PSO - Trong hai ngày 6 và 7 tháng 7 năm 2025 (nhằm ngày 12 – 13/6 âm lịch), chùa Bằng – Linh Tiên Tự (số 63 Bằng Liệt, phường Hoàng Liệt, Hà Nội) đã trang nghiêm tổ chức Ngày Tu An Lạc và Lễ Giỗ Tổ. Buổi lễ có sự tham dự của đông đảo chư Tôn đức Tăng Ni sơn môn Tổ đình Bồ Đề, chư Tôn đức trụ trì các tự viện trong và ngoài thành phố Hà Nội, cùng hàng nghìn nhân dân, Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa từ nhiều tỉnh thành phía Bắc trở về tham dự.
Ngày tu an lạc và Lễ Giỗ Tổ dành cho hàng Phật tử diễn ra vào ngày 6/7/2025 trong không khí trang nghiêm và tràn đầy đạo vị. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW, trụ trì chùa Bằng đã thành kính niêm hương bạch Phật, yết Tổ, và có thời pháp thoại ý nghĩa cho đại chúng.
Trong bài giảng, Hòa thượng đã chia sẻ ba nội dung quan trọng: Lịch sử hình thành chùa Bằng, dòng truyền thừa Tổ đình, và kiến trúc – di vật cổ còn lưu giữ. Với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, Hòa thượng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm hiểu giá trị lịch sử ngôi chùa, cũng như công đức to lớn của chư Tổ, nhờ đó hôm nay hàng hậu học có được nơi nương tựa, tu tập và phụng sự.
Theo Hòa thượng, Chùa Bằng pháp hiệu Linh Tiên Tự, được hình thành trước năm 1617 tại làng Bằng Liệt – nơi từng được nhà Lê phong tặng danh hiệu “Bằng Liệt nghĩa dân”. Trải qua hơn 400 năm lịch sử, ngôi chùa đã nhiều lần được trùng tu. Như:
- Thiền sư Huệ Nguyên (Nguyễn Văn Tông) Trụ trì và chủ trì việc trùng tu chùa năm 1617, thời Hoằng Định niên hiệu.
- Thiền sư Tự Huệ Quảng (Lê Khả Đắc) Trụ trì năm 1654, phụ trách đại trùng tu tòa tiền đường, thượng điện nhờ công đức của Ngô Vĩnh Đăng và Lưu Thị Lý.
- Thiền sư Như Liên (Bất Trược Thủy) Trụ trì khoảng năm 1723. Ông từng đào tạo các đệ tử nổi bật như thiền sư Tự Như Tâm.
- Giữa thế kỷ 18 có Thiền sư Tính Tuyên Trụ trì trước năm 1747. Ông in lại các tác phẩm Phật pháp, sau đó giao lại chùa cho Thiền sư Hải Dương và viên tịch năm 1747, được thờ tại tháp “Linh Quang”.
- Thiền sư Hải Dương (Chân Giác Sa-di Hải Dương) Trụ trì tiếp theo từ năm 1747. Được thờ tại tháp “Viên Quang”.
- Thiền sư Tịch Nhu (Tăng phó Tỳ-kheo) Đệ tử kế nối, cũng được thờ tại vườn tháp với tên tháp “Tường Quang”.
Về kiến trúc, chùa Bằng có những dấu ấn đáng trân trọng. Chùa Bằng có kiến trúc chữ “Công”, quy mô hơn 14.000 m², nổi bật với hệ thống móng treo độc đáo, thống đá, các tấm bia đá từ thế kỷ XVII, nhà Tổ bằng gỗ lim 6 hàng cột, và bảo tháp Báo Ân cao 13 tầng – biểu tượng cho tinh thần báo hiếu, báo ân trong đạo Phật.
Tòa bảo tháp này được xây dựng từ năm 2004 dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, gồm 104 pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng và 8 cuốn thư khắc thiền kệ của các bậc cao Tăng.
Ngoài ra, khuôn viên chùa còn có vườn tượng 18 vị La Hán, hồ nước tôn trí pho tượng Bồ Tát Quán Thế Âm cùng vườn tượng tôn trí 44 pho tượng Quan Âm tượng trưng cho 32 hóa thân và 12 đại nguyện của Ngài.
Khép lại thời pháp thoại, Hòa thượng bày tỏ tâm nguyện tới hàng Phật tử, mong các chùa làm lễ giỗ Tổ cũng nên ôn lại lịch sử của Tổ, lịch sử ngôi chùa; Ở tại gia, trong ngày giỗ, hãy nhắc lại tiểu sử, công lao của Ông Bà Cha Mẹ để thế hệ sau biết, như vậy mới thật sự là "Uống nước nhớ nguồn".
Sau thời pháp thoại, dưới sự chủ lễ của chư Tôn đức, đại chúng đã cùng nhau trì tụng Kinh Bản Nguyện của Bồ Tát Địa Tạng, và Kinh Phổ Môn cầu nguyện quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.
Tại nơi chính diện và Tổ đường, chư Tôn đức thành kính thực hiện nghi thức cúng Phật, cúng Tổ theo nghi thức cổ truyền của Phật giáo miền Bắc.
Ngày tiếp theo là lễ Giỗ Tổ dành riêng cho chư Tăng Ni và nhân dân Phật tử khu dân cư Bằng Liệt. Trong không khí trang nghiêm, Chư Tôn đức đã vân tập về Đại Hùng Bảo Điện, nhất tâm trì tụng kinh chú, cúng dàng Giác linh chư Tổ bằng tấm lòng chí thành, chí kính. Đồng thời, đông đảo Phật tử cũng trở về tham dự, dâng phẩm vật cúng dàng, thể hiện tấm lòng tri ân và hộ trì chính pháp.
Ngày Tu An Lạc và Lễ Giỗ Tổ 2025 tại chùa Bằng không chỉ là sự kiện mang tính tâm linh truyền thống, mà còn là dịp để hàng hậu học hướng tâm về nguồn cội, tiếp nối chí nguyện tu học, và thắp sáng ngọn đèn Chính pháp trong lòng mỗi người con Phật.
Diệu Tường