Những Tu viện cổ tích trăm năm
Với người Bhutan, tu viện Taktsang hay còn gọi là Tiger’s Nest (Thiền viện Hang Cọp) không chỉ là biểu tượng du lịch nổi tiếng nhất của vương quốc mà còn là ước mơ của bất cứ Phật tử nào. Dù nằm ở độ cao gần ba ngàn mét, phải mất một đoạn đường dài vất vả mới lên đến nơi, tu viện nằm nép mình bên vách núi cheo leo này còn là địa điểm hành hương của hàng triệu Phật tử đến từ khắp nơi trên thế giới. Ở Bhutan là vậy, thật lạ kỳ khi người ta vẫn có thể thấy những cụ ông, cụ bà đầu tóc bạc phơ vẫn nhẫn nại từng leo lên Tiger’s Nest, để một lần được chiêm bái tu viện linh thiêng này.Triết lý nhà Phật- Kim chỉ nam đời sống Bhutan
Dù là du khách đến Bhutan trong một kỳ nghỉ ngắn ngày cũng có thể nhận ra một điều rất tự nhiên, rằng Phật không chỉ được thờ trong những tu viện hay chùa chiền.Ở vương quốc nhỏ bé này, người dân sống rất gần với cội nguồn Phật giáo của mình. Chính điều đó đã tạo nên một quốc gia với những con người hiền hoà, không sân si những thứ xa xỉ, và tất nhiên, một quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Ở Bhutan, trộm cắp hay bạo lực là những điều rất khó xảy ra. Tệ nạn xã hội hay ma tuý, mại dâm nghe càng xa lạ hơn nữa. Người Bhutan hiền lành, chân thật, với nụ cười trong veo. Người với người ở Bhutan đối xử với nhau hiền hoà bao nhiêu, thì người với thiên nhiên cũng gắn bó hài hoà với nhau như vậy. Trong lúc những quốc gia đứng đầu thế giới ngộp thở trong khói bụi công nghiệp, ô nhiễm nguồn nước, kẹt xe tắc đường…thì ở đây, người dân Bhutan hạnh phúc tận hưởng thứ không khí vô cùng tinh khiết, những khu rừng xanh bạt ngàn hay những cánh đồng không hề bị phun chất hoá học.Quốc gia nhỏ bé và hạnh phúc
Người Bhutan hạnh phúc chỉ đơn giản vì họ không có nhiều nhu cầu cá nhân. Văn hóa Phật giáo Kim Cang Thừa và lối sống chan hòa với thiên nhiên tạo cho họ tính cách không cạnh tranh, sân si và không bao giờ nghĩ sẽ làm gì xấu với người khác. Hạnh phúc của người dân nước này đơn giản là hài lòng với những gì họ đang có. Bhutan có môi trường sống trong lành, nền nông nghiệp không hóa chất. Người dân không phải trả chi phí giáo dục và y tế. Nhà cửa của họ được chính quyền hỗ trợ xây dựng. Nhà nước Bhutan quản lý quốc gia theo các chỉ số hạnh phúc như mức độ hài lòng cuộc sống của người dân, sự tăng trưởng kinh tế, chỉ số bảo vệ môi trường, bản sắc văn hóa và chỉ số quản trị tốt của chính quyền. Những chỉ số quản lý cuộc sống dân cư của người Bhutan tạo nên sự khác biệt so với các quốc gia khác. Trẻ em trai trong độ tuổi từ 6 – 9 đã bắt đầu cuộc sống tu hành trong các ngôi chùa, nơi các nhà sư được học ngôn ngữ cổ của kinh Phật, ngôn ngữ gốc của Bhutan và tiếng Anh. Các trẻ em này sau này có thể chọn lựa cho mình một trong hai con đường: học giáo lý nhà Phật và trở thành nhà sư, hoặc với đa số, là thấm nhuần về giáo và sống cuộc sống bình thường với đức tin của riêng mình. Dù vậy, Bhutan không tự coi mình là Shangri-la, hay là một tu viện lớn với những nhà sư vui vẻ, mà là một quốc gia tuy nhỏ bé với 700.000 dân nhưng đã tạo ra được những giá trị mang ý nghĩa nhân loại. Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới này lập hẳn ra một bộ tên là Bộ Hạnh Phúc, chỉ để đảm bảo rằng người dân của vương quốc nhỏ bé này cảm thấy hạnh phúc về mọi mặt của cuộc sống. Đó là điều mà nhiều quốc gia hùng mạnh trên thế giới chưa chắc đã làm được như vương quốc Phật giáo nhỏ bé này.Thanh Tâm ( tổng hợp)
nguồn phatgiao.org
The post Bhutan: Vương quốc Phật giáo hạnh phúc nhất thế giới appeared first on Phật Sự Online Miền Tây.