PSO – Sáng nay, ngày 23/11/2019 (nhằm ngày 27/10 năm Kỷ Hợi), tại Trung tâm Văn hóa tượng Phật Niết bàn chùa Hội Khánh (phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Dương kết hợp cùng Sở Văn hoá Thể thao, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 90 năm ngày mất cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quang lâm chứng minh có sự hiện diện của: Hoà thượng Thích Huệ Thông – Thành viên Hội đồng Chứng minh (HĐCM) GHPGVN, Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (BTS GHPGVN) tỉnh Bình Dương; Hoà thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN; HT. Thích Huệ Thông – Phó tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 TƯGH, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương; HT. Danh Lung – Uỷ viên Thư ký Hội đồng Trị sự (HĐTS), Phó Văn phòng 2 TƯ GHPGVN; HT. Thích Thiện Đức – Uỷ viên Thường trực HĐTS, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Kiểm soát TƯ; TT. Thích Phước Nguyên – Uỷ viên HĐTS, Phó ban Hoằng pháp GHPGVN; HT. Thích Thiện Duyên – Ủy viên HĐTS, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương; TT. Thích Minh Nghĩa – Phó BTS, Trưởng ban Pháp chế Phật giáo tỉnh; TT. Thích Minh Lực – Phó BTS, Trưởng ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh; cùng chư Tôn đức Thường trực BTS tỉnh, chư Tôn đức Tăng Ni 09 huyện, thị, thành đồng trở về tham dự.
Về phía chính quyền có sự hiện diện của: Ông Trần Thanh Liêm – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Bình Dương; ông Võ Văn Minh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh; ông Nguyễn Minh Đức – nguyên Bí thư Tỉnh ủy; ông Phan Văn Đương – nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; ông Nguyễn Văn Lộc – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) tỉnh; bà Nguyễn Minh Thủy – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; ông Lê Hữu Phước – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Nguyễn Khoa Hải – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh; ông Nguyễn Văn Đông – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bó thư Thành ủy TP. Thủ Dầu Một; cùng các ông, bà nguyên là lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN, đại diện lãnh đạo các sở ban, ngành 09 huyện, thị, thành trực thuộc tỉnh Bình Dương đồng tham dự lễ tưởng niệm.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Nguyễn Khoa Hải – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương cho biết: Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một sĩ phu yêu nước, có một nhân cách sống cao đẹp, một mẫu người chánh trực, liêm khiết, một tấm gương sáng về lòng nhiệt tình cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong bối cảnh nước mất nhà tan, dưới ách thống trị của chế độ thực dân. Sinh thời cụ Nguyễn Sinh Sắc thường quan niệm là học để làm người, chứ không phải học để làm quan. Lúc bấy giờ, thấu hiểu nỗi khổ bị áp bức của dân tộc, Cụ đã rời khỏi chốn quan trường, đi khắp miền Nam để truyền bá tư tưởng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, lòng yêu quý đồng bào. Trong hành trình về phương Nam, từ năm 1923 đến năm 1926, Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương được cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc chọn làm nơi hoạt động truyền bá tư tưởng yêu nước. Trong bối cảnh TP. Thủ Dầu Một chịu sự cai trị của chế độ thực dân Pháp, lúc bấy giờ cuộc sống của người dân vô cùng cơ cực, lầm than. Sự xuất hiện của cụ Phó bảng trên vùng đất Thủ như một sự khơi nguồn cho khát vọng hòa bình, dẫn đường cho tinh thần yêu nước của quần chúng nhân dân. Tại chùa Hội Khánh, cụ Phó bảng đã hội ngộ với các nhà Nho, nhà Sư có cùng tư tưởng yêu nước như cụ Phan Đình Viện, Hòa thượng Thích Từ Văn cùng sáng lập ra Hội Danh dự Yêu nước. Hoạt động của hội là truyền bá tư tưởng yêu nước đến với đồng bào, nhân sĩ trí thức ở địa phương qua các buổi thuyết pháp, giảng đạo, mở các lớp dạy chữ Nho, dạy làm thuốc… Trong quá trình thể hiện lý tưởng của mình, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã vận dụng những phương cách linh hoạt nhất, thuận lợi nhất lại có tác dụng cao nhất đó là: Vận dụng tư tưởng Phật giáo làm phương tiện để chuyển tải tinh thần yêu nước. Cụ đã sử dụng linh hoạt Hội Danh dự Yêu nước để làm chất kết nối, làm đòn bẫy thúc đẩy, gắn kết tinh thần yêu nước trong nhân dân. Tiếp nối tinh thần yêu nước của cụ, chùa Hội Khánh – nơi Cụ từng lưu trú là nơi đào tạo các thế hệ nhà Sư yêu nước, giàu tài đức, có công đức với Đạo pháp và Dân tộc.
Phát biểu tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó tổng Thư ký kiêm Chánh văn phòng 2 TƯGH, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương nhấn mạnh: Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1862, tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Mất năm 1929 tại làng Hòa An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Trong quá trình hoạt động cách mạng, truyền bá tư tưởng yêu nước từ Nghệ An đến Cao Lãnh, Đồng Tháp người đã chọn chùa Hội Khánh, Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương để hoạt động cách mạng từ 1923 đến năm 1926. Những lời nói và việc làm của cụ vùng đất Thủ đã để lại cho nhân dân địa phương một ấn tượng tốt đẹp, ảnh hưởng sâu sắc đến lòng yêu nước của nhân dân. Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc một nhà sĩ phu yêu nước, Người có công trong phong chào chấn hưng Phật giáo, một người cha đã định hình cho nhân cách Hồ Chí Minh từ cách sống, cách suy nghĩ và con đường cứu nước từ thuở Hồ Chủ tịch còn thơ. Chính sự định hình này, mà Bác Hồ trở thành một thiên tài của dân tộc, một danh nhân văn hóa của nhân loại.
Tại buổi lễ, chư Tôn đức Giáo phẩm cùng đại diện các cơ quan, ban ngành nhà nước đã dâng hương tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thể hiện tấm lòng tôn kính, biết ơn công lao, đạo đức, nhân cách của cụ.
Được biết, lễ hội diễn ra trong hai ngày 23 và 24 tháng 11 năm 2019. Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa như khu trưng bày triển lãm hình ảnh, tư liệu “Cuộc đời và sự nghiệp cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc”, triển lãm sách về quê hương Bình Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh….
Lễ tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là hoạt động truyền thống nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn của nhân dân đối với cụ Nguyễn Sinh Sắc – một tấm gương hiếu học, một nhà nho giàu lòng yêu nước, thương dân, một nhà chí sĩ đã truyền bá chủ nghĩa yêu nước cho dân tộc. Đặc biệt cụ là người có công sinh thành, giáo dục, hình thành một nhân cách lớn, một danh nhân văn hóa thế giới, một lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam độc lập – tự do như ngày nay: Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận được từ buổi lễ:
Trung Anh – An Nhiên
The post Bình Dương: Lễ tưởng niệm 90 năm ngày mất cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc appeared first on Phật Sự Online Miền Đông.