PSO - Quan niệm “Mùng 1 Tết cha, Mùng 2 Tết mẹ, Mùng 3 Tết thầy” từ lâu đã sớm ăn sâu trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Câu nói đó không chỉ là lời nhắc nhở về thứ tự chúc Tết, thăm hỏi trong 3 ngày Tết mà nó còn là cách người Việt ta thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "tôn sư trọng đạo" trong dịp lễ quan trọng và thiêng liêng nhất trong năm.
Trong ngày "mùng 3 tết thầy", Chư Tôn đức đại diện cho Ban Hoằng pháp TW khu vực phía Bắc do Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ - Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực Ban Hoằng pháp TW dẫn đoàn đã trở về chùa Bằng - Linh Tiên Tự (quận Hoàng Mai, Hà Nội) để đỉnh lễ, khánh tuế Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW nhân dịp đầu xuân mới.
Tại đây, Hòa thượng cũng có đôi lời chỉ dạy chư Tôn đức Ban Hoằng pháp TW trong năm mới cần nỗ lực triển khai hoàn thành tốt các công việc Phật sự đã đề ra, trước mắt chính là Đại lễ Phật Đản Vesak Liên Hợp Quốc năm 2025 được tổ chức tại Thành phố HCM. Hòa thượng mong chư Tôn đức hãy cố gắng xiển dương chính pháp của Đức Thế Tôn. Đặc biệt, Hòa thượng mong Ban giám hiệu Lớp đào tạo Giảng sư khu vực phía Bắc cần tập trung chia sẻ với chư vị Tăng Ni sinh về việc trau dồi giới đức, giữ gìn đạo hạnh, kiên trì bền bỉ, không ngại dấn thân, mang giáo pháp của Đức Phật phổ cập nhân sinh, góp phần xây dựng một xã hội an bình, hạnh phúc.
Nhân dịp này, hàng Phật tử tại gia từ các nơi cũng đều hân hoan trở về chùa để lễ Phật, lễ Tổ, đỉnh lễ Hòa thượng nhằm tri ân công lao dạy dỗ giáo dưỡng của người Thầy khả kính.
Tại lễ đài chùa Bằng, trước tôn tượng Đức Phật Thích Ca uy nghi, hàng Phật tử đã được nghe những lời chỉ dạy tu tập của Hòa thượng trong năm mới, đồng thời cũng được đón nhận những Lời Phật dạy trong Kinh Pháp Cú và Kinh Phúc Đức – món quà lì xì đầu năm đầy ý nghĩa của Hòa thượng trao tặng.
Ngay từ sáng sớm, đông đảo đạo tràng Pháp Hoa chúng Mọc Quan Nhân – Hà Nội đã vân tập về chùa Bằng (Linh Tiên Tự) để lễ Phật, lễ Tổ và khánh tuế Hòa thượng ân sư của đạo tràng Pháp Hoa nhân dịp đầu xuân mới. Tại đây, Hòa thượng đã tán thán các Phật tử đạo tràng chúng Mọc Quan Nhân trong việc tinh tiến tu tập, giữ gìn và phát huy những nét đẹp trong ngày tết cổ truyền của dân tộc, noi theo gương chư Tổ về chùa lễ Phật, vãn cảnh, nghe thầy giảng kinh. Hòa thượng cũng bày tỏ niềm hoan hỷ khi nhìn thấy năm nào Đạo tràng đi hành hương đầu năm cũng đưa gia đình, bạn bè và những người thân đi cùng. Họ là những người không có thời gian tu tập thường xuyên như các Phật tử thuần thành, nhưng lại có tín tâm, lòng kính ngưỡng Tam Bảo. Đây là nét đẹp văn hóa lễ chùa đầu năm, nhưng mang ý nghĩa giáo dục truyền thống "Tôn sư trọng đạo", đề cao ơn thứ 3 trong tứ trọng ân cao cả mà mỗi người con Phật luôn phải khắc ghi, đó chính là ơn “sư trưởng giáo huấn tri ân, phụ mẫu sinh thành tri đức”.
Nhân đây, Hòa thượng nhấn mạnh: Người dân của làng Mọc Quan Nhân cần tự hào khi được sinh ra, lớn lên ở tại nơi đất văn vật, đất trọng đạo đức văn hóa, nơi sản sinh ra những bậc anh tài kiệt xuất. Đặc biệt, tại Mọc Quan Nhân dày đặc những di tích của Phật giáo, của tín ngưỡng, những nét đẹp văn hóa luôn được người dân giữ gìn rất tốt.
Hòa thượng sách tấn đại chúng trong năm mới khi đi lễ chùa hãy giữ tinh thần thảnh thơi, không vội vàng, để hưởng trọn vẹn nguồn năng lượng an lành từ các chốn Tổ đình, trước nhất phải quy kính Tam Bảo, kính lễ Tổ sư, thăm thầy trụ trì, vãn cảnh để thấy được cảnh đẹp của ngôi chùa mà Tổ tiên ta đã tạo dựng và các vị sư hiện nay đang giữ gìn, bảo lưu và phát huy. Nguồn năng lượng đó sẽ kết thành công đức mang lại cho quý Phật tử một năm mới an lành, cát tường. Đặc biệt hãy giữ gìn những nề nếp mà Tổ tiên đã để lại, nề nếp đó chính là từ ngôi chùa, ngôi đền, văn miếu, các di chỉ…bởi đó chính là những giá trị văn hóa to lớn, là kho báu quý giá không gì có thể so sánh được.
