PSO - Từ ngày 17 - 20/2/2025, đoàn cán bộ Phật tử hơn 20 người tại Namsai, Ấn Độ do Sư Vimala Tissa hướng dẫn đã có chuyến thăm ý nghĩa tại các chùa thuộc miền Bắc - Việt Nam nhân dịp đầu năm mới và không khí trước thềm Vesak.
Đoàn đến sân bay Nội Bài, sau đó về thăm chùa trên đỉnh núi Fansipan, Sa Pa, Lào Cai, Việt Nam. Ngôi chùa trên đỉnh Fansipan nằm trong quần thể Kim Sơn Bảo Thắng Tự.
Đến thăm và gặp gỡ đồng bào Tày, nói chuyện hoan hỷ về sự tương đồng ngôn ngữ, mối liên hệ từ quá khứ đến hiện đại, gắn bó thân thiết giữa người Khamti, Namsai với người Việt, góp phần tăng trưởng quan hệ ngoại giao gần gũi giữa 2 nước Việt Ấn, người Khamti, Namsai – người Việt.
Trong buổi đón tiếp đoàn ngày 19/2 của TT.TS Thích Thanh Huân, Uỷ viên Thư ký HĐTS, Phó Chánh Văn phòng TƯ GHPGVN, Phó ban Phật giáo Quốc tế, trụ trì chùa Pháp Vân, Hà Nội, Sư Vimala Tissa trao đổi thông tin: Namsai với địa lý giáp hai nước Quốc giáo Myanmar Thái Lan, Sư đã tự thân trải nghiệm Pháp học Pháp hành tại nhiều chùa/ nhiều thiền viện/ nhiều trung tâm tu học lớn ở Myanmar, Thái Lan. Sư gửi khá nhiều đệ tử qua hai nước này tu tập. Sư gián tiếp hỗ trợ nối kết sâu sắc với quý Sư lãnh đạo các chùa tại Bodhgaya để trợ duyên chư Tăng Ni quốc tế về tu tập gieo duyên tại nơi Đức Phật thành đạo. Hiện Ngài Vimala Tissa đảm trách quản lý Ban Trị sự Phật giáo tại Bang với nhiều Phật sự điều hành cùng Tăng đoàn nơi đây. Các Phật sự Namsai, Sư đều thường xuyên làm việc với chính quyền bang, để bảo vệ an ninh quốc gia, đề ra các phương án xây dựng phát triển quê hương bên cạnh việc nuôi chúng chuyên tu; cũng như Tăng đoàn Việt Nam đang đồng hành cùng dân tộc, chịu trách nhiệm hóa duyên quốc độ mỗi Tỳ-kheo tái sanh qua 10 parami người con Phật. Sư Vimala Tissa đang tiếp nhận dạy dỗ hơn 50 Sư Sadi nhỏ.
Buổi thăm vấn an diện kiến HT. Thích Minh Hiền, Uỷ viên Thường trực HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa TƯ, Phó Trưởng ban Giáo dục Phật giáo TƯ, trụ trì chùa Hương, Hà Nội; Sư Vimala Tissa cho biết Bang Arunachal Pradesh cũng đa tôn giáo, đa ngôn ngữ: Thuyết vật linh, Cơ Đốc giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Sikh, Jain…; nhiều trường Đại học lớn: Đại học Rajiv Gandhi (Đại học Arunachal), Đại học Kỹ thuật và Y khoa Indira Gandhi, Đại học Himalaya; hơn 10 trường cao đẳng, một số trường tư. Học viện Pali Vidyapith Phật giáo dạy chữ Pali và Khamti. Khamti là vùng đất duy nhất tại Arunachal Pradesh có chữ viết riêng. Thư viện kinh điển lưu giữ phần lớn trong huyện Lohit, lớn nhất là tại Chowkham. Bang có hai viện bách khoa: Rajiv Gandhi tại Itanagar và Tomi tại Basar; Học viện Luật Arunachal tại Itanagar; Đại học Nông nghiệp TƯ, Imphal.
