11/12/2024 10:13

Chùa Linh Sơn Tiên Thạch (núi Bà Đen, Tây Ninh) - Tìm về chốn Tổ chùa xưa

PSO - Từ rất sớm, Gia Định thành thông chí (1820) của Trịnh Hoài Đức là cuốn địa chí viết về vùng đất Nam Bộ xưa. Trong mục Bà Đinh sơn (núi Bà Đen), trấn Phiên An, Sơn xuyên chí có ghi chép lại rằng: “Cả trấn đều kính ngưỡng, ở cách trấn về phía Tây 261 dặm rưỡi. Núi này đất đá lởm chởm cao, cây cối xanh tốt, có suối nước ngọt, đất đai màu mỡ, trên có chùa Vân Sơn, dưới có chằm hồ, cảnh trí u nhã, rừng rú, hang hố sâu thẳm, có thôn xóm của người Thổ và người Việt ở la liệt, nhân dân đều nhờ món lợi của núi rừng…” [1]. Qua đó, tác giả đã có nhắc đến ngôi chùa tên Vân Sơn trên núi Bà Đen, tên gọi “Vân Sơn” này có thể được gọi theo tên của núi, trong cuốn Đất Việt trời Nam của Thái Văn Kiểm (1960) có viết: “Núi này thường có mây phủ nên có tên là Vân Sơn” [2].

Ngôi chùa trên núi Bà Đen là một trong những ngôi chùa xưa nhất ở tỉnh Tây Ninh, được thành lập cách nay gần 300 năm đã chứng minh cho sự hiện diện của Phật giáo từ rất sớm trên mảnh đất phía Tây Nam của tổ quốc và đã đặt nền tảng cho Đạo Phật hình thành, phát triển cùng đồng hành với dân tộc tại tỉnh nhà.

Điện Phật tại chùa

Về năm thành lập
Cùng theo chân các lưu dân trong cuộc Nam tiến đi khai hoang mở cõi, có các vị thiền sư đã đưa Phật giáo đến vùng đất Tây Ninh. Theo các tài liệu thư tịch viết về Phật giáo Tây Ninh, Hòa thượng Đạo Trung – Thiện Hiếu (tục còn gọi là tổ Bưng Đỉa), thuộc thế hệ thứ 38, phái Thiền, chi phái Lâm Tế, dòng đạo Liễu Quán ở Đàng Trong đến núi Bà Đen khai sơn, phá thạch, lập nên ngôi chùa và đặt hiệu là Linh Sơn Tiên Thạch.

Về thời gian thành lập chùa, được xác định vào thế kỷ thứ XVIII, ở nhiều tài liệu còn cho biết cụ thể vào năm Quý Mùi (1763). Trong cuốn Ngọn đuốc cửa thiền của Phan Thức Duy, về sau được Hòa thượng Giác Điền tái bản, ở trang bìa 2 có viết: Tổ Đạo Trung – Thiện Hiếu (tục gọi tổ Bưng Đỉa) khai sơn núi Điện Bà đến năm 1794 về lập chùa Long Hưng ở Thủ Dầu Một.

Sách Tây Ninh xưa và nay ghi chép cụ thể hơn rằng: Tổ Đạo Trung – Thiện Hiếu (tục gọi tổ Bưng Đỉa), từng trải 31 năm khổ nhọc khai sơn hóa đạo núi Điện Bà, đến năm 1794 thì về lập chùa Long Hưng ở Thủ Dầu Một (Huỳnh Minh (1972), tác giả tự xuất bản, Sài Gòn, tr.193) [3]. Từ đó có thể suy ra ngôi chùa được thành lập vào năm 1763.

Trong cuốn Những ngôi chùa ở Nam Bộ cho biết: Chùa Linh Sơn Tiên Thạch đã trải qua nhiều đời truyền thừa. Tổ khai sơn là thiền sư Đạo Trung – Thiện Hiếu đã lập chùa từ năm 1763 [4].

