Sáng 21/11/, Lễ khai mạc Khóa bồi dưỡng thiết kế truyền thông 2024 do Ban Thông tin - Truyền thông thuộc Phật giáo TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM – Việt Nam Quốc Tự.
Buổi lễ có sự chứng minh và tham dự của HT.Thích Lệ Trang, Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM; cùng chư tôn đức Thường trực Ban Trị sự và các ban ngành Phật giáo TP.HCM. Ngoài ra, đại diện Ban Tôn giáo, Phòng An ninh Công an TP.HCM, các chuyên gia, giảng viên và gần 400 học viên cũng tham dự sự kiện.
Phát biểu khai mạc, TT.Thích Tâm Hải, Trưởng Ban Thông tin - truyền thông GHPGVN TP.HCM cho biết, trước yêu cầu của thực tế, đặc biệt là trong thế giới thông tin xã hội mà mỗi cá nhân, cơ sở tự viện và các đơn vị Phật giáo cần chia sẻ, kết nối với cộng đồng của mình, qua các cuộc khảo sát, tham khảo ý kiến chuyên gia, Ban Thông tin - Truyền thông Phật giáo TP.HCM quyết tâm thực hiện Khóa bồi dưỡng thiết kế truyền thông năm 2024, với mục đích giới thiệu một cái nhìn cơ bản về quản trị Phật sự qua việc Thiết lập truyền thông vào tổ chức sự kiện, Nguyên lý và ứng dụng căn bản về thiết kế đồ họa và những vấn đề trong thiết kế truyền thông của Phật giáo chúng ta hiện nay.
Thời gian Khóa bồi dưỡng diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 21 đến 23-11-2024, tại hội trường Việt Nam Quốc Tự, với 6 buổi học. Số lượng học viên tham gia lên đến 342 người, gồm Tăng Ni, Cư sĩ và nhiều bạn trẻ.
Nội dung được trình bày tại Khóa học gồm: Đề tài 1: Thiết lập truyền thông vào tổ chức sự kiện, do ông Võ Thành Trung, Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Square và cộng sự đảm trách chia sẻ, hướng dẫn; Đề tài 2: Thiết kế đồ họa, nguyên lý và ứng dụng cơ bản do Nhà thiết kế Phạm Âm và Nguyên Hải hướng dẫn; bên cạnh đó, Thượng tọa Thích Tâm Hải sẽ chia sẻ về Những vấn đề của truyền thông Phật giáo trong bối cảnh hiện nay.
Đạo từ tại lễ khai mạc, HT.Thích Lệ Trang bày tỏ, công tác truyền thông Phật giáo mang tính đặc thù vì không chỉ dừng lại ở việc truyền tải thông tin, mà còn phải giúp mọi người hiểu nhau, gần gũi nhau hơn, từ đó đạt đến sự cảm thông, hội thông và viên thông, đúng như hạnh nguyện của Bồ-tát Quan Thế Âm.
Hòa thượng cũng khuyến khích những người làm công tác truyền thông cần giữ cho lời nói, suy nghĩ và hành động luôn trong sáng, để những nội dung truyền tải có thể mang lại lợi lạc, hạnh phúc cho người nghe và người đọc. Điều này không chỉ giúp làm tốt đẹp các mối quan hệ trong xã hội, mà còn góp phần giúp mọi người hiểu về đạo Phật một cách chân thật, ý nghĩa và đầy nhân văn.
Đăng Huy