PSO - Ngày 23/5/2025, Thiền sư Ottamathara, Viện trưởng hệ thống hơn 120 thiền viện Vipassana Thabarwa quốc tế, đã cùng hơn 200 Tăng Ni và cư sĩ Myanmar - Việt Nam đảnh lễ Xá lợi Phật tại chùa Phúc Sơn (xã Cao Xá, huyện Tân Yên, Bắc Giang).
Chuyến thăm nằm trong hành trình của đoàn sau Đại lễ Phật đản Vesak LHQ 2025 tổ chức tại TP.HCM. Trong thời gian lưu trú tại miền Bắc, Thiền sư và đoàn đã kết thúc khoá thiền Vipassana tại chùa Pháp Vân và tiếp tục chiêm bái các Phật tích tại khu vực Bắc Bộ.
Tháp tùng đoàn có sự hiện diện của cô Nguyễn Đoàn Kim Sơn – nhà sáng lập Hệ thống trường Pathway Tuệ Đức, Trường Xanh Tuệ Đức, Viện Đào tạo Bách Khoa, và là Giám đốc điều hành trường Bác Ái, Phó Giám đốc Trung tâm Phật học Ứng dụng.
Đoàn cũng vinh dự đón tiếp Ngài Trưởng lão Wi Raw Sana – Đại Giảng sư cao cấp, thành viên Ủy ban Tăng già quốc gia Myanmar, cùng nhiều chư tôn đức của Phật giáo Myanmar.
Tại buổi lễ, Thiền sư Ottamathara và Ngài Wi Raw Sana đã trao tặng tượng Phật lưu niệm đến Thượng tọa Thích Thanh Anh – Trụ trì chùa Phúc Sơn. Sau nghi lễ đảnh lễ Xá lợi, chư Tăng đã được giới thiệu về lịch sử hình thành chùa Phúc Sơn – ngôi chùa cổ gần 400 năm tuổi, tọa lạc trên núi Phượng Hoàng với kiến trúc nổi bật là Bảo tháp 13 tầng, nơi an vị tượng Phật ngọc Trần Nhân Tông được tạc từ ngọc bích Canada.
Chuyến viếng thăm không chỉ là dịp giao lưu tâm linh giữa hai nền Phật giáo mà còn là cơ hội để Tăng đoàn Thabarwa hiểu sâu hơn về văn hoá và tín ngưỡng Phật giáo Việt Nam. Trước đó, đoàn cũng đã đến thăm Viện Trần Nhân Tông (Đại học Quốc gia Hà Nội), từ đó có thêm góc nhìn sâu sắc về Thiền phái Trúc Lâm và vai trò của Thiền sư Trần Nhân Tông trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Nhiều nhà nghiên cứu cũng ghi nhận sự tương đồng trong pháp hành thiền của Thiền sư Ottamathara với văn hóa Phật giáo Việt Nam. Hơn 20 năm qua, Tăng đoàn Thabarwa đã thực hiện nhiều hoạt động từ thiện vì cộng đồng, lan tỏa tinh thần từ bi và vô ngã đúng với lý tưởng Phật giáo nhập thế.
Cô Sayalay Saw – xuất gia theo Thiền sư Ottamathara hơn 15 năm, chia sẻ: "Mỗi lần đến Việt Nam là một lần trải nghiệm mới. Người Việt có tín tâm sâu sắc và một niềm tin tôn giáo rất riêng, như có một vị Phật trong lòng mỗi người. Tôi cầu mong tinh thần Phật giáo từ Việt Nam sẽ lan tỏa mạnh mẽ ra thế giới.”
TN Viên Giác