Ban Hoằng pháp TƯ: Toạ đàm “Tình thương trong đại dịch”

PSO - Nằm trong khuôn khổ chương trình Khoá tu báo hiếu online một ngày do Ban Hoằng Pháp Trung ương tổ chức, chiều ngày 15/8/2021 (nhằm ngày 08/7 năm Tân Sửu) đã diễn ra buổi toạ đàm “Tình thương trong đại dịch” cùng với sự tham gia của chư Tôn đức Tăng, Ni: TT. Thích Minh Quang; TT. Thích Trí Chơn; TT. Thích Nhật Từ; ĐĐ. Thích Tâm Quang và SC. Thích Nữ Nhuận Bình. Đây là những Tu sĩ đang ngày đêm tham gia phối hợp cùng với chính quyền địa phương các cấp hỗ trợ người dân vùng dịch và trực tiếp tham gia cùng với đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch COVID-19. Buổi toạ đàm dưới sự điều phối của TT. Thích Minh Nhẫn – UVTT HĐTS, Phó Trưởng ban Hoằng pháp TƯ, Tổng Biên tập kênh Thông tin Tổng hợp Phật sự online.

Thời gian gần đây, cả nước trong giai đoạn rất khó khăn khi phải căng mình đối mặt với đại dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Trước tình hình đó, TƯGH đã có nhiều văn bản kêu gọi các chùa, tự viện trong toàn quốc cùng phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tham gia chống dịch COVID-19. Ngoài việc hỗ trợ về tịnh tài, tịnh vật hỗ trợ bà con có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch, chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử cũng đã tham gia tình nguyện viên nhằm chia sẻ giảm đi phần nào áp lực với lực lượng y tế. Được biết, sau thời gian ngắn phát động trên toàn quốc đã có hơn 1.000 Tu sĩ và Phật tử đăng ký và hiện có gần 100 tình nguyện viên là Tăng Ni và Phật tử đang tham gia phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện hồi sức COVID-19.

TT. Minh Nhẫn: Để hiểu rõ hơn về tinh thần từ bi trong đạo Phật, TT. Thích Minh Quang có thể cho biết vì sao tinh thần từ bi lan toả ở khắp mọi nơi, nơi nào có chùa nơi đó có tình thương của những người con Phật, nơi có có sự xuất hiện của Bụt?

TT. Thích Minh Quang: Truyền thống văn hoá dân tộc ảnh hưởng bởi tinh thần từ bi của đạo Phật “Thương người như thế thương thân”. Đạo Phật luôn đồng hành cũng dân tộc dù lúc thịnh hay suy. Đạo Phật là chất xúc tác quan trọng để tô bồi cho trang sử dân tộc Việt Nam thêm hùng tráng. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Phật giáo - với tư cách vừa là một học thuyết giải thoát về cách sống lương thiện tốt đẹp cho con người, vừa là một học thuyết qua tinh thần Tứ Ân có ơn với Tổ quốc là trọng đại – đã có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành nền tư tưởng, văn hóa dân tộc Việt Nam.

Với lịch sử hơn 2.000 năm, Phật giáo đã hội nhập và đồng hành như nước với sữa không thể chia cắt trong đời sống văn hóa, xã hội của người dân Việt Nam. Hầu hết các hoạt động phật sự đều xuất phát từ lợi ích dân tộc, Tổ quốc và cuộc sống nhân sinh. Lịch sử đã chứng minh, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, góp phần vào chấn hưng đất nước, an sinh, đấu tranh vì hòa bình thịnh vượng...Những hoạt động mang tính xã hội, cùng với nhiều tôn giáo khác, Phật giáo Việt Nam đã thể hiện sâu sắc tinh thần nhân văn, hướng thiện, tăng cường kết nối tình đoàn kết giữa Đạo với Đời, giữa các tầng lớp nhân dân, góp phần giáo dục, phát huy tinh thần cộng đồng, phát huy sức mạnh tập thể theo truyền thống của người Việt. Lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho thấy, khi đất nước hưng thịnh thì Phật giáo phát triển; khi đất nước gặp đại dịch thì tinh thần nhập thế Phật giáo tích cực góp phần cùng với chính quyền và nhân dân tham gia cùng phòng, chống dịch COVID-19.

