PSO - Sau lễ khai mạc khóa bồi dưỡng kiến thức về giới luật Phật giáo diễn ra tại chùa Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), sáng và chiều ngày 17/11, chư Tôn đức Tăng Ni lãnh đạo BTS GHPGVN các tỉnh thành phía Bắc đã được nghe quý chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội chia sẻ về những nội dung quan trọng trong Hiến chương GHPGVN và quy chế của Ban Tăng sự TW, cũng như ý nghĩa vi tế của Giới luật đối với người xuất gia.
Trong bài chia sẻ đầu tiên của sáng nay, Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Thông tin truyền thông TW GHPGVN đã chia sẻ với chư Tôn đức Tăng Ni về tác động của truyền thông đối với Phật giáo hiện nay. Theo Hòa thượng, truyền thông ngày nay đang phát triển rất mạnh mẽ và không lường trước được. Trong khi đó, từ trước đến nay, Phật giáo chỉ chuyên về nghiên cứu học hỏi giáo lý của Phật và tổ chức các hoạt động Phật sự trong chùa, mà không chú trọng tới việc để ý thông tin truyền thông ngoài xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, Hòa thượng cũng mong muốn Tăng Ni giữ gìn oai nghi đạo hạnh, thận trọng trong việc lựa chọn nội dung thuyết giảng, mỗi bài pháp đều phải đúng với giới luật và dựa vào khế lý, khế cơ, khế thời, nội dung phải mang lại lợi ích cho nhân dân.
Sau đó, Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS GHPGVN đã chia sẻ cho quý chư Tôn đức hiểu rõ Hiến chương, nghị quyết Đại hội và quy chế của Ban Tăng sự TW là vấn đề căn bản liên quan đến đời sống tu tập của Tăng Ni, liên quan đến Tăng sự và tự viện của mỗi vị trụ trì. Trước bối cảnh hiện nay, để đạt được hiệu quả trong vấn đề Tăng sự, sinh hoạt Tăng Ni, độ nhân xuất gia, Giới đàn. Trong khóa bồi dưỡng này sẽ chú trọng vào Giới đàn, cũng là điều mà Đức Pháp chủ rất quan tâm. Bởi Ngài đã tham dự các Đại Giới đàn cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; đồng thời Ngài cũng đã chia sẻ về vấn đề Giới đàn cần phải trang nghiêm, cũng như cần có những quy định thực hiện trong Giới đàn. “Giới luật còn thì Phật pháp còn”, chỉ có Giới luật mới gìn giữ được Phật pháp và chúng ta cần nghiêm trì Giới luật để gìn giữ mạng mạch của Phật Pháp.
Tiếp đến là bài chia sẻ của Hòa thượng Thích Thiện Thống – Phó chủ tịch HĐTS, Phó ban kiêm Chánh thư ký Ban Tăng sự TW triển khai một số nội dung sửa đổi của Ban Tăng sự TW. Kể từ khi thành lập GHPGVN, đã qua 9 nhiệm kỳ thực hiện theo đúng “Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển”. Theo quy chế mỗi nhiệm kỳ, tùy theo sự phát triển của đất nước và Giáo hội, Ban Tăng sự xây dựng một số trọng tâm trên định hướng phát triển Giáo hội ngày càng trang nghiêm và phát triển hơn, dựa trên nền tảng quản lý và Giới luật của Phật gồm 6 nội dung cụ thể sau:
Xây dựng Ban tăng sự trên nền tảng hiện đại và truyền thống, đoàn kết hòa hợp. Quy chế được xây dựng nhằm quản lý hành chính và bao gồm có cả Giới Luật như độ nhân xuất gia, an cư, truyền và thọ giới. Giáo hội có thành lập thêm tổ công tác và kiểm tra xử lý.
Ban Tăng sự phối hợp một cách đồng bộ với các Ban chuyên môn trong hệ thống giáo dục. Khi xảy ra một thông tin truyền thông, thì ban Truyền thông sẽ phối hợp với Ban Tăng sự, Ban tăng sự sẽ phối hợp với Ban pháp chế, Ban kiểm soát để báo cáo và đưa ra biện pháp khen thưởng hoặc kỷ luật một cách đồng bộ.
Trong quy chế xác định rõ chủ thể quản lý và đối tượng bị quản lý. Chủ thể là các cấp Giáo hội, đối tượng bị quản lý là trụ trì các tự viện. Từ đó xác định các quy tắc tổng thể trong công tác quản lý.
Quy định nhận thức và hành động của Tăng Ni dựa trên hiến chương và Giới luật của Phật chế.
Quy định chi tiết quyền và nghĩa vụ của Tăng Ni Trụ trì các tự viện.
Quy định trách nhiệm của Ban trị sự và Ban Tăng sự cấp tỉnh, Ban trị sự cấp huyện trong việc thực hiện chức năng quyền hạn của mình tại địa phương, quyền hạn của trụ trì.
Cuối cùng là bài chia sẻ của Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN về việc sửa đổi tu chỉnh Hiến chương GHPGVN lần thứ 7. Theo Hòa thượng, dù hiến chương là Luật cao nhất nhưng vẫn bị chi phối bởi pháp luật nhà nước Việt Nam nên chúng ta cần có những sự thay đổi để cho phù hợp trên nền tảng đạo đức và giới luật. Hiến chương nhằm mục đích bảo vệ Tăng Ni, bảo vệ cho hoạt động của Phật giáo bằng cơ sở pháp lý.
Đầu giờ chiều, Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông - Ủy viên thường trực, Phó thư ký HĐCM GHPGVN đã có những lời chia sẻ giúp cho toàn thể Tăng Ni hiểu hơn về sức mạnh của sự hòa hợp trong tăng đoàn cũng như tầm quan trọng của Giới Luật.
Người con Phật lấy nền tảng chính là Giới Luật để gìn giữ Phật pháp, trong tam vô lậu học Giới-Định-Tuệ, Giới là nền tảng rất quan trọng. Việc nghiên cứu Giới luật rất cần cho một Giáo hội phát triển vững mạnh.
Giới và Luật khác nhau, Giới là sự ngăn chặn, là tự lợi. Luật thì bao gồm cả Giới và Luật. Giới Luật Đại thừa và tiểu thừa khác nhau, cũng như Giới luật của Thanh văn khác với hàng Bồ tát. Công năng của vô tác giới thể là rất cần thiết của một vị Tỳ kheo đăng đàn thọ giới.
Hòa thượng chia sẻ về Giới của Tỳ kheo trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế và sơ lược lịch sử 4 kỳ kết tập kinh điển qua các thời kỳ. Qua đó, Hòa thượng nhắn nhủ "là một Tỳ kheo, chúng ta hãy sống trong tứ thánh chủng, sống chánh mạng mà không tà mạng trên tinh thần thiểu dục tri túc. Đời sống tu hành của một người xuất gia là muốn có được sự giải thoát. Hạnh phúc của người xuất gia là chế ngự được ngũ dục. Giới luật Tỳ kheo mà chúng ta thọ là một điều cao quý, cần phải gìn giữ và thực hành đúng theo lời đức Phật đã dạy. Giới luật chính là chiếc áo giáp giúp người tu tránh được hàng tên mũi đạn, Giới luật giúp xây dựng nên một xã hội tốt, cá nhân tốt để cho hàng Tỳ kheo có một đời sống luôn an lạc, đoàn thể tăng già được lớn mạnh trong sự hòa hợp và đất nước phát triển".
Bài chia sẻ của Trưởng lão Hòa thượng đã khép lại ngày đầu tiên của khóa bồi dưỡng thành tựu viên mãn.
Diệu Tường - Quang Phước