Ngày 17 tháng 7 năm 2022 (nhằm ngày 19/6/Nhâm Dần), tại chùa Khô (thôn Thanh- Vị, xã Tiên Phong, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) đã long trọng tổ chức lễ Kính mừng ngày vía đức Bồ Tát Quán Thế Âm và Tu tập Bát quan trai giới một ngày an lạc.
Khởi đầu buổi lễ là bài pháp thoại của Ni sư trụ trì Thích Đồng Hoà chia sẻ về ý nghĩa ngày vía của Bồ Tát Quán Thế Âm. Ni sư nói: Trong năm có 03 ngày lễ vía Bồ Tát Quán Thế Âm đó là: 19 tháng 2; 19 tháng 6 và 19 tháng 9 âm lịch. Bồ Tát Quán Thế Âm còn được gọi là Bồ tát Quán Tự Tại, Ngài xuất hiện khá nhiều trong các kinh điển Đại thừa như Kinh Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Bát Nhã Tâm Kinh, Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương, Đại Từ Đà La Ni, Chuẩn Đề Đà La Ni… và rất nhiều các ký, sớ, giải, luận về Bồ Tát.
Ngài được xem là vị Đại bi, nguyện cứu độ tất cả chúng sinh và Đại trí, liễu ngộ năm uẩn đều là không. Trong đại tạng Kinh điển cho ta thấy Bồ tát Quán Thế Âm là hình tượng nổi bật nhất của Đại Từ bi; những hóa thân của Ngài gồm 33 hay 35 hình tướng để có thể thuận tiện cứu khổ cho chúng sinh. Lòng Đại từ bi ấy có thể xem như lòng mẹ đối với con, lại phù hợp với truyền thống của nhiều tôn giáo có một vị nữ được ví như là Mẹ của tất cả: Ví dụ như: Đức mẹ Kali, Đức mẹ Maria, Đức Mẫu… Do đó, mặc dù Bồ tát Quán Thế Âm có thể hóa thân thành Phật, Bích chi, Thanh văn, Phạm vương, Tự tại thiên, Đại Tự tại thiên, Đại tướng quân, Tỳ sa môn Thiên vương… Tiểu vương, Trưởng giả, Cư sĩ, Tể quan, Bà-la-môn, nam nữ Tỳ kheo.v.v.. nhưng nét nổi bật nhất của hóa thân Ngài vẫn là hình ảnh phụ nữ, hình ảnh mẹ hiền…
Tiếp theo, Ni sư chia sẻ về công đức tu tập Bát quan trai giới như trong Ưu Bà Tắc Giới Kinh có nói: “Công đức tu tập trai giới là không thể nghĩ bàn, tất cả mọi tội ác đều bị tiêu diệt. Người nào thụ trì Bát quan trai giới, người ấy sẽ được niềm vui vô lượng của cõi người và cõi trời. Chính người đó đang dùng chuỗi ngọc anh lạc của Vô thượng Bồ đề để trang nghiêm tự thân, vì vậy mà họ thành đạt vô lượng công đức.”
Trước khi kết thúc thời pháp thoại, Ni sư bày tỏ mong muốn các Phật tử cùng góp công sức xây dựng ngôi Tam bảo chùa Khô hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng chuẩn bị trùng tu xây dựng lại chốn an lạc, thanh bình nơi quê hương Tiên Phong, Ba Vì, Hà Nội. “Xưa trưởng giả trải vàng mua đất Vì Thế Tôn xây cất đạo tràng Ngày nay chùa được khang trang Đều do thiện tín sẵn sàng góp công”. Ngày nay, với nhiều phương tiện hiện đại và kỹ thuật tinh vi, rất nhiều chùa được xây dựng, nhiều pho tượng Phật, Bồ tát được tạc và nhiều đại hồng chung, tất cả đã trở thành những biểu tượng văn hóa Phật giáo chẳng những riêng ở Việt Nam mà trên cả thế giới, nói lên tinh thần của nhân loại mãi mãi mong ước có được đời sống an vui, hạnh phúc, thành đạt.
Về tham dự buổi lễ có Ni sư Thích Đồng Hoà - Uỷ viên Thường trực Ban Văn hoá TƯ GHPGVN, Trụ trì chùa Khô, Trưởng ban tổ chức. Ni sư Thích Hiền Thảo trụ trì chùa Bồ Đề, Tp Hưng Yên cùng Ni chúng tại bản tự và gần 300 Phật tử tại địa phương về tham dự.
Buổi lễ đã đem lại cho đại chúng niềm hoan hỷ sau hai năm dài mọi hoạt động phải tạm hoãn do dịch bệnh Covid - 19.
Sau đây là một số hình ảnh CTV xin ghi nhận được:
CTV