Với truyền thống đoàn kết dân tộc: “Người trong một nước thì thương nhau cùng” là một trong những hệ tư tưởng điển hình trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam, tinh thần Phật giáo in đậm, tạo nên một sắc thái riêng trong tất cả các lĩnh vực. Cầu nguyện cho quốc thái dân an, dịch bệnh tiêu trừ, cầu nguyện cho các y bác sĩ có sức khoẻ, cầu nguyện cho các bệnh nhân tử vong do dịch COVID-19 sớm được siêu thoát.

TT. Minh Nhẫn: Dịch COVID-19 bùng phát nhà Tu hành cởi áo cà sa, khoác áo Blu để giúp chăm sóc các bệnh nhân. Là tình nguyện viên tuyến đầu, ĐĐ. Thích Tâm Quang có thể cho đại chúng biết đang phục vụ tình nguyện tại bệnh viện nào, công việc thường ngày Thầy đang tham gia tại tuyến đầu chống dịch là làm những công việc gì?

ĐĐ. Thích Tâm Quang: Hiện nay con đang phục vụ tại Bệnh viện Hồi sức cấp cứu COVID-19 (Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cơ sở 2, TP. Thủ Đức). Bệnh viện hiện có 45 chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử là tình nguyện viên Phật giáo. Vì có chuyên môn về điều dưỡng nên con được phân công phụ với các điều dưỡng, pha thuốc để chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch.

Trong quá trình trực tiếp tham gia điều trị, có nhiều bệnh nhân ra đi đột ngột chúng con cảm thấy rất đau lòng. Mỗi ca trực 8 tiếng/1 ngày, chúng con luôn bên cạnh những bệnh nhân nặng. Trong một lần trực ca tối, có một bệnh nhân bị tuột ven tay, khi lấy lại ven để truyền cho bệnh nhân thì bệnh nhân hoang mang “Bác sĩ ơi! Bác sĩ, chắc tôi chết...”. Và sau 2 tiếng thì máy monitor không nhận được tín hiệu bệnh nhân thở nữa. Thực sự đau lòng khi nhìn những ca bệnh trở nặng, ra đi đột ngột. Những lúc như vậy trong lòng mỗi tình nguyện viên chúng con buồn và nặng trĩu. Nhưng rồi trấn an mình và sốc lại tinh thần, nếu buồn như vậy thì không được, lúc này còn những bệnh nhân khác nữa nên nén lòng mình lại để tiếp tục nhiệm vụ hỗ trợ các bệnh nhân khác đang chờ. Với các tình nguyện viên chúng con thì không có niềm vui nào bằng việc bệnh nhân có tiến triển tốt, khỏi bệnh, được xuất viện. Và cũng không có nỗi buồn nào hơn việc chứng kiến những phận người mong manh, giã từ sự sống. Khi xác định là tình nguyện viên phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, dù bất cứ ở lĩnh vực nào thì các tình nguyện viên là Tu sĩ và các Phật tử chúng con đều nỗ lực hết mình phục vụ người bệnh bằng tấm lòng từ bị và tình yêu thương của những người con Phật.

TT. Thích Minh Nhẫn: Là một vị Ni tham gia tình nguyện viên, SC. Thích Nữ Nhuận Bình có thể chia sẻ với đại chúng vì sao lại tham gia là tình nguyện viên? Cảm nhận của Sư cô khi được lựa chọn và tham gia cùng với lực lượng tuyến đầu trong việc chăm sóc bệnh nhân COVID? Sư cô có thể chia sẻ và mong muốn mọi người cùng thực hiện, cùng phối hợp như thế nào để phòng, chống dịch COVID?

