PSO - Thực hiện chương trình phối hợp giữa Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và Viện Triết học (Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam), ngày 19/10 (nhằm ngày 17/9 năm Giáp Thìn), tại Hội trường Trúc Lâm (Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Tư tưởng Phật học Bắc truyền và ảnh hưởng ở Việt Nam”. Được biết, có 15 đại biểu phát biểu trực tiếp tại Hội thảo.
Chủ trì và tham dự Hội thảo có Hoà thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Học viện, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo; Hoà thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó Viện trưởng Học viện; Hoà thượng Thích Thanh Đạt, Uỷ viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Học viện.
Hội thảo được đón tiếp Ông Cát Ngọc Trình, Vụ trưởng Vụ Phật giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ); PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam)…
Chủ trì Hội thảo còn có PGS.TS Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học (Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam); GS.TS Phạm Văn Đức, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hội Triết học Việt Nam;TS. Trần Tuấn Phong, Phó Viện trưởng Viện Triết học.
Đại diện các chuyên gia, các nhà khoa học của Viện Triết học (Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam), Đại Heidelberg (Đức), Đại học Hải Nam (Trung Quốc), Đại học Ryukoku, (Nhật Bản), Đại học Thành Công (Đài Loan), Đại học Oxford (Anh), Đại học Quốc gia Kyungnam (Hàn Quốc) dự và trình bày tham luận.
Hòa thượng Thích Thanh Quyết khẳng định: “Với quan điểm cách tân của mình, Phật giáo truyền lên vùng Bắc Ân, tiếp xúc và tiếp biến với văn hóa - tư tưởng Hi - La, tạo nên phong cách Phật giáo - Phật học Đại thừa,từ đó truyền qua Tây Tạng rồi vào Trung Quốc, Nhật Bản. Triều Tiên và Việt Nam. Ở Việt Nam, từ thể kỉ thứ 2, thứ 3 Tây lịch đã có những công trình phiên dịch kinh Phật từ chữ Phạn sang chữ Hán tại trung tâm Phật giáo Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh nay). Chính tư tưởng giáo lý, văn hóa và lối sống của Phật giáo Đại thừa (mà trọng tâm là Bồ-tát đạo)đã tiếp biến sâu sắc và nhuần nhị với văn hóa, đạo lý và lối sống truyền thống của người Việt, tạo nên căn cốt văn hóa, sức mạnh tỉnh thần của Dân tộc Việt Nam từ buổi đầu, cũng như trong suốt diễn trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Như Cổ Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn từng nhận xét ngắn gọn và sâu sắc rằng: “Dân tộc ta có hai lần nhảy vọt về tư tưởng: lần đầu dân tộc ta gặp Phật giáo, lần thứ hai gặp chủ nghĩa Mác- Lênin”…
“Với tinh thần đó, chúng tôi tin tưởng rằng, kết quả của Hội thảo Tư tưởng Phật học Bắc truyền và ảnh hưởng ở Việt Nam hôm nay sẽ góp phần từng bước lấp đầy những “khoảng trống”, làm rõ thêm những “điểm mở” trong lịch sử Phật giáo - Phật học Bắc truyền, qua đó củng cố nhận thức một cách sâu sắc về vị trí, vai trò của Phật giáo Bắc truyền trong dòng chảy Lịch sử Phật giáo. Từ góc độ Phật học, dù kiến giải giáo lí và hành trì pháp môn có thể không giống nhau nhưng căn cốt để đạt đến giác ngộ giải thoát là nhất quán. Điều đó sẽ góp phần thúc đẩy Phật giáo Việt Nam ngày càng xương minh, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, hội nhập và phát triển đất nước”, Hoà thượng nhấn mạnh thêm.
Sau phát biểu đề dẫn Hội thảo PGS.TS Nguyễn Tài Đông, chư Tôn đức, các nhà khoa học đã phát biểu tham luận, đóng góp nhiều nghiên cứu vô cùng phong phú, mở ra nhiều hiểu biết trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là tư tưởng Phật học Bắc truyền tại một số nước Châu Á có giá trị giao thoa tiếp biến và ảnh hưởng tại Việt Nam.
Hoà thượng Thích Thanh Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã có những nhận xét đánh giá về giá trị và ý nghĩa của buổi Hội thảo: “Tất cả đều cùng đưa ra một nhận định của sự phát triển trong tư tưởng Bắc truyền không gì ngoài sự hiểu được phép duyên sinh, thông trí, thông tuệ nhìn mọi sự vật hiểu thấu. Đức Phật đã thấy và chứng đắc. Ngày nay chúng ta cùng ngồi lại luận bàn để thấy rõ những gì Đức Phật đã chỉ dạy không ngoài mục đích muốn chúng sinh giác ngộ, giải thoát, mọi người tự an lạc, nhận rõ chân như tự tính, Phật pháp bất ly thế gian giác”.
Giáo sư Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện triết, Viện Hàn lâm KHXHVN phát biểu kết luận cho biết: Hội thảo đã thành công viên mãn. Cho biết: “Sự tiếp cận, phân tích trên mọi phương diện, triết học, tôn giáo, lịch sử...ngôn ngữ để thấy diện mạo chân thực của tư tưởng Phật học Bắc truyền. Theo đó một số bài có sự tương đồng về tư tưởng trên lộ trình đồng điệu của các nước Châu Á, có ảnh hưởng đến lịch sử, luân lý và văn hoá phật giáo Việt Nam. Phật giáo đã khắc hoạ rõ nét lòng từ bi, bao dung, hợp nhất tri và hành, học tập và ứng dụng, giải rõ mối quan hệ bản thể, nhận thức luận góp phần phá trừ chấp trước, sai lầm trong tư tưởng, hướng đến sự hoàn thiện và đem lại tốt đẹp trong nhân loại”.
Kết thúc Hội thảo, đại diện Học viện PGVN Hà Nội, Hoà thượng Thích Thanh Quyết nhấn mạnh: Đây là Hội thảo mở đầu cho việc nghiên cứu về chủ đề tư tưởng Bắc truyền thể hiện sự quan tâm, hoà hợp các vùng miền trên khắp đất nước cũng như các học giả nước bạn. Trong thời gian một ngày nhưng đã hội tụ những tinh tuý của tinh tuý, sự đóng góp đầy chất lượng trong nghiên cứu, Hoà thượng cảm ơn quý chư Tôn đức, các nhà khoa học... mặc dù mọi người chưa luận bày hết những khía cạnh trong thời gian có hạn nhưng cũng đã khái quát được tổng thể bức tranh nhiều màu sắc trí tuệ, giờ phút này là dấu mốc lịch sử mọi người sẽ tạo nền tảng cho sự nghiên cứu tiếp theo”...Hoà thượng rất mong tại nơi vùng đất Phật, Tổ, Thánh linh thiêng non nước Sóc Sơn, chúng ta tập trung về đây các nhà khoa học cùng thảo luận và nâng tầm giá trị Phật học sẽ ngày càng sâu sắc. Hy vọng sẽ có nhiều hội thảo với nhiều ý nghĩa và sự thành tựu.
Nhân dịp này, Hoà thượng cũng bày tỏ niềm hoan hỷ và tặng 7 vị Học giả nước ngoài tôn tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, với ý nghĩa tình giao hữu, sự kết nối và hội ngộ đặc biệt trong Hội thảo về Phật học Bắc truyền và ảnh hưởng tại Việt Nam. Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông Thể cho tinh thần bất nhị, tinh thần Bát Nhã và đỉnh cao của trí tuệ, tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam.
Ban TT-TT Học viện