PSO - Sáng ngày 19/11, BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm chuẩn bị cho dự án “Tổ chức điều tra, sưu tầm tài liệu nghiên cứu biên soạn bộ tổng tập Phật giáo Thăng Long - Hà Nội” tại chùa Bằng - Linh Tiên Tự (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam. Những thành tựu nổi bật của nền văn hóa dân tộc có sự đóng góp không nhỏ của văn hóa Phật giáo.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội là thành viên của khối đại đoàn kết toàn dân, là một bộ phận không thể tách rời trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Nhận thấy tầm quan trọng và với trách nhiệm của mình, GHPGVN thành phố Hà Nội đã đề ra chương trình hoạt động Phật sự của nhiệm kỳ IX (2022 - 2027) và những năm tiếp theo. Trong đó, việc triển khai nghiên cứu biên soạn bộ “Tổng tập Phật giáo Thăng Long - Hà Nội” là nhiệm vụ Phật sự quan trọng của Giáo hội.
Phật giáo Thăng Long - Hà Nội có lịch sử hình thành và phát triển hàng nghìn năm với khối di sản đồ sộ có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật,… Mặc dù trong nhiều năm qua, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã có những nghiên cứu đánh giá về vai trò và tầm quan trọng của Phật giáo Thăng Long - Hà Nội ở nhiều phương diện khác nhau. Tuy nhiên, những nghiên cứu đó mới dừng lại ở các phương diện đơn lẻ, chưa có một bộ tổng tập xứng tầm về Phật giáo của Thăng Long - Hà Nội.
Nhằm mục đích bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Phật giáo Thăng Long - Hà Nội đáp ứng nhu cầu nghiên cứu học tập cho các thế hệ mai sau cũng như góp phần vào sự nghiệp phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Được sự hoan hỉ phối hợp của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội đến nay đã soạn thảo bản thuyết minh dự án “Tổ chức điều tra, sưu tầm tài liệu nghiên cứu biên soạn bộ tổng tập Phật giáo Thăng Long - Hà Nội”.
Buổi tọa đàm tại chùa Bằng lần này, nhằm lắng nghe những ý kiến đóng góp của quý chư Tôn đức cũng như các nhà nghiên cứu đầu ngành, để bản thuyết minh dự án có tính khoa học, chặt chẽ và không bỏ sót các vấn đề cần nghiên cứu, tiến tới thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.
Buổi tọa đàm đã diễn ra sôi nổi, dưới sự chủ tọa của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, trụ trì chùa Bằng; Giáo sư Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc - Phó chủ tịch Hội sử học Việt Nam; Phó Giáo sư Tiến sỹ Vũ Văn Quân - Nguyên Trưởng khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Ngoài ra còn có sự hiện diện của bà Nguyễn Thị Kim Dung - Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; bà Phạm Bảo Khánh - Phó Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội, cùng quý chư Tôn đức thường trực BTS Phật giáo thành phố Hà Nội và các nhà nghiên cứu, các Giáo sư Tiến sỹ, các học giả.
Diệu Tường