SC. Thích Nữ Nhuận Bình: Với tâm nguyện muốn được tri ân Tổ quốc, cám ơn TƯGH và GHPG TP.HCM xin được góp công sức cùng đội ngũ tuyến đầu mang bình yên cho tất cả, mang đến những lợi ích tích cực nhất cho các bệnh nhân đang điều trị tại tuyến đầu. Nhóm TNV Phật giáo ở Bệnh viện dã chiến Thu Dung số 12 chúng con có 8 người trong đó có 2 tu sĩ. Được phân công hỗ trợ tại phòng cấp cứu giúp đỡ các bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch, lằn ranh tóc tơ giữa sự sống và cái chết. Quan sát từ phòng cấp cứu, con nhận ra rằng hầu hết các F0 khi được đưa vào đây đều có độ tuổi từ trung niên đến lão niên thường hay bị COVID-19 làm mệt, gây khó thở…Nhiều bệnh nhân vừa mới khỏe mạnh, đi tới đi lui, gọi video gặp gia đình nói cười vui vẻ, 10 phút sau COVID-19 trở mình, tấn công bệnh nhân bằng cách làm mệt, gây khó thở và phải được đưa xuống phòng cấp cứu ngay để nhờ các thiết bị y tế, thuốc men can thiệp, trợ thở, giúp ổn định nhịp tim, huyết áp, mạch, chỉ số SPO2... Trong lúc bệnh nhân bị COVID-19 làm mệt, gây khó thở, nếu được cấp cứu kịp thời, gắn oxy trợ thở giúp họ, đồng nghĩa với việc sự sống được tiếp nối, hơi thở được lưu thông. Nếu ngược lại, một đời người chấm dứt vì hơi thở không còn.

Ngoài việc trực ở phòng cấp cứu, con được giao thêm nhiệm vụ tư vấn tâm lý cho các bệnh nhân. Khi đi thăm bệnh nhân, người tu sĩ chẳng có gì cho họ cả, chỉ có liều thuốc an thần tặng mọi người. Tâm an, thân sẽ khoẻ, Tâm bất an, mạng sống trồi trụt vô chừng. Trong mỗi phòng bệnh đều có số Hotline của bệnh viện, điện thoại của bác sĩ, điều dưỡng ca trực để bệnh nhân gọi khi cần. Nhiều bệnh nhân chỉ cần lo lắng, bất an, hoang mang, sợ hãi,… lập tức các chỉ số sinh tồn tuột dốc không phanh, bệnh nhân khổ, người nhà hoảng loạn, và đội ngũ y tế cũng nặng lòng theo. Nơi đây, dù mỗi ngày đối diện nhiều nguy cơ lây nhiễm, nhưng chúng con vẫn làm hết công suất bất kể đêm ngày, mưa nắng để lưu giữ mạng sống cho các bệnh nhân. Vì vậy, chúng con có ước muốn nhỏ thôi, rằng mọi người cố gắng bảo vệ tốt sinh mạng của mình, hạn chế giao lưu, không đi ra ngoài, thực hiện tốt 5K. Hãy xem mọi người là F0 để luôn có tâm thế phòng bệnh. Chấp nhận xa nhau để được gần nhau trong thời gian sớm nhất. Không chấp nhận tách nhau lúc này, có nguy cơ mình mất nhau mãi mãi. Lúc này giữ được mạng sống, bạn sẽ có cả tương lai; Còn không bảo vệ được sức khoẻ của mình, một đời người kết thúc. Mong mọi người cảm nhận được tình thương, sự tận tâm, tận lực của đội ngũ tuyến đầu để biết yêu thương, trân trọng sức khoẻ của mình, bảo vệ chính mình trước khi đợi tuyến đầu hỗ trợ. Vì thật sự, mọi thứ đã quá tải lắm rồi. Mong mọi người thấu hiểu.

TT. Thích Minh Nhẫn: Để có được đội ngũ tình nguyện viên Phật giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu có sự đóng góp to lớn của TT. Thích Nhật Từ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào Thượng toạ luôn có mặt kịp thời để hỗ trợ. Với các tình nguyện viên Phật giáo thì Thượng toạ luôn là điểm tựa tinh thần ở cả hai tuyến đầu và tuyến cuối. Thượng toạ có thể chia sẻ những kết quả trong công tác hỗ trợ khi đại dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát? Định hướng sắp tới trong việc hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh và đặc biệt là việc tăng cường tình nguyện viên Phật giáo hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu?