Biên niên sử Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận: năm 1763 (Quý Mùi) Hòa thượng Đạo Trung – Thiện Hiếu khai sơn Linh Sơn Tiên Thạch tự (Tây Ninh) [5].

Địa chí Tây Ninh có viết: Trên đất Tây Ninh, chùa Linh Sơn trên núi Bà Đen, tạo dựng năm 1763 bởi tổ Đạo Trung – Thiện Hiếu (tục gọi là tổ Bưng Đỉa) dòng Lâm Tế Liễu Quán thường được gọi là Tế thượng, có lẽ là ngôi chùa xưa nhất [6].

Trong Việt Nam Phật giáo sử luận có đoạn: Đạo Trung sau 31 năm trú trì tại Linh Sơn, giao sơn môn này cho đệ tử là Tánh Thiền và về khai sơn chùa Long Hưng ở Thủ Dầu Một. Đó là vào năm 1794 [7].

Sách Lịch sử Phật giáo Bình Dương có viết: Được biết ngài Đạo Trung từ chùa Hội Sơn ở Thủ Đức đi hoằng hóa đạo pháp, ngài đến khai lập chùa Linh Sơn ở núi Điện Bà (Tây Ninh) vào năm 1763 [8].

Ngoài ra, trong bài viết Chùa Linh Sơn Tiên Thạch khởi nguyên cho Phật giáo tỉnh Tây Ninh của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn có viết khác hơn so với các tài liệu có trước đây: Chùa Linh Sơn Tiên Thạch do thiền sư Đạo Trung – Thiện Hiếu (Tổ Đỉa) khai sơn khoảng cuối thế kỷ XVIII (1798) trên nền chùa cũ là Vân Sơn. Tổ Đạo Trung đặt tên là lấy ý núi Linh Sơn (Linh Thứu) ở Ấn Độ, nơi Đức Phật đã thuyết giảng bộ kinh quan trọng là “Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa”. Chùa ban đầu chỉ là mái núi de ra, sâu vào trong như một cái động, tổ mới xây dựng và mở rộng thêm như ngày nay [9]. Đoạn này cho thấy thời gian lập chùa muộn hơn rất nhiều so với các tài liệu trước.

Có thể thấy, phần nhiều các tài liệu ghi nhận năm 1763 là năm thành lập chùa Linh Sơn Tiên Thạch chủ yếu căn cứ từ sách Tây Ninh xưa và nay của Huỳnh Minh – cuốn sách có nội dung vừa tổng thể vừa chi tiết với nhiều tài liệu về Tây Ninh từ trong thư tịch cho đến những ghi chép dân gian.

Chùa Linh Sơn Tiên Thạch (núi Bà Đen, Tây Ninh): Tìm về chốn Tổ chùa xưa.

Các đời trụ trì chùa Linh Sơn Tiên Thạch
Do chịu nhiều ảnh hưởng của chiến tranh, đến nay tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch (núi Bà Đen, Tây Ninh) còn ba ngôi tháp thờ chư vị tổ sư tiền bối. Từ chùa đi xuống 130 bậc đá là đến khu mộ tháp. Một tháp của tổ Thanh Thọ – Phước Chí, trên tháp này còn có một bia khác đề chữ Hán “Tự Lâm Tế chánh tông tam thập bát thế húy Hải đại sư giác linh”, có thể đoán định rằng đây là bia thờ tổ Hải Hiệp – Từ Tạng, trong Tây Ninh xưa và nay cũng có nhắn đến: Tổ Hải Hiệp – Từ Tạng là vị tổ thiêu hóa còn một lóng tay út chôn dưới hang động, sau dời mộ bia về trước tháp [10]. Bên cạnh là tháp của tổ Trừng Tùng – Chơn Thoại. Trong ba tháp có một ngôi tháp lớn nhất, bên trong có ba ngôi mộ, từ ngoài nhìn vào chính giữa là mộ tổ Tâm Hòa – Chánh Khâm, bên phải là mộ tổ Nguyên Cơ – Giác Phú và bên phải là mộ tổ Nguyên Chất – Giác Điền.

