PSO - Diễn đàn Phật giáo quốc tế xoay quanh chủ đề chính: “Ứng phó với những thách thức thời đại: từ triết học đến thực tiễn” trong 2 ngày 20 – 21/4/2023 vừa qua đã diễn ra sôi nổi ở các phiên Hội thảo Tăng đoàn (Sangha) và học thuật (Academic) tại Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo toàn cầu 2023 do Liên đoàn Phật giáo thế giới (IBC) phối hợp với Bộ Văn hóa Ấn Độ tổ chức đã kết thúc tốt đẹp, và mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực.
Hòa thượng Thích Trí Quảng – Đức Pháp Chủ GHPGVN tại Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo toàn cầu 2023
Tại phòng hội thảo của Tăng đoàn, HT. Thích Trí Quảng – Đức Pháp Chủ GHPGVN đã có bài diễn thuyết mở đầu 4 phiên thảo luận xoay quanh các chủ đề: Vai trò & trách nhiệm của Tăng đoàn Phật giáo đối với: Xã hội hòa hợp, hạnh phúc & tính bền vững; Bảo vệ, bảo tồn và quảng bá Phật pháp, di sản và môi trường; những thách thức đối với Tăng đoàn Phật giáo trong thế kỷ 21 (thách thức từ trong nội bộ & từ bên ngoài); những cống hiến cho nền hòa bình thế giới và sự tiếp nối của Đức Ngài Dalai Lama.
4 phiên hội thảo của Tăng đoàn diễn ra trong 2 ngày được điều phối bởi chư Tôn đức Tăng: TT. Bhikkhu Sanghasena – Chủ tịch sáng lập Trung tâm thiền quốc tế Mahabodhi, Ladakh; TT. Bhikshu Nigrodha – Nguyên Phó Chủ tịch trung tâm phát triển Lumbini Development Trust, Nepal; TT. Shartse Khensur Jangchup Choeden – Phó Tổng thư ký Liên đoàn Phật giáo thế giớ IBC, Ấn Độ và TT. TS. Dhammapiya – Tổng Thư ký Liên đoàn Phật giáo thế giới IBC.
Diễn giả của các phiên hội thảo Tăng đoàn là chư Tăng Ni từ các nước Ấn Độ, Bhutan, Việt Nam, Nepal, Mexico, Myanmar, Cộng hòa Czech, Mỹ quốc, Mông Cổ và Sri Lanka.
Trong đó, đại diện Việt Nam có TT. TS Thích Nhật Từ trình bày trong phiên hội thảo thứ 2 về “Phật giáo và thế giới tự nhiên” với 4 ý chính gồm: những sự kiện trong cuộc đời Đức Phật từ khi sinh ra đến khi nhập diệt đều gắn liền với 1 loại cây trong thiên nhiên; những lời dạy của đức Phật về bảo vệ môi trường; các vấn nạn của việc hủy hoại môi trường và 6 giải pháp bảo vệ môi trường (cụ thể: trong việc tái sử dụng, sử dụng năng lượng sạch, trồng cây xanh, tiết kiệm điện, không sử dụng túi ni lông và tạo ý thức bảo vệ môi trường). TT cho biết các giải pháp đã được áp dụng hiệu quả vào sinh hoạt tại chùa Giác Ngộ đem lại nhiều kết quả tích cực.
SC. Liễu Pháp đại diện Ni giới Việt Nam cũng có bài thuyết trình tại phiên hội thảo thứ nhất.
TT. TS. Dhammapiya – Tổng Thư ký Liên đoàn Phật giáo thế giới IBC điều phối phiên cuối cùng của hội thảo Tăng đoàn
Phiên hội thảo cuối cùng tại phòng Hội thảo Tăng đoàn do TT. TS. Dhammapiya – Tổng Thư ký Liên đoàn Phật giáo thế giới IBC điều phối, gồm diễn giả các nước Sri Lanka, Mỹ, Mông Cổ và Ấn Độ.
Thượng tọa nhấn mạnh về tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết, hòa hợp Tăng đoàn và đánh giá cao GHPGVN có Tăng đoàn hòa hợp khi các truyền thống Phật giáo cùng nhau phụng sự dưới mái nhà chung của Giáo hội.
Đức Ngài Dalai Lama diễn thuyết tại Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo toàn cầu 2023
Trước đó, vào buổi sáng cùng ngày khi đón tiếp Đức Dalai Lama quang lâm Hội nghị, Ngài Tổng Thư ký IBC trong bài phát biểu chào mừng nhấn mạnh: Chúng ta không có gì khác biệt, cùng hít thở chung bầu khí quyển và cùng uống chung nguồn nước. Do đó, chúng ta phải áp dụng quan điểm chung toàn cầu để thúc đẩy hòa bình thế giới, bảo vệ Mẹ Trái đất và thực hành lòng từ bi. TT. kêu gọi sự hòa bình, hòa hợp của Tăng đoàn thế giới cùng chung tay giải quyết các vấn nạn thời đại: Chúng ta cần thực hiện các giá trị chung phổ quát cho các truyền thống Phật giáo để giúp đỡ tất cả chúng ta.
Tại phòng Hội thảo học thuật, Giáo sư Robert A. F. Thurman cũng đã có bài diễn thuyết mở đầu 4 phiên hội thảo mang tính học thuật do 16 học giả lỗi lạc, trao đổi về 4 chủ đề: Phật pháp và hòa bình; Phật Pháp trong việc giải quyết khủng hoảng môi trường, sức khỏe và tính bền vững; bảo tồn truyền thống Phật giáo Nalanda; hành hương thánh tích Phật giáo, di sản sống và xá lợi Phật.
Trong đó, phiên hội thảo “Phật pháp và hòa bình” do Tiến sĩ Christie Chang – Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo thế giới tại Đài Loan điều phối, gồm 4 vị diễn giả đến từ các nước Thái Lan, Israel, Đan Mạch và Mỹ.
Phiên hội thảo “Phật Pháp với khủng hoảng môi trường, sức khỏe và tính bền vững” do Giáo sư Sunaina Singh – Hiệu phó trường đại học Nalanda, Ấn Độ điều phối, gồm diễn giả các nước Đức, Ấn Độ, Mông Cổ và Anh quốc.
Phiên hội thảo “Bảo tồn truyền thống Phật giáo Nalanda” do Giáo sư Geshe Ngawang Samten – Viện phó Viện nghiên cứu Trung ương về Tây Tạng tại Ấn Độ điều phối, gồm diễn giả các nước Ấn Độ, Hàn Quốc và Brazil.
Phiên cuối cùng tại phòng hội thảo học thuật về “Hành hương thánh tích Phật giáo, di sản và xá lợi Phật” do Giáo sư TS. K.T.S Sarao – Nguyên Trưởng Ban nghiên cứu Phật học, Trường đại học Delhi, Ấn Độ điều phối, gồm diễn giả các nước Sri Lanka, Malaysia và Nga.
Qua các phiên hội thảo, diễn giả các nước đã trình bày nhiều nội dung đa dạng phong phú xoay quanh chủ đề chính và giải đáp thỏa đáng những câu hỏi của đại biểu tham dự. Tại các giờ giải lao, diễn giả và đại biểu các nước cũng tiếp tục sôi nổi giao lưu, trao đổi nhiều nội dung của hội thảo.
Hồ Thủy - Thái Hà (đưa tin từ Ấn Độ)