TT. Thích Nhật Từ: Hiện nay TP.HCM là thành phố đứng đầu về người bị nhiễm COVID-19 trong cả nước. Quả thực, những ngày này người dân vùng dịch gặp muôn vàn khó khăn và thách thức. Hơn 500 ngày COVID-19 diễn ra, chúng ta thấy được những hình ảnh của chư Tôn đức Tăng Ni đang ngày đêm dấn thân đồng hành cùng với chính quyền, ngành y tế và bà con vùng dịch. Theo thống kê sơ bộ đã có gần 5 ngàn tấn nông sản, rau, củ quả; hơn 440 nghìn phần quà; hơn 134 tỷ; 173 máy trợ thở; 180 máy tạo oxy (trị giá 35,55 tỷ)… đã được TƯGH và Tăng Ni các chùa, tự viện trong toàn quốc hỗ trợ đến bà con vùng tâm dịch.

Là điểm tựa tinh thần cho các tình nguyện viên, với lý tưởng và động cơ khi tham gia trực tiếp điều phối, tôi xác định COVID-19 là một địa ngục vô hình, trên tinh thần đó cần có trái tim từ bi để phục vụ đồng bào không phân biệt tôn giáo. Chủ trương “Ai sống cho riêng mình lòng hẹp như ao, ai sống vì mọi người thì lòng như đại dương”… nhằm truyền năng lượng tích cực cho các tình nguyện viên PG khi tham gia công tác tại tuyến đầu để mang tinh thần từ bi chăm sóc cho các  bệnh nhân. Công việc chính của các tình nguyện viên đó là hỗ trợ các y bác sỹ, dọn vệ sinh, chăm sóc, vệ sinh cho người bệnh, tư vấn tâm lý…

Lực lượng hậu cần ủng hộ rất tích cực trong công tác phòng chống dịch ở tuyến đầu. Đã hỗ trợ mua 3 xe cứu thương ủng hộ tuyến đầu.Trong diễn biến dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát, mỗi ngày các chùa trong thành phố đã nấu 30-40 nghìn suất ăn gửi đến đơn vị tuyến đầu, các khu cách ly tập trung và bà con khó khăn ở các khu phố. Cụ thể như chùa Vĩnh Nghiêm mỗi ngày chùa đảm nhận nấu khoảng 10 nghìn suất ăn (theo TT. Thích Thanh Phong - Trưởng ban Từ thiện Xã hội PG TP.HCM cho biết sẽ cố gắng duy trì đến hết thời gian giãn cách xã hội tại thành phố); Chùa Tường Nguyên (ĐĐ. Thích Minh Phú, Phó trưởng Ban Từ thiện xã hội PG TP.HCM, Trụ trì) cùng với Hội từ thiện Tường Nguyên tích cực vào bếp, chuẩn bị bữa ăn cho bà con nghèo ở khu cách ly, các y bác sĩ tham gia chống dịch mỗi ngày nấu 15 nghìn suất ăn và đến nay đã tăng lên 25 nghìn suất với sự chung tay của đội ngũ gần 150 con người làm xuyên suốt ngày đêm; Chùa Nam Thiên Nhất Trụ 5 nghìn suất mỗi ngày; Chùa Giác Ngộ mỗi ngày 2,5 nghìn suất (và cung ứng gần 60 nhân sự cho chùa Tường Nguyên tham gia nấu cơm phục vụ). Để đảm bảo không gian an toàn cho mọi người trước tình hình căng thẳng của dịch bệnh, các chư Tăng, Phật tử, đầu bếp và tình nguyện viên đã được tiêm vắc xin và xét nghiệm COVID-19, sau đó nhập trại không đi về mà ở tại chỗ trong quá trình tham gia công việc. Để có thể đáp ứng phục vụ nhu cầu bữa ăn lớn như vậy, các chùa đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiều từ các Tăng Ni, Phật tử các tỉnh, thành, các Mạnh thường quân, nhóm thiện nguyện.

