PSO - Sáng ngày 12/05/2024 (nhằm ngày 05/04 Giáp Thìn), gần 200 Phật tử đã vân tập về chùa Phước Điền (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) để tham dự khóa tu Một ngày an lạc.
“Pháp âm sâu sắc thâm trầm,
Ươm mầm tuệ giác, diệt mầm vô minh”.
Để hàng cư sĩ tại gia có điều kiện thuận lợi tu tập, ôn lại lời dạy của chư Phật chư Tổ và áp dụng vào cuộc sống hàng ngày, giúp bản thân được an vui, công việc thuận lợi, gia đình hạnh phúc, chùa Phước Điền tổ chức khóa tu Một ngày an lạc và thỉnh mời các vị giảng sư lỗi lạc thuyết giảng mỗi tháng một lần .
Tại đây Thượng tọa Giảng sư Thích Đức Lộc - Uỷ viên Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Trú trì chùa Phước Vân, Gò Công - Tiền Giang đã giảng giải, phân tích, ví dụ và trích dẫn trong kinh Phật, cho đại chúng qua những câu chuyện Pháp về thời Phật còn tại thế và lời dạy về ý nghĩa Phật Đản.
Theo truyền thống Phật giáo Đông Á, ngày này chỉ là ngày kỷ niệm ngày sinh của đức Phật Thích Ca; tuy nhiên, theo Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Tây Tạng thì ngày này là ngày Tam hợp: (kỷ niệm Phật đản, Phật thành đạo và Phật nhập Niết-bàn). Cho đến khi Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo, Tích Lan, đã thống nhất ngày Phật Đản quốc tế là ngày rằm tháng Tư âm lịch. Ngày 15 tháng 12 năm 1999, theo đề nghị của 34 quốc gia, để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật, là một vị Phật Thích Ca khai ngộ tuệ giác cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Như Lai. Và là một vị Phật, đã mang lại giá trị bình đẳng, giá trị nhân bản từ bi, cho nhân loại, suốt trận dài lịch sử khoảng hơn 2600 năm qua. Ngài là hiện thân của ánh sáng chân lý nhiệm mầu, của từ bi vô hạn, của lẽ sống muôn loài.
Thượng tọa giảng sư, còn dạy thêm cho đại chúng biết về nhân quả trong cuộc sông và sự xuất hiện của Đức Phật như một vầng thái dương xua tan mọi bóng tối của sự bất công, và vì lòng từ bi, Ngài ra đời cốt để vạch cho chúng sanh một con đường cao quý, ý nghĩa hơn so với kiếp sống mong manh hiện tại. Cuộc đời Ngài là một sự biểu hiện của biển lớn Trí tuệ và Từ bi, là ánh sáng, là con thuyền, là niềm tin cho mọi người, mọi xã hội ở bất cứ thời gian và không gian nào. Cũng chính sự ra đời của Ngài cùng với chân lý giải thoát được chuyển tải qua hệ thống giáo lý, cũng đã đem đến nguồn an lạc, giúp cho mọi người không còn ưu phiền nữa. Hay nói khác hơn, "vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người" mà Đức Thế Tôn xuất hiện ở thế gian.
“Một Đức Phật ra đời
Đau khổ liền nhẹ vơi
Nụ tầm xuân vừa nở
Hương bay ngát đất trời”.
Đức Phật ra đời là để khơi mở tuệ giác cho hết thảy chúng sinh. Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đều có trí tuệ, nhưng trí tuệ đã bị chôn vùi bởi hàng hàng, lớp lớp vô minh. Do đó, sự xuất hiện Đức Phật trong cõi đời này là để khơi mở trí tuệ cho hết thảy chúng sinh, phá trừ màn vô minh, để nhân loại nhận ra được Phật tính ở nơi tự thân của chính mình và Ngài khẳng định rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”.
Qua lời khẳng định đó, cho chúng ta thấy là tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật. Đức Phật nêu cao tinh thần tự lực sẵn có nơi mỗi người, khuyến khích mọi người không nên nương vào tha lực, không nương vào một sức mạnh siêu hình, mà hãy nương vào chính bản thân mình.
Đức Phật ra đời là để chỉ bày cho chúng sanh nhận diện được đâu là con đường hạnh phúc an lạc và đâu là con đường khổ đau luân hồi; đâu là giá trị cao quý trong cuộc sống của chúng ta. Muốn có được hạnh phúc, an lạc, Đức Phật chỉ bày cho chúng ta rất rõ là phải nuôi dưỡng tâm hồn Từ, Bi, Hỷ, Xả. Chúng ta muốn sống một đời sống cao thượng mà không biết nuôi dưỡng và phát triển tâm hồn Từ, Bi, Hỷ, Xả, chuyên trì giới, thiền định.v.v… thì chúng ta không thể nào có đời sống cao thượng, hạnh phúc và an lạc được.
Quả thật là:
“Pháp là con đường sáng
Đưa người thoát nẻo mê
Con xin quay trở về
Sống cuộc đời tỉnh thức”.
Cuối bài giảng Thượng Tọa Giảng sư chúc cho đại chúng luôn có được cuộc sống an lành hạnh phúc, sống dưới ánh hào quang từ bi và trí tuệ của Đức Phật.
Chùa Phước Điền