Dâng Y tắm mưa xuất phát từ việc đại tín nữ Visākhā xin dâng y tắm mưa đến chư Tăng, bởi khi bà đến chùa gặp những vị sư tắm mưa không có y phục (các tự viện thuở xưa hầu hết đều không có phòng tắm), nên bà đã phát tâm thỉnh cầu đức Phật cho phép dâng y tắm mưa để chư Tăng thuận tiện sử dụng trong suốt ba tháng an cư mùa mưa.
Trong thời đại ngày nay, tại hầu hết các chùa chiền, tự viện đều có phòng tắm chung hoặc riêng, chư Tăng không còn phải tắm ngoài trời nên lễ Dâng Y tắm mưa chỉ còn tên gọi về hình thức. Ý nghĩa thực của lễ này chính là giữ gìn truyền thống nguyên thủy mà đức Phật đã giáo truyền, đánh dấu một mùa an cư kiết hạ sắp đến của chư Tăng Tu nữ và quý Phật tử theo Hệ phái Nam truyền.
Sáng ngày 21/7/2024, tại Thiền viện Quán Tâm (ấp Thọ Phước, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đã trang nghiêm diễn ra buổi lễ nhập hạ, an vị Phật và Khai mạc khóa tu “một ngày chánh niệm” lần 1. Chủ trì buổi lễ có Hòa thượng Bửu Chánh - Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực ban Trị sự GHPGVN tỉnh, Trụ trì thiền viện Phước Sơn; cùng dự có Đại đức Phước Toàn - Ủy viên Thường trực Ban Trị sự, Phó Chánh Văn phòng Ban Trị sự tỉnh Đồng Nai; Đại đức Phước Tín – Phó Trụ trì Thiền viện Quán Tâm; Đại đức Phước Định – Trụ trì chùa Bát Chánh Đạo; cùng chư Tôn đức Tăng Tu nữ và Phật tử đồng tham dự
Trong buổi lễ, Hòa thượng Bửu Chánh đã chia sẻ thời pháp thoại ngắn với chủ đề: “Tâm kính tin Tam bảo trong chánh niệm tỉnh giác”
“Ngày nay Phật tử trẻ đã dần hướng tới những trải nghiệm tu tập thực tế, sống trong hiện tại, mong muốn có thể trải nghiệm tu tập ở chùa, học thiền vipassana, nghiên cứu giáo lý Phật pháp, tham dự các khóa tu gieo duyên, rèn luyện đạo đức Phật giáo...các trải nghiệm trên đã dần đem đến cho các Phật tử trẻ niềm tin về Phật Pháp Tăng vững mạnh trên tinh thần thực hành các khóa tu ngắn ngày và dài ngày tại thiền viện.”
“vì khi Phật tử chúng ta tham dự các khóa thiền và thực hành thiền vipassana ngay trong giây phút hiện tại này, chính là chúng ta đã, đang làm điều mà đức Phật Tổ Thích Ca đã từng thực hành trước kia; Thiền Vipassana là phương pháp thiền Ấn Độ cổ xưa. Ở Pali, trong ngôn ngữ phật giáo cổ, Vipassana có nghĩa thấy biết mọi thứ như chúng đang là. Thiền Vipassana còn được gọi là thực hành chánh niệm, nghĩa là quan sát những suy nghĩ, cảm xúc như chúng vốn là, mà không phán xét vì vậy khi Phật tử chúng ta thực hành thiền vipassana chính là đang trở về với chánh niệm tỉnh giác”
Ban TT.TT Phật giáo tỉnh Đồng Nai.