Đối với các bệnh nhân mất do COVID, người nhà có thể mang tro cốt đến chùa Long Hoa làm nơi thờ tạm hoặc thờ theo nguyện vọng của mỗi gia đình. Ngoài ra, Ban Từ thiện xã PG TP.HCM cũng sẵn sàng hỗ trợ áo quan miễn phí, không chỉ cho người qua đời vì COVID-19 và cho người dân không may qua đời trong lúc thực hiện giãn cách xã hội không có người thân, hoặc người thân đang ở trong các khu phong tỏa, cách ly và điều trị COVID-19.

Trong tuần tới, PG TP.HCM sẽ tiếp tục lễ xuất quân đợt 2 của các tình nguyện viên Phật giáo theo yêu cầu của Sở Y tế TP.HCM. Mong cho các tình nguyện viên có sức khoẻ tốt, luôn mang trong mình năng lượng tích cực để mỗi khi các bệnh nhân COVID nhìn thấy các tình nguyện viên Phật giáo có thêm động lực, vững tin an tâm điều trị COVID-19.

TT. Thích Minh Nhẫn: Tình thương chính là phương pháp trị liệu tốt nhất trong đại dịch COVID-19, những người con Phật, ai cũng phải là 1 tình nguyện viên, ai cũng phải là 1 bác sĩ tâm lý để tư vấn cho người thân và người xung quanh giúp họ ổn định tinh thần nếu chẳng may bị nhiễm COVID-19. Là người có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, TT. Thích Trí Chơn có thể chia sẻ những kiến thức căn bản để các Phật tử có cập nhật và áp dụng trong cuộc sống hiện tại?

TT. Thích Trí Chơn: Đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 này đã diễn ra dai dẳng suốt gần 3 tháng. Tại Việt Nam đã hơn 250 ngàn người nhiễm bệnh và con số tử vong ở ngưỡng 5.500 người. Con số ấy thực sự không muốn tin nhưng đó là sự thật. Trong đó, TP.HCM chiếm hơn một nửa. Khi TP.HCM bùng dịch thì những chuyến xe yêu thương từ miền Tây chạy lên, từ miền Trung đổ vào, từ Cao Nguyên đổ xuống hay những đoàn tàu từ Bắc vào Nam, những tình nguyện viên, những xe cứu thương, những máy trợ thở, … những phương tiện đó giúp cho xã hội được bình ổn và giúp cho mọi người được an thân. Đặc biệt, Chính phủ đã nỗ lực ngoại giao với tất cả các nước có mối quan hệ, hoặc là tài trợ, hoặc là mua vắc xin để tiêm chích cho toàn dân. Câu thăm hỏi ngày hôm nay không còn là anh khỏe không? Chị thế nào rồi? mà câu hỏi luôn là anh đã chích vắc xin chưa? chị đã tiêm mũi thứ 2 chưa.? Khi dịch bùng phát, Hòa thượng Chủ tịch đã Chỉ thị các chùa tổ chức lập Đàn Dược Sư để cầu an cho bệnh nhân và khi vào mùa Vu Lan thì tổ chức lập Đàn cầu siêu cho những bệnh nhân COVID tử vong. Chúng ta cần phải có cái nhìn về dịch bệnh trong hiện thực khách quan. Nhìn hiện thực dịch COVID-19: Không bao giờ ở mãi với chúng ta. Đây là quán chiếu vô thường từ góc nhìn tích cực. Cần có một tư duy tích cực từ quán chiếu vô thường, sinh diệt để chúng ta có đủ nội lực ứng phó với dịch bệnh; Chúng ta phải hiểu cho được COVID: Hiểu đường đi nước bước; hiểu sự tồn tại; hiểu mạng sống của COVID; COVID nhiễm như thế nào; COVID bệnh ra sao? Hiểu để rồi ta ứng phó. Ta ứng phó như thế nào? Đó là quy tắc 5K mà Bộ Y tế đã đưa ra và Chính phủ đã ban hành. Chúng ta cần phải hiểu COVID, thấy được đường đi nước bước, thấy được độ lây nhiễm, để ta tự bảo vệ cho mình và người than; Chúng ta phải sống đối mặt với COVID: bởi khi ta trốn tránh, khi ta né thì ta sẽ mất đi nhuệ khí và tâm của ta sẽ bị chùng xuống , lòng ta sẽ bị co thắt lại. Đối mặt không có nghĩa là sống bất chấp mà là hiểu COVID và hiểu được chính mình để rồi có thể đối mặt để nuôi dưỡng tinh thần, nuôi dưỡng nhuệ khí để, sống có ý chí chứ không phải để sống phó mặc.