Được bài trí theo lối “tiền Phật hậu tổ”, sau chánh điện chùa Linh Sơn Tiên Thạch là ban thờ tổ trên có thờ tượng ba vị tổ sư của chùa là tổ Thanh Thọ – Phước Chí, tổ Trừng Tùng – Chơn Thoại, tổ Tâm Hòa – Chánh Khâm. Bên phải từ cổng chùa đi vào là Tổ đường nơi thờ chư vị tổ sư tiền bối của chùa, trên ban thờ có ba chân dung và bảy long vị, ba chân dung tổ Tâm Hòa  – Chánh Khâm, tổ Nguyên Cơ – Giác Phú và tổ Nguyên Chất – Giác Điền. Long vị lớn nhất đặt ở giữa là của tổ Đạo Trung – Thiện Hiếu, từ ngoài nhìn vào bên phải long vị tổ Đạo Trung có ba long vị lần lượt của các tổ Tâm Hòa – Chánh Khâm, tổ Nguyên Bộ – Giác Ngọc, tổ Nguyên Cơ – Giác Phú; bên trái có hai long vị của tổ Nguyên Chất – Giác Điền, tổ Quảng Hằng – Huệ Phương.

Trước Tổ đường có nhà bia (mặt trước chữ Việt, mặt sau chữ Hán) ghi danh chư liệt vị tổ khai sáng chùa Linh Sơn Tiên Thạch (núi Điện Bà, Tây Ninh) được Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa lập vào giờ Ngọ, ngày 15 tháng 6 năm Giáp Thân để tưởng niệm chư vị tổ sư tiền bối. Trên bia có khắc pháp húy và pháp hiệu của 11 vị tổ, từ tổ Thiệt Diệu – Liễu Quán đến tổ Tế Giác – Quảng Châu, tổ Đại Quang – Chí Thiền, tổ Đạo Trung – Thiện Hiếu, tổ Tánh Thiền – Quảng Thông, tổ Hải Hiệp – Từ Tạng, tổ Thanh Thọ – Phước Chí, tổ Trừng Tùng – Chơn Thoại, tổ Tâm Hòa – Chánh Khâm, tổ Nguyên Cơ – Giác Phú, tổ Quảng Hằng – Huệ Phương.

Trên bia này vẫn chưa khắc đủ tên các vị trụ trì chùa Linh Sơn Tiên Thạch, trong đó tổ Thiệt Diệu – Liễu Quán (?-1743), thuộc đời thứ 35, tông Lâm Tế, quê ở làng Bạch Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (Sông Cầu bây giờ). Ngài là tổ khai sơn chùa Thiên Thai Thiền Tông ở Huế. Ngài có xuất bài kệ pháp phái truyền thừa rằng: Thiệt tế đại đạo / Tánh hải thanh trừng / Tâm nguyên quảng nhuận / Đức bổn từ phong / Giới định phước huệ / Thể dụng viên thông / Vĩnh siêu trí quả / Mật khế thành công / Truyền trì diệu lý / Diễn xướng chánh tông / Hạnh giải tương ưng / Đạt ngộ chân không. Tăng đồ và tín đồ miền Trung và miền Nam hiện nay hầu hết là thuộc dòng Lâm Tế, mà người có công khai hóa hơn hết chính là Hòa thượng Thiệt Diệu. Vì thế mà thành một nhánh phái truyền thừa lớn gọi là Lâm Tế Liễu Quán (Thích Thanh Từ (2015), Thiền sư Việt Nam, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, TP.HCM, tr.508, 513). Hiện trên mộc bản pháp phái thế độ tại chùa Phước Lưu (Trảng Bàng) có khắc “Thiên Thai sơn Thiền Tông tự húy Thiệt Diệu thượng Liễu hạ Quán đại lão Hòa thượng xướng viết (bài kệ trên)…”. Qua đó, đã cho thấy tổ là người khai sáng nên chi phái Lâm Tế, dòng đạo Liễu Quán ở Đàng Trong không phải tổ sư của chùa Linh Sơn Tiên Thạch.

