Ngày 18 tháng 01 năm 2025, tại Học viện Khoa học xã hội – Viện Khoa học xã hội Việt Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội), đã diễn ra buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ của nghiên cứu sinh Nguyễn Sỹ Hưng (Đại đức Thích Quảng Nghĩa) - Phó Văn phòng Ban Hoằng pháp TW GHPGVN, Trưởng ban Ban Hoằng pháp GHPGVN Tp. Hải Phòng, Trưởng BTS GHPGVN quận Dương Kinh, chuyên ngành Tôn giáo học, Mã số 9229009, với đề tài “Sơn môn Tế Xuyên – Bảo Khám ở Việt Nam: Lịch sử, hiện trạng và vấn đề đặt ra”.
Tham dự buổi bảo vệ luận án có Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban hoằng pháp TW, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội; TT. Thích Tục Khang – Uỷ viên HĐTS, Phó trưởng Ban trị sự GHPGVN thành phố Hải Phòng; Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ - Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực Ban hoằng pháp TW; TT. Thích Tục Minh – Ủy viên dự khuyết HĐTS, phó thư ký, Chánh VP Ban trị sự GHPGVN thành phố Hải Phòng cùng chư tôn đức Tăng trong sơn môn Tế Xuyên – Bảo Khám, chư huynh đệ chùa Lý Triều Quốc Sư và pháp hữu đồng học.
Về phía chính quyền có ông Ông Dương Ngọc Anh – Trưởng Ban Tôn giáo - Sở nội vụ thành phố Hải Phòng; Ông Nguyễn Trí Nhân - Phó chủ tịch UBND Quận Dương Kinh (Hải Phòng).
Hội đồng khoa học gồm: GS.TS.Phạm Văn Đức – Học viện Khoa học xã hội làm Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Nguyễn Tài Đông – Viện Triết học làm Phản biện 1; PGS.TS.Hoàng Thị Lan – Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng làm Phản biện 2; PGS.TS.Đặng Thị Lan – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn làm Phản biện 3; TS.Hoàng Văn Chung – Viện Nghiên cứu Tôn giáo làm Thư ký; cùng hai ủy viên là GS.TS.Nguyễn Hùng Hậu – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và PGS.TS.Đỗ Lan Hiền – Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng. Người hướng dẫn khoa học là PGS.TS Chu Văn Tuấn và TS.Phạm Thanh Hằng.
Qua thời gian hơn 3 giờ làm việc, Hội đồng khoa học đưa ra những kết quả đánh giá cao về đề tài mà nghiên cứu sinh Nguyễn Sỹ Hưng (Đại đức Thích Quảng Nghĩa) đã nghiên cứu và trình bày. Theo hội đồng khoa học nhận xét, Luận án vừa dựng lại lịch sử hình thành, phát triển của một sơn môn, vừa đi vào phân tích những vấn đề nổi bật nhất đặt ra với sơn môn Phật giáo trong bối cảnh Phật giáo và xã hội hiện tại. Nhiều dữ liệu mà Luận án sưu tầm và trình bày không chỉ khẳng định những phát hiện mới mà còn giúp cho việc tái hiện bức tranh Phật giáo đa sơn môn, Tổ đình giai đoạn thế kỷ XIX – XX trở nên hấp dẫn và ngày càng chi tiết hơn.
Luận án còn có đóng góp đáng kể ở các dữ liệu Hán Nôm đã phân tích trong chính văn và đưa vào phụ lục. Nhiều kết quả nghiên cứu mà Luận án đạt được, đặc biệt về giới thiệu và phân tích nội dung Kho di sản mộc bản, về các bản dịch văn bia, các cứ liệu về đóng góp của sơn môn giai đoạn chấn hưng Phật giáo, các vấn đề trong hiện trạng của sơn môn hiện nay…đều mới mẻ, rất đáng chú ý và gợi ra các hướng nghiên cứu mới trong tương lai. Những gì Luận án trình bày đã toát lên tính cấp thiết, tính thời sự, ý nghĩa và đóng góp thực tiễn của nghiên cứu này. Luận án hoàn toàn có thể xuất bản thành sách chuyên khảo mà không cần chỉnh sửa nhiều.
Hội đồng khoa học đã quyết định đánh giá luận án đạt kết quả xuất sắc.
Diệu Tường - Quang Phước