mắt thành kính hướng về Đức Bản Sư.

Tiếp sau kiệu là đội nhạc bát âm, cùng Đội múa sen. Sau cùng là xe hoa rước Phật và hàng dài Phật tử tay cầm cờ Phật giáo vẫy chào đầy hân hoan, tạo nên một khung cảnh vừa tráng lệ vừa đầy xúc động.

Năm nay, Thầy và trò Tổ đình Hồng Phúc – Hòe Nhai đã kỳ công thiết trí xe hoa mô phỏng hình ảnh Thái tử Tất Đạt Đa đản sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni – nơi linh thiêng đánh dấu sự xuất hiện của bậc Giác ngộ giữa cõi đời. Không chỉ vậy, hình ảnh Thái tử rũ bỏ mái tóc xanh, rời xa cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, cưỡi ngựa Kiền Trắc vượt thành xuất gia cầu Đạo cũng được thể hiện sống động, như một lời nhắc nhở về sự từ bỏ cao cả, chí nguyện xuất trần vì lợi lạc chúng sinh. Bao quanh thân xe là tinh thần Bát Chính Đạo – con đường đưa đến an lạc và giải thoát, mang ý nghĩa giáo lý sâu sắc, nhắc nhở mỗi người con Phật hướng đến một đời sống cao thượng, hạnh phúc. 

Trên từng con phố mà đoàn rước Phật đi qua, ánh sáng ấm áp từ xe hoa, kiệu Phật, hòa cùng với sắc màu rực rỡ từ chính những bộ trang phục của đoàn rước, khiến những người chứng kiến đều thấy như một dải lụa sắc màu uốn lượn giữa phố phường thủ đô. Tiếng niệm hồng danh "Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật" vang lên đều đặn, tạo nên một không gian thiêng liêng, trầm lắng mà thấm hương vị thiền an yên trong lòng mỗi người con Phật. Không còn sự náo nhiệt thường ngày, phố phường như lặng lại để nhường chỗ cho hơi thở của từ bi và tỉnh thức lan tỏa.

Giữa dòng người trang nghiêm, có cả những vị khách nước ngoài bày tỏ sự ngạc nhiên, thích thú và trân trọng. Đó là hình ảnh đẹp, sống động của sự hòa hợp không biên giới – nơi đạo Phật hiện hữu như một ngọn hải đăng của tình thương, nơi mọi ranh giới về màu da, quốc tịch hay tín ngưỡng đều được gỡ bỏ.

Đạo Phật không chỉ cảm hóa tâm hồn con người bằng giáo lý nhiệm mầu, mà còn mở ra con đường để trái tim gần nhau hơn – trong sự bao dung, trong lòng từ ái, trong nhịp đập đồng điệu hướng về sự giác ngộ và giải thoát. Đoàn rước đi đến đâu, ánh sáng bình an lan tỏa đến đó. Người người chắp tay cung kính, mắt rưng rưng xúc động, miệng niệm danh hiệu Phật với lòng thành tha thiết. Trong khoảnh khắc ấy, muôn người như chung một tâm nguyện: cầu cho Phật pháp xương minh, thế giới hòa bình, muôn dân an lạc.

Đại lễ Phật Đản không chỉ là dịp để tưởng niệm ngày đản sinh của Đức Thế Tôn – bậc giác ngộ vĩ đại đã xuất hiện giữa nhân gian vì hạnh phúc của muôn loài, mà còn là cơ hội để mỗi người nhìn lại chính mình, nuôi lớn hạt giống từ bi, trí tuệ và tỉnh thức trong tâm hồn. Giữa dòng đời nhiều biến động, sự hiện hữu của một lễ rước Phật trang nghiêm, đầy cảm xúc như tại Tổ đình Hồng Phúc – Hòe Nhai chính là nhắc nhở rằng: ánh sáng của Chính pháp vẫn luôn soi đường, kết nối và dẫn lối cho chúng sinh vượt qua khổ đau, tìm về bình an đích thực.

Kết thúc lễ rước, tiếng niệm Phật vẫn còn ngân vang trong lòng người, không chỉ như âm thanh, mà như một lời thầm thì của Phật pháp giữa phố thị ồn ào: hãy sống đẹp, sống tỉnh thức, lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho đời. Bởi lẽ, trong từng bước chân đi giữa đêm rước Phật ấy, không chỉ có hoa, ánh sáng hay nghi lễ, mà có cả những hạt mầm yêu thương đang lặng lẽ nảy nở trong tâm mỗi người.

Diệu Tường - Phật sự Thủ đô

Download Android Download iOS
TP.HCM: Biển người thành kính chiêm bái Xá Lợi Đức Phật tại Chùa Thanh Tâm

Trong 2 ngày mùng 3 và 4 tháng 5 năm 2025, Từ khắp nẻo đường hàng chục ngàn trái tim thành kính đã cùng hướng về Chùa Thanh Tâm (TP.HCM), dòng người và Phật tử đã tề tựu, kiên nhẫn xếp hàng dài vô tận từ tờ mờ sáng với một lòng thành kính khát khao chiêm bái Xá Lợi Đức Phật - bảo vật quốc gia thiêng liêng lần đầu tiên được cung nghinh từ Ấn Độ đến

Phật giáo Việt Nam - Hơn 2000 năm đồng hành cùng dân tộc

PSO - Phật giáo, từ khi du nhập vào Việt Nam hơn hai nghìn năm trước, đã không đơn thuần là một tôn giáo, mà còn là một dòng chảy tâm linh sâu lắng, gắn bó máu thịt với vận mệnh của dân tộc. Từ thời kỳ Bắc thuộc, trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn cho đến thời hiện đại, Phật giáo luôn hiện diện như một cội nguồn đạo đức, một sức mạnh tinh

Đắk Lắk: Khoá tu "Tuổi trẻ hướng Phật" chào mừng Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak 2025

PSO - Sáng ngày 20/4/2025 (nhằm ngày 23/3 năm Ất Tỵ), tại Hải Quang Già Lam, phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra khóa tu “Tuổi Trẻ Hướng Phật” do Ban Hướng Dẫn Phật Tử tỉnh Đắk Lắk tổ chức. Sự kiện này nằm trong khuôn khổ hưởng ứng Đại Lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc – Vesak 2025, một sự kiện quan trọng của Phật giáo Việt Nam

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online