Ảnh và long vị các vị tổ sư trụ trì chùa Linh Sơn Tiên Thạch - (ảnh: tác giả)

Thứ hai là tổ Tế Giác – Quảng Châu, ở đây có hai giả thuyết đặt ra rằng tổ Tế Giác – Quảng Châu là tổ Tiên Giác – Hải Tịnh hoặc là một vị tổ khác cùng tên. Về tổ Tế Giác – Quảng Châu là Tiên Giác – Hải Tịnh, trên báo Giác Ngộ Online (ngày 10/11/2021) có đăng bài viết Huê Nghiêm: Ngôi tổ đình 300 năm tuổi ở đất Sài Gòn – Gia Định của Pháp Đăng có đề cập đến: Tổ Tế Giác xuất gia với tổ Thiệt Thoại – Tánh Tường (tổ thuộc đời thứ 35, dòng Lâm Tế Tổ Đạo) khi tổ đã cao niên. Thấy được căn cơ của ngài Tế Giác nên tổ đã khuyên ngài về cầu pháp tu học với tổ Phật Ý – Linh Nhạc tại chùa Sắc tứ Từ Ân. Tổ Phật Ý đưa tổ Tế Giác cho đệ tử là tổ Tổ Tông – Viên Quang (tổ thuộc đời thứ 36 dòng Lâm Tế Bổn Ngươn) dạy dỗ và ban cho pháp húy là Tiên Giác, hiệu Hải Tịnh. Do đó, tổ Tế Giác – Quảng Châu không thuộc dòng Lâm Tế Liễu Quán – dòng pháp truyền thừa tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch. Nhưng tổ Tiên Giác – Hải Tịnh từng đến Tây Ninh để hóa đạo vào năm 1850 và vào tháng 5 năm Ất Hợi (1875) tổ Phước Chí trụ trì chùa Linh Sơn Tiên Thạch (núi Bà Đen, Tây Ninh) lập Giới đàn tôn Đại lão Hòa thượng Hải Tịnh làm Đường đầu Hòa thượng [11]. Thời gian này tổ đến Tây Ninh muộn hơn rất nhiều so với tổ Đạo Trung – Thiện Hiếu qua các tài liệu đã minh chứng, nên nếu xem tổ Tế Giác – Quảng Châu là tổ Tiên Giác – Hải Tịnh đặt cùng trên bia các tổ chùa Linh Sơn Tiên Thạch thì chưa phù hợp.

Thứ ba là tổ Đại Quang – Chí Thiền được cho là bổn sư (tức là thầy) của tổ Đạo Trung – Thiện Hiếu. Theo các tài liệu trước đây, như Ngọn đuốc cửa thiền, Tây Ninh xưa và nay, Việt Nam Phật giáo sử lược, Việt Nam Phật giáo sử luận, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong đều cho rằng tổ Đạo Trung – Thiện Hiếu là đệ tử của tổ Đại Cơ – Đức Huân. Nhưng theo bảng truyền thừa phổ hệ mà Hòa thượng Huệ Thông (chùa Hội Khánh, Bình Dương) có được, thì tổ Đạo Trung – Thiện Hiếu thực chất là đệ tử của tổ Đại Quang – Chí Thành. Tổ Đại Quang – Chí Thành là người có công xiển dương Phật giáo ở miền Tây Nam Bộ. Hiện nay tại chùa Long Hưng có rất nhiều long vị, trong đó có long vị của Hòa thượng Đại Quang – Chí Thành (bổn sư của tổ Đạo Trung – Thiện Hiếu) [12]. Qua đây, có thể nhận định tổ Đại Quang – Chí Thiền khắc trên bia chính là tổ Đại Quang – Chí Thành là thầy của tổ khai sơn chùa Linh Sơn Tiên Thạch, có thể khi xưa bị khắc nhầm chữ “Thành” thành “Thiền”.