Tiếp đến, Hòa thượng trụ trì cũng bày tỏ niềm hoan hỷ khi thấy phái đoàn các Phật tử Phố cổ - Hà Nội đã trở về chùa Bằng lễ Phật và khánh tuế thầy nhân dịp đầu xuân. Nhân dịp này, Hòa thượng cũng đã nhấn mạnh "các Phật tử cần tự hào khi là những người công thương, doanh nghiệp được sinh ra giữa trung tâm văn hóa của thủ đô, được kế thừa những nề nếp cổ xưa tốt đẹp của người Hà Nội. Người thương gia trong công việc cần sự chân thật, giữ uy tín và giữ phúc đức. Khi giữ được 3 điều rồi, tài lộc sẽ thêm lớn, nhưng hãy cố gắng để lãi suất đó chia thành ba phần: một phần để tiếp tục kinh doanh, một phần để cúng dàng Tam Bảo, và phần còn lại hãy làm từ thiện để tăng trưởng phúc báu". Sau cùng, Hòa thượng cũng có lời chúc xuân tới quý Phật tử nhóm Phố cổ năm mới an lành, cát tường và có được nhiều thành công.
Cũng trong ngày này, rất nhiều phái đoàn đã về lễ Phật, lễ Tổ và khánh tuế Hòa thượng nhân dịp đầu xuân mới như phái đoàn chùa Doãn, chùa Linh Sơn Lưu Phái, chùa Hoa Nghiêm, Tịnh Độ Đạo Tràng....
Với các Phật tử chùa Doãn (Hà Nam) do Đại đức Thích Quảng Tri dẫn đoàn, Hòa thượng bày tỏ niềm cảm mến và trân trọng nhân dân Phật tử và chính quyền thôn Doãn trong việc giữ gìn được một ngôi chùa cổ giữa làng quê yên tĩnh của vùng đất Hà Nam, giữ gìn được hồn cốt dân tộc và những giá trị văn hóa truyền thống. Hòa thượng mong các vị cần phát huy điều này, để những giá trị tốt đẹp vẫn sẽ được lan tỏa và tiếp nối cho những thế hệ sau.
Với các Phật tử chùa Hoa Nghiêm (thôn Sâm Hồ, huyện Thường Tín, Hà Nội) do Đại đức Thích Quảng Tín dẫn đoàn, Hòa thượng nhấn mạnh về mối liên quan trong quá khứ từ chư Tổ giữa chùa Hoa Nghiêm và chùa Bằng - Linh Tiên Tự nơi Hòa thượng đang trụ trì. Từ đó có thể thấy mạng mạch Phật pháp được lưu truyền rất rộng, cho nên gần 20 năm qua, Đại đức Thích Quảng Tín đã về gieo duyên lành với nhân dân và trở thành trụ trì chùa Hoa Nghiêm. Hòa thượng bày tỏ sự trân trọng và tán thán Đại đức trụ trì trong những năm qua đã cùng nhân dân giữ gìn nề nếp tông phong, đặc biệt người dân thôn Sâm Hồ vẫn giữ được truyền thống phong tục tập quán địa phương, coi ngôi chùa là của làng, nên tất cả những ngày lễ bà con nhân dân, nam phụ lão ấu đều ra chùa chấp tác phụng sự. Đây là điều vô cùng đáng mừng, Hòa thượng mong Đại đức trụ trì cùng nhân dân và chính quyền địa phương hãy đoàn kết một lòng, để ngôi chùa trở thành một nơi quy ngưỡng tâm linh hướng dẫn người dân bỏ ác làm lành, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp.
Sau khi đón nhận lời tác bạch khánh tuế của Đạo tràng Linh Sơn Lưu Phái và Ban từ thiện của Đền Lưu Phái, Hòa thượng cũng đã có đôi lời sách tấn các Phật tử trong năm mới cần phát huy tinh thần từ bi của Đạo Phật, đề cao đạo đức của dân tộc "Lá lành đùm lá rách - Thương người như thể thương thân", nuôi dưỡng để tâm thiện lành bừng nở trong lòng mỗi người, từ đó chung tay đoàn kết cùng cộng đồng làm được nhiều việc tốt hơn nữa, giúp ích cho những người kém may mắn trong xã hội.