Chúng ta sống theo hạnh của Đức Thế Tôn đó chính là hạnh sống viễn ly. Thân viễn ly tránh tiếp xúc nơi chốn đông người, tránh tụ tập, tránh không để bị lôi kéo của cảnh sắc, âm thanh, giúp cho mình sống được bình an, tĩnh tại; Không làm những điều bất thiện mà hãy chuyên tâm làm việc thiện; Sống thiểu dục tri túc hay nói cách khác là sống ít muốn biết đủ; Biết quay về với chính mình để thực tập thiền định. Chúng ta quay về với hơi thở của mình, ta thấy hơi thở đi vào, hơi thở đi ra bởi hơi thở là thước đo của sự sống, là nguồn sinh lực nuôi dưỡng tăng trưởng đạo tâm, đạo lực của chính mình. Trong bối cảnh dịch bệnh chúng ta không tránh dịch bệnh nhưng chúng ta cũng không liều lĩnh với dịch bệnh. Hơn bao giờ hết, ngay bây giờ hãy nuôi nội lực bên trong mỗi chúng ta để có năng lượng dồi dào, tích cực để sống với gia đình, sống với xã hội để đối phó với dịch bệnh.

TT.Thích Minh Nhẫn: Sau hơn 2 giờ đồng hồ chia sẻ, buổi toạ đàm "Tình thương trong đại dịch" trong khuôn khổ khoá tu báo hiếu online một ngày đã khép lại trong tinh thần hoan hỷ của tất cả mọi người. Ban Hoằng pháp TƯ rất vui mừng khi được chào đón quý vị là chư Tôn đức Tăng, Ni đang trực tiếp tham gia tình nguyện viên Phật giáo ở tuyến đầu và tuyến cuối hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tham dự buổi toạ đàm ngày hôm nay. Thông qua buổi toạ đàm, đại chúng hiểu thêm được những việc làm thầm lặng, sự hy sinh cao cả của đội tình nguyện viên Phật giáo hỗ trợ các y bác sĩ nơi tuyến đầu cũng như những việc làm thầm lặng của những Tu sĩ ở hậu phương đang ngày đêm âm thầm hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Thay mặt Hoà thượng Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, chúng tôi xin cảm ơn tới chư Tôn đức Tăng Ni đã nhận lời mời tham gia chương trình, cảm ơn quý Phật tử đã dành thời gian tham dự buổi toạ đàm trực tuyến, góp phần thành công cho sự kiện này. Mặc dù rất chú trọng trong việc chuẩn bị cho buổi toạ đàm, tuy nhiên khó tránh khỏi những thiếu sót. Chúng tôi mong nhận được sự thông cảm và chia sẻ của quý vị.

PSO

Download Android Download iOS
Ninh Bình: Lễ khánh thành ngôi Tam bảo và Nhà khách chùa Vĩnh Trung

Sáng nay ngày 26/11/2024 ( 26/10/ Giáp Thìn) Chùa Vĩnh Trung xóm 2 - xã Khánh Mậu - huyện Yên Khánh - tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức lễ Khánh Thành Ngôi Tam Bảo và Nhà Khách. Được sự cho phép của giáo hội phật giáo Việt Nam – huyện Yên Khánh và chính quyền xã Khánh Mậu sơn môn. Sự quan tâm giúp đỡ của các cấp lãnh đạo Đảng, sự giúp đỡ trợ duyên

Góp phần tìm hiểu cuộc đời và tư tưởng của Huyền Quang - Đệ tam tổ Trúc Lâm

PSO - Thiền sư Huyền Quang không những là một nhà tư tưởng lớn có danh tiếng thời Trần, tài giỏi, đức độ, học rộng, tinh thông Phật pháp, kế thừa nhị Tổ Pháp Loa lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm; mà còn là một nhà thơ của thế kỷ XIII -XIV.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online