PSO - Đã trở thành một nét đẹp truyền thống đầu năm, sáng ngày mùng 2 Tết Canh Tý, chư Tôn đức Tăng Ni các tự viện ở thành phố Đà Lạt đã vân tập về Tổ đình Linh Quang – Ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo tỉnh Lâm Đồng, Linh Sơn cổ tự (chiếc nôi nuông dưỡng nguồn sống tâm linh của Tăng Ni, Phật tử tỉnh Lâm Đồng) và Linh Phong Ni tự (chùa Sư Nữ đầu tiên của Ni giới Lâm Đồng) lễ Tổ, chào đón một mùa xuân Di Lặc an lành, hoan hỷ.
Truyền thống này cũng không nằm ngoài mục đích sách tấn, giáo dục cho lớp Tăng Ni trẻ tỉnh nhà ôn lại công lao và sự nghiệp của liệt vị Tổ Sư đã dầy công xây dựng, bảo vệ đạo pháp trên vùng đất cao nguyên Lâm Viên (Lâm Đồng) từ những năm 1921 như: Thiền sư Thích Nhơn Thứ,, Hòa thượng Thích Quãng Nhuận, Hòa thượng Thích Minh Cảnh (Tổ đình Linh Quang), Thiền sư Thích Thiện Minh, Hòa thượng Thích Mãn Giác, Hòa thượng Thích Minh Tuệ, Hòa thượng Thích Đạo Quang, Hòa thượng Thích Bích Nguyên, Hòa thượng Thích Từ Mãn (chùa Linh Sơn), Hòa thượng Thích Đức Thiệu (chùa Liên Trì), Hòa thượng Thích Minh Đức (chùa Linh Phước), Ni trưởng Thích Nữ Từ Hương (chùa sư nữ Linh Phong)
Đây cũng là dịp để nhắc nhở đại chúng hãy noi theo hạnh nguyện “hoằng hóa độ sanh, truyền đăng tục diệm, tôn sư trọng đạo” của các bậc Tôn túc, thạc đức tiền nhân, phụng đạo giúp đời … Cũng trong không khí thiêng liêng của những ngày đầu năm mới này, chư tăng còn được lắng lòng nghe những lời huấn thị của của chư tôn thạc đức, những bật tòng lâm trưởng lão làm hành trang tấn tu đạo nghiệp , hoằng pháp lợi sanh.
Ngược dòng thời gian, cách đây hàng 100 năm, nơi đây chính là những vùng đất hoang vu với rừng thiên nước độc cùng nhiều loài thú dữ như cọp, beo, trăn, rắn…v.v. sinh sống. Theo bản đồ trong Đại Nam Nhất Thống Chí án hành thời triều Nguyễn, phần lớn đất đai ở Lâm Đồng hiện nay thuộc tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Năm Tự Đức thứ 19, triều đình có phái người đi thăm dò địa lý nhưng người Thượng (dân tộc thiểu số) sợ tránh không dám dẫn đường nên đành phải quay về.
Như vậy, trước khi được ông Alexandre Yersin (bác sỹ người Pháp) phát hiện vào năm 1893, cao nguyên Lang Biang chỉ là một vùng đồi núi hoang vu, là nơi du canh, du cư của các bộ tộc ít người như Chil, Lạt, Mạ, K’ho, Stiêng, Chu ru…v.v. và toàn quyền Paul Doumer muốn biến nơi này thành nơi nghỉ dưỡng cho người Pháp tại Đông Dương (vì khí hậu tại đây rất ôn hòa, lý tưởng). Năm 1916, toàn quyền E.Roume ký nghị định thành lập tỉnh Lang Biang, trung tâm đô thị của tỉnh được đặt tại Đà Lạt và đến năm 1923 Đà Lạt đã thực sự trở thành một thành phố khi đồ án kiến trúc đô thị của kiến trúc sư H’ebrard được thực hiện. Để phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng cơ sở của dự án, người Pháp cho chiêu mộ nhiều lao động bản xứ từ các tỉnh miền trung như: Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…v.v. Sau khi hết hợp đồng những lao động này đã định cư tại chỗ, khai phá đất đai sinh sống… Đây chính là những hạt giống Phật giáo đầu tiên được gieo trồng tại vùng đất cao nguyên này. Tuy nhiên việc tiến hành các nghi lễ tôn giáo của họ còn bị hạn chế vì lúc bấy giờ chưa có chùa chiền, Tăng Ni.
Năm 1921, từ Khánh Hòa, thiền sư Thích Nhơn Thứ người gốc Bình Định theo đoàn di dân đặt chân đến Đà Lạt. Tại đây với sự trợ giúp của tín đồ, Ngài cho dựng một ngôi thảo am nhỏ để tịnh tu và hoằng dương chánh pháp. Dần theo năm tháng ngôi thảo am được trùng tu với tên hiệu chùa Linh Quang. Ngày 27-9-1938, vua Bảo Đại đã ban quyết định “Sắc tứ Tổ đình Linh Quang tự” ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo tỉnh Lâm Đồng và cũng từ ngôi tổ đình này đạo Phật được khơi nguồn và phát triển tại vùng cao nguyên Lang Biang (Lâm Đồng). Quá trình hình thành, củng cố và phát triển Phật giáo tỉnh nhà có thể được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: Từ năm 1921 đến năm 1963 khi ra đời những ngôi chùa và chi hội Phật học đầu tiên, giai đoạn 2: Phật giáo Lâm Đồng phục hồi cơ sở và tiếp tục phát triển và giai đoạn 3 : Phật Giáo Lâm Đồng thành tựu và vững bước đi lên …
Sau đi lễ Tổ, thế hệ Tăng Ni trẻ đã đến chiêm bái, vấn an sức khỏe chư tôn thiền đức tại các tự viện như: Chùa Linh Phước, chùa Trúc Lâm, chùa Vương Xá, chùa Thiên Phước, chùa Kỳ Viên, chùa Liên Trì … Mong rằng nét đẹp truyền thống này luôn được thế hệ trẻ Tăng Ni tỉnh nhà giữ gìn và phát huy.
Xin trân trọng giới thiệu chùm ảnh Lễ Tổ đầu năm tại TP.Đà Lạt sáng ngày mùng 2 – Xuân Canh Tý
Thích Linh Toàn
The post ĐàLạt : Lễ Tổ đầu năm appeared first on Phật Sự Online Tây Nguyên.