Thứ tư trên bia tưởng niệm chư vị tổ sư tiền bối là tổ Đạo Trung – Thiện Hiếu (1743-1800). Tổ là bậc long tượng của thiền môn, vị danh tăng của Phật giáo Tây Ninh nói riêng và Nam Bộ nói chung, ngài đã khai sơn và trùng tu nhiều ngôi chùa ở Nam Bộ như chùa Long Hưng (ấp 4, xã Tân Định, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), chùa Hội Hưng (xã Trung An, huyện Củ Chi, TP.HCM), chùa Hội Lâm hay còn biết đến qua tên gọi dân gian là chùa Bà Tang (xóm Chùa, xã An Phú, huyện Củ Chi, TP HCM) và ngài có đến hành đạo tại các chùa Hội Khánh, chùa Long Thọ (TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), chùa Hội Sơn (thành phố Thủ Đức, TP HCM), chùa Bửu An (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Đặc biệt, với việc khai sáng ngôi tam bảo Linh Sơn Tiên Thạch trên núi Bà Đen từ thế kỷ XVIII, Hòa thượng Đạo Trung – Thiện Hiếu đã đặt nền tảng ban đầu cho việc phát triển Phật giáo ở Tây Ninh nói chung và dòng truyền thừa Lâm Tế Liễu Quán (dòng Tế Thượng) nói riêng.

Xưa nay kể nhiều về tổ Đạo Trung – Thiện Hiếu qua sự tích “Tổ Đỉa”, bên cạnh đó còn biết đến ngài là người con chí hiếu. Khi ngài rời quê xuất gia tu học, mẹ ngài vì thương nhớ con, được tin ngài hành đạo tại vùng đất này, cụ bà tìm đến. Tổ biết đó là mẹ mình nên nhận và cho công quả. Nhưng vì sợ mẹ biết tổ là con thì sẽ có thái độ xem thường Tăng chúng trong lúc công quả, nên tổ không cho biết mình là con. Trong thời gian cụ ở đây (tức chùa Long Hưng), tổ thường dặn dò Tăng chúng chăm sóc cụ bà thật chu đáo khi tổ có Phật sự phải vắng mặt ở chùa. Còn những lúc ở chùa, vào lúc chạng vạng và đại chúng chỉ tịnh ngài âm thầm giặt đồ cho mẹ mình… Đến khi cụ bà lâm chung, tổ mới công bố trước đại chúng đây là mẹ của mình và khi bà cụ qua đời tổ đứng ra lo an táng chôn cất trong khuôn viên chùa. Hiện nay mộ bà cụ được chôn cất gần với tháp tổ [13].

31 năm khai sơn hóa đạo tại Tây Ninh, Hòa thượng Đạo Trung – Thiện Hiếu truyền kế vị trụ trì chùa Linh Sơn Tiên Thạch lại cho đệ tử là tổ Tánh Thiền – Quảng Thông rồi đến các tổ Hải Hiệp – Từ Tạng, tổ Thanh Thọ – Phước Chí (tại vị từ năm 1871-1880), tổ Trừng Tùng – Chơn Thoại (tại vị từ năm 1880-1910), tổ Tâm Hòa – Chánh Khâm (tại vị từ năm 1910-1937), tổ Nguyên Cơ – Giác Phú (tại vị được 11 tháng trong năm 1937), tổ Nguyên Bộ – Giác Ngọc (tại vị từ năm 1946-1951), tổ Nguyên Chất – Giác Điền (tại vị từ năm 1952-1956). Ngày 19 tháng 12 năm Bính Thân (1956), giao chùa lại cho Tỉnh trưởng Tây Ninh Nguyễn Văn Ngân lập Hội Điện Bà từ đó giao cho tổ Quảng Hằng – Huệ Phương đảm nhiệm. Đến nay, Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa là viện chủ hệ thống các chùa ở núi Bà Đen (Tây Ninh), chùa Linh Sơn Tiên Thạch do Hòa thượng Thích Niệm Thới – Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh trụ trì.