Gặp mặt quý Phật tử Tịnh Độ Đạo Tràng, Hòa thượng bày tỏ niềm hoan hỷ khi trong những năm qua, các Phật tử đều đang tu tập rất tinh tiến, và đặc biệt vẫn luôn nhớ tới Thầy trong ngày mùng 3 tết mà trở về chùa Bằng. Nhân đây, Hòa thượng đã nhắc tới pháp môn Tịnh Độ, với hình ảnh thế giới Cực Lạc Phương Tây trang nghiêm trong sạch hoàn toàn, nơi có Đức A Di Đà và Thánh Chúng. Người Phật tử tu theo pháp môn Tịnh Độ, cần phải đề cao Luật Nhân Quả. Nhân ở Ta Bà, Quả ở Tịnh Độ. Nhân tốt thì quả mới đẹp. Vì vậy, những Phật tử Tịnh Độ Đạo Tràng, tâm hướng về Cảnh giới Tịnh Độ, cần nhớ "tự tính Di Đà, duy tâm Tịnh Độ", hãy tinh tiến tu tập hơn nữa để chuyển hóa thân tâm, niệm Phật phải nhất tâm bất loạn, "đừng đợi già mới niệm Phật" để có thể mãn bồ đề nguyện, về được cảnh giới Tịnh Độ.
Cuối cùng, trong ngày mùng 3 Tết thầy và sáng sớm ngày mùng 4 trước khi xuất hành đầu xuân mới, Đạo tràng Pháp Hoa chùa Bằng cũng đã trở về khánh tuế Hòa thượng Ân sư tôn kính. Tại đây, Hòa thượng nhấn mạnh tới phúc báu của mỗi người Phật tử đang hiện diện nơi đây, khi được "Sinh phùng trung quốc, trưởng ngộ minh sư, chính tín xuất gia, đồng chân nhập đạo" - có nghĩa là được sinh ra ở đất nước Việt Nam, được đi theo chính pháp của Đức Thế Tôn, có những bậc thầy là các bậc Tổ sư, có bậc Tôn sư khả kính là Đức Đệ Tứ Pháp Chủ GHPGVN, xung quanh lại là những người bạn đồng tu trong Đạo tràng Pháp Hoa.
Nhân dịp này, Hòa thượng Ân sư đã ôn lại những nét đẹp văn hóa đáng tự hào của mảnh đất Bằng Liệt hiện nay mà Tổ tiên đã để lại. Từ đó, mỗi người cần có trách nhiệm kế thừa, gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp đó.
Hòa thượng chia sẻ, Làng Bằng Liệt xưa kia được chế độ quân chủ vương triều Lê đã phong 4 chữ “Bằng liệt nghĩa dân”. Vương triều Lê chỉ phong tặng cho nơi nào giữ được nề nếp văn hóa, nơi cư dân sống lương thiện và giữ được các tiêu chuẩn mà triều đình quy định trong xã hội đương thời. Qua đó, mỗi người dân Bằng Liệt càng thêm tự hào, khi được là con cháu của các vị Tổ Tiên trên mảnh đất này, một mảnh đất với truyền thống dân cư đoàn kết yêu thương nhau, với truyền thống giữ gìn những nề nếp văn hóa tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc. Hòa thượng vô cùng xúc động khi chứng kiến người dân Bằng Liệt luôn chăm lo cho Đình - Miếu và Chùa chu toàn và coi ba nơi là điểm tựa cho đời sống tinh thần không thể thiếu của họ. Đó là biểu trưng cho việc lưu giữ những giá trị văn hóa tôn giáo và tín ngưỡng, qua hình ảnh ngôi chùa tượng trưng cho Tôn giáo, còn Đình - Miếu chính là tín ngưỡng dân gian. Từ người dân xưa cho đến thế hệ hiện nay, người từ nơi khác đến sinh sống trên đất này cũng hòa vào nét đẹp văn hóa đó. Điều đó cho thấy, Bằng Liệt đang giữ được bản sắc, sự giao thoa kính giả trọng trung.
Đặc biệt hơn, Hòa thượng cảm động khi từ những ngày đầu về đây trụ trì, luôn được nhân dân chính quyền giúp sức, để xây dựng và phát triển ngôi chùa Bằng - một ngôi chùa đã có mặt hơn 350 năm trên đất Bằng Liệt. Những điều đó thể hiện sự gắn bó giữa tu sĩ và người dân. Hòa thượng nhấn mạnh, chùa là của nhân dân, không phải của Sư, chùa chỉ là nơi nương tựa cho Tăng Ni tu học, và Tăng Ni đại diện cho hàng Tăng Bảo, là người đưa giáo lý chính pháp của Đức Thế Tôn đến với hàng Phật tử, vì vậy, mỗi người dân đều có trách nhiệm trong việc chung tay cùng Trụ trì giữ gìn và phát triển chốn già lam.
Qua đó, trong ngày đầu xuân mới, Hòa thượng mong rằng hàng Phật tử trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay, tiếp nhận những nguồn văn hóa mới, song vẫn phải luôn nhớ về những giá trị cũ, khéo léo áp dụng những cái hay của công nghệ khoa học vào cuộc sống, nhưng vẫn phải luôn giữ được những tinh hoa tinh túy của Tổ tiên để lại, để giữ gìn được nét đẹp đậm đà bản sắc văn hóa đất làng Bằng này.
Diệu Tường