Trong chuyến gặp gỡ thăm hỏi TT. Thích Đạo Ngộ, Ban Giáo dục Phật giáo TƯ, Phó Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Phú Thọ, qua trao đổi thông tin tình hình đặc trưng Arunachal Pradesh, Sư Vimala Tissa cho hay, Bang trở thành một Bang độc lập vào ngày 20/02/1987 (trong 29 bang của Ấn Độ), hiện có khoảng 26 huyện/ quận; giáp bang Assam và Nagaland; Bhutan; Myanmar; Trung Quốc; Tây Tạng. Địa bàn thị trấn Namsai thuộc quận Lohit, bang Arunachal Pradesh do Sư nằm trong ban quản lý Phật giáo, từ năm 2015, Namsai biệt lập với Lohit, trở thành quận riêng. Arunachal Pradesh dân số khoảng 1 triệu 820 nghìn người; văn hóa phong phú, nhóm người Khamti chủ yếu. Người Khamti đến sinh sống tại Arunachal Pradesh khoảng thế kỉ XVIII - XIX từ miền bắc Myanmar. Dân chúng Namsai sống với các ngành nông nghiệp, thủ công nghiệp, lâm nghiệp; tôn giáo Phật giáo Nguyên thủy.
Có thể nói, người dân Namsai, Arunachal Pradesh không chỉ gần gũi văn hóa Thái, Miến mà ngôn ngữ tương đồng cả với một số dân tộc phía Bắc, Tây Bắc của Việt Nam. Sư Vimala Tissa đã tương tác tiếng Tày thuần thục với Đồng bào Dân tộc thiểu số phía Bắc, tại Yên Bái trong chuyến thăm trước đó… Các lễ hội ở Namsai cũng gần gũi ít nhiều với lễ hội của người Khmer miền Tây Việt Nam; vui tươi, ấm cúng, trang nghiêm, đậm màu sắc văn hóa vùng miền, lấy Phật giáo Nguyên thủy làm gốc.
Sư Vimala Tissa mong muốn được đón tiếp quý Sư, Phật tử Việt Nam đến Namsai thăm con người dân chúng địa bàn nơi đây và sẵn sàng hợp tác Phật giáo trên tinh thần lục hòa, bất hại, vì tiến bộ nhân loại và sự hưng thịnh của Phật giáo, nhất là trong thời đại hội nhập Quốc Tế hiện nay; đồng thời bày tỏ niềm hoan hỷ lớn khi đặt chân đến Việt Nam, đầu tiên tại Vùng Châu Thổ Sông Hồng ngàn năm văn hiến cổ kính đậm màu sắc văn hóa Phật giáo ấm cúng linh thiêng; bày tỏ lòng biết ơn sự đón tiếp của chư Tăng Ni, Phật tử Việt Nam vô cùng ấm cúng, bao dung, hào phóng, vui vẻ, thông minh và đầy trách nhiệm.
Được biết, chùa Vàng ở Namsai (Golden Pagoda/ Kong Mu Kha/ Kongmu Kham Monastery Namsai) tại Arunachal Pradesh do Sư Vimala Tissa trụ trì, nổi tiếng ở Namsai, Ấn Độ, xây dựng theo kiến trúc các nước Miến – Thái. Chùa rộng khoảng 20ha, khánh thành vào năm 2010, bề thế với 12 mái vòm, thiên nhiên trong sạch, không gian yên tĩnh, hàng ngày đều có khách du lịch đến thăm, nhất là người Hindu. Tại Namsai, nhiều ngôi chùa lớn khác, như chùa Pariyatti Sasana Buddha Vihara đều có lối kiến trúc này. Bởi Phật giáo vùng Namsai chịu ảnh hưởng sâu sắc Phật giáo Miến – Thái.
TN Viên Giác