Tiếp theo Lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo toàn cầu lần thứ nhất tại Thủ đô New Delhi, Ấn Độ vào sáng ngày 20/4/2023 là 2 phiên Hội thảo dành cho Tăng đoàn các truyền thống Phật giáo thế giới và quý học giả lỗi lạc từ các Quốc gia vào buổi chiều cùng ngày. Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Đức Pháp chủ GHPGVN được cung thỉnh diễn thuyết mở đầu phiên Hội thảo của Tăng đoàn thế giới trong sự kiện quan trọng này.
Tôi rất vui mừng, sau vài năm bị gián đoạn vì dịch bệnh, năm nay, Liên minh Phật giáo Thế giới tiếp tục tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Toàn cầu để những người con Phật khắp năm châu lại có dịp cùng nhau suy tư, thảo luận tìm ra hướng đi vì an lành và hạnh phúc cho nhân loại.
Thời gian qua, chúng ta được chứng kiến sự hủy diệt tàn khốc của đại dịch COVID-19; thêm vào đó là chiến tranh kinh hoàng ở một vài quốc gia; sự biến đổi khí hậu khiến thế giới hứng chịu nhiều thảm họa thiên tai, gây tử vong cho biết bao sinh mạng quý giá, đời sống bị xáo trộn, nhiều mất mát đau thương cho nhân loại… Hận thù và tham lam đã làm cho nhân loại vốn khổ đau lại càng đau khổ. Hôm nay, ở đây, trên quê hương của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni muôn đời tôn kính, là những người đệ tử Phật, chúng ta cùng nhau thảo luận, tìm ra phương hướng giúp nhân loại sống hòa bình, an lạc, hạnh phúc như Ngài thường dạy: “Vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.”
Chủ đề mà Ban Tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Toàn cầu năm 2023 đã đề ra: “Ứng xử với những thách thức đương đại từ Triết học đến thực tiễn” và nội dung thảo luận chính “Phát triển ứng xử của người Phật tử đối với bảo vệ môi trường, bảo tồn truyền thống Nalanda và gìn giữ hòa bình thế giới, cũng như tiếp cận việc hành hương về Thánh địa Phật giáo & Di sản”.
Trong bài diễn thuyết, Hoà thượng cũng chia sẻ 4 vấn đề: Về Phật pháp và hòa bình: Lịch sử đã chứng minh rằng đạo Phật xuất hiện ở nơi nào thì nơi đó có bình yên. Phật giáo không chỉ đưa con người đến với sự tĩnh tại, an nhiên ngay trong lòng mình mà còn có thể lan tỏa, giúp người khác tìm thấy sự an lạc. Khi một quốc gia chia sẻ giáo lý của Phật giáo thì nhân loại sẽ mạnh mẽ hơn và hòa bình sẽ được gìn giữ tốt hơn.
Về khủng hoảng môi trường, sức khỏe và tính bền vững: Con người cần ý thức bảo vệ thiên nhiên cũng chính là bảo vệ sự sống cho chính mình. Một khi thiên nhiên bị tàn phá, hủy hoại thì con người cũng không thể tồn tại dài lâu. Con người hình thành nếp sống và ý thức tham gia bảo vệ môi trường tự nhiên. Nuôi dưỡng và tu tập lòng từ bi, tôn trọng sinh mạng của vạn vật, xây dựng thế giới cộng sinh, giữ gìn sự đa dạng sinh học cũng chính là tu dưỡng thiện nghiệp, gây tạo nhân lành thì sẽ gặt hái quả ngọt, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
Về bảo tồn truyền thống Phật giáo Nalanda: Nguồn gốc của tất cả kiến thức Phật giáo mà chúng ta có, đều đến từ Nalanda. Nó không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hóa mà còn là sự khẳng định Chánh pháp mãi trường tồn, linh hồn Phật giáo vẫn linh thiêng tồn tại sau mấy ngàn năm kể từ khi Đức Phật nhập Niết bàn.
Về hành hương Phật pháp, di sản sống và Xá lợi Phật: Việc hành hương về các thánh tích Phật giáo là nền tảng vững chắc cho mối liên kết văn hóa hàng thế kỷ của Ấn Độ với các quốc gia ở Nam, Đông Nam và Đông Á. Hành hương Phật pháp với lòng tôn kính và tâm thanh tịnh giúp cho Phật tử tăng trưởng tín tâm, gieo trồng thiện nghiệp, thực hành hạnh xuất gia - đó chính là hành trình tâm linh, là sợi dây thiêng liêng gắn kết mỗi cá nhân Phật tử và cộng đồng.
Cũng theo Đức Pháp chủ GHPGVN, 4 vấn đề nêu trên Ngài đưa ra trong hội nghị lần này nằm nhằm góp phần cùng chư vị đại biểu khắp năm châu, tìm ra hướng đi đúng đắn giúp những người con Phật có một ứng xử phù hợp với những thách thức đương đại theo giáo pháp của Đức Phật.
Hồ Thuỷ - Thái Hà (Đưa tin từ Ấn Độ)