Không gian ngôi chùa sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo đến nay sở hữu nét đẹp hài hòa, ấn tượng giống với lối kiến trúc của nhiều danh lam cổ tự trong nước.

Kết luận
Đã có nhiều người đến đây để xuất gia, học đạo với các vị tổ sư, nhiều thế hệ đệ tử có gốc từ chùa Linh Sơn Tiên Thạch núi Bà Đen, Tây Ninh đi hành đạo, xây dựng chùa chiền khắp các vùng trong và ngoài tỉnh. Công lao của các vị tổ sư tiền bối đã được ghi chép vào sử sách, gắn liền với những giai đoạn thăng trầm của đạo pháp và tiến trình hình thành và phát triển của vùng đất Tây Ninh. Bài viết làm rõ hơn về năm thành lập cũng như các đời trụ trì chùa Linh Sơn Tiên Thạch để góp phần thuận tiện trong việc tra cứu và nghiên cứu về Phật giáo Tây Ninh.

Phí Thành Phát

Chú thích:
[1]  Trịnh Hoài Đức – Lý Việt Dũng (dịch và chú giải, 2006), Gia Định thành thông chí, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, tr.41.
[2] Thái Văn Kiểm (1960), Đất trời Việt Nam, Nxb. Nguồn sống, Sài Gòn, tr.32.
[3] Huỳnh Minh (1972), Tây Ninh xưa và nay, tác giả tự xuất bản, Sài Gòn, tr.193.
[4] Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên (1994), Những ngôi chùa ở Nam Bộ, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, tr.98.
[5] Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh (2001), Biên niên sử Phật giáo Gia Định-Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. TP HCM, tr.24.
[6] UBND tỉnh Tây Ninh (2006), Địa chí tỉnh Tây Ninh, tr.513.
[7] Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông, tr.495.
[8] Thích Huệ Thông (2015), Lịch sử Phật giáo tỉnh Bình Dương, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, TP HCM, tr.145-146.
[9] HT.Thích Thiện Nhơn (2019), “Chùa Linh Sơn Tiên Thạch khởi nguyên cho Phật giáo tỉnh Tây Ninh”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 329, tr.4.
[10] Huỳnh Minh (1972), Sđd, tr.193.
[11] Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh (2001), Sđd, tr.59.
[12] Thích Huệ Thông (2015), Sđd, tr.145-148.
[13] Thích Huệ Thông (2015), Sđd, tr.148.

Download Android Download iOS
TP.HCM: Ban Trị sự PG cùng các Ban, Ngành Quận 3 và Công an Quận 10 chúc Tết Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội

PSO - Sáng ngày 20/1 năm 2025 (nhằm ngày 21/12 năm Giáp Thìn), tại Thiền viện Quảng Đức, số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM, đã diễn ra một buổi gặp gỡ chúc Tết giữa chư Tôn đức lãnh đạo Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cùng các phái đoàn của Ban Trị sự Phật giáo Quận 3, Quận ủy, UBND, MTTQ Quận 3

TP.HCM: Tổ đình Giác Lâm tưởng niệm 197 năm ngày Tổ sư Viên Quang viên tịch (1827-2025)

Ngày 2-1-2025 (nhằm ngày mùng 3 tháng Chạp năm Giáp Thìn), tại Tổ đình Giác Lâm (Q.Tân Bình), chư tôn đức đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 197 năm ngày Tổ sư Tổ Tông Viên Quang viên tịch.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online