PSO - Ngày 16/2/2025 (nhằm ngày 19 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại chùa Tiêu Dao (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) đã diễn ra khóa Thiền Tứ Niệm Xứ đầu tiên của năm dưới sự hướng dẫn của Sư Thanh Minh và sự hộ trì của Ban Tổ chức - Đại đức Thích Bảo Đức, cùng nhóm Cư sĩ hộ đạo Trương Thủy Thành (Hạnh Liên), Thanh Loan, Phương Tú, các nhóm Phật giáo Nguyên Thủy cộng tu và Thabarwa thiện pháp không giới hạn dưới sự ảnh hưởng lời dạy Thiền sư Ottamathara.
Pháp của Đức Phật thuyết giảng rất khoa học, có thể phân ra hai phần Pháp học (Pariyatti) và Pháp hành (Patipatti). Thực hành kết quả chứng minh chánh kiến đúng đắn: Dứt khổ, liễu thoát vô thường, từ bỏ kiến chấp kiết sử, an trú trong bốn Đạo quả và Níp Bàn, đem lại lợi ích ngay trong hiện tại. Hành thiền trong các khóa tu chuyên sâu hay gieo duyên chủ yếu tập trung giới thiệu các pháp Thiền chỉ, Thiền quán Vipassana. Việc giữ im lặng và chú tâm trên đề mục rất cần thiết trong suốt thời gian khóa thiền.
Sư Thanh Minh hiện đang trụ trì chùa Phúc Minh Theravāda, xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Sư thường giảng nhấn mạnh đến việc thực hành thiền định và thiền tuệ đầy đủ hệ thống dựa trên Tam Vô Lậu học Giới – Định – Tuệ (Bát Chánh Đạo). Từ tư liệu năm bộ Nikaya, bộ Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) và các chú giải như Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), Sư Thanh Minh với sự tiếp nhận trải nghiệm nhiều truyền thống hành Thiền khác nhau, trực tiếp là phái Pa Auk. Sư dạy Thiền tuân thủ Đạo Lộ Tu Tập dễ hiểu sáng rõ, nhất là chuyển tải bằng ngôn ngữ thuần Việt, phù hợp với mọi căn cơ.
Theo Đức Phật, không có một linh hồn hay tự ngã. Kiếp hiện tại cũng do Danh và Sắc luôn luôn thay đổi tạo thành. Mục tiêu của người Phật tử là chứng ngộ hay đạt đến Niết-Bàn. Nếu còn dính mắc vào đời sống mới, không thể thoát khỏi vòng sanh tử; cần tận diệt tất cả mọi phiền não (cả việc dính mắc vào đời sống mới). Sư Thanh Minh luôn khuyến tu đại chúng hướng tâm đến các đề mục cao thượng để thanh lọc tâm, parami xuất hiện khi thiền hành liên tục trên tất cả mọi đối tượng đề mục và oai nghi đứng ngồi.
Tuệ Quán là giai đoạn sau Định, khó và phức tạp hơn. Phân Tích Đạo (Patisambhidamagga) của ngài Xá Lợi Phất, thuộc Tiếu Bộ kinh, liệt kê 73 loại trí. Trí xuất hiện khi Tuệ toàn mãn. Sự giác ngộ là sự tu tập thành công các loại Trí (Tuệ). Theo Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi magga) cần phải thanh tịnh tâm qua 7 giai đoạn để chứng đạt 16 tầng Tuệ từ thấp lên cao; như trong bài kinh 24, Trung Bộ (Rathavinita Sutta, Kinh Bảy Trạm Xe), bài kinh 34 của Trường Bộ (Dasuttara Sutta, Kinh Thập Thượng), trong Phân Tích Đạo thuộc Tiếu Bộ Kinh…đều có đề cập. Với thời khóa buổi đầu gieo duyên trong năm, Sư Thanh Minh chủ yếu chia sẻ về vấn đề giữ giới, chánh niệm, phát huy định thông qua đề một số đề mục hành thiền cơ bản, hỏi đáp và hồi hướng chia phước.
Sau khi hiểu rõ và nắm giữ giới luật, Sư Thanh Minh hướng thiền sinh bắt đầu thực hành quán niệm hơi thở; có thể ngồi kiết già, bán già hoặc hai chân để dưới đất tự nhiên đều được; lưng thẳng và giữ ngồi lâu, thư giãn hoàn toàn, hai mắt nhắm lại và thở đều đặn, bình thường; pháp môn chủ yếu chánh niệm về hơi thở (ānāpānasati) như trong Kinh Tứ Niệm Xứ trình bày. Pháp thoại hướng dẫn chi tiết việc đếm và theo dõi hơi thở, nhớ đến các đề mục giúp tâm thanh tịnh hướng thượng theo Bát Thánh Đạo: niệm Phật, Pháp, Tăng, Thí, Giới, Thiên; rải tâm từ; tránh tâm phóng dật, vọng tưởng, bám chấp ngũ dục, để dễ đạt được Định (samādhi). Sư cũng nhấn mạnh việc tu tập Thiền Tứ Niệm Xứ mau hay chậm tùy thuộc vào các Ba-la-mật (pāramī) đã gieo tạo trong nhiều đời nhiều kiếp, sự tinh tấn miên mật điều phục thân tâm đúng lộ trình, để thiền tướng xuất hiện và tiến thẳng vào các giai đoạn sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, và từ đó tu tập các lộ trình khác. Nếu thiền sinh không xác định được căn tánh của mình, Sư cho tập trung tư tưởng quán chiếu là đề mục hơi thở (ānapāna); nếu không thích hợp lại hướng dẫn đề mục khác, như chỉ ra quán niệm một trong tứ đại (mahābhūta): đất, nước, gió, lửa.
Đặt tâm tại cánh mũi theo dõi hơi thở ra vào (ānāpānassati) một cách thuần thục. Giai đoạn này định mà hành giả đạt được gọi là Đẳng Phần Định (Sadisūpacāra); tiếp tục niệm hơi thở ra vào thuần thục hơn, phiền não vắng lắng dần, 3 thiền tướng (nimitta) xuất hiện: (1) Biến tác tướng: thấy những sợi khói có màu lam nhạt trước mặt. (2) Thủ tướng: màu trắng, (3) Tợ tướng: màu sáng hoặc một khối trong suốt như viên ngọc; hành giả bắt đầu vào được Cận Định (Upacāra-samādhi), đòi hỏi sự nhẫn nại và kiên trì để các giai đoạn kế tiếp có thể đi nhanh hơn.
Sư Thanh Minh trong buổi thiền ngày 16/2 cũng giới thiệu qua về các phép quán niệm như: Từ Bi, Ân Phật, Bất Tịnh, Tử Quán - là bốn phép Quán Niệm Phòng Hộ (Caturārakkha kammaṭṭhāna); nhấn mạnh tu tập không nhất thiết hành giả nào cũng đi rập khuôn. Nhìn chung, các đề mục trong 7 phần của Thiền Định đều được Sư hướng dẫn giới thiệu qua: (1) mười đề mục trước mặt (kasiṇa), (2) mười đề tử thi (asubha), (3) mười đề tưởng nhớ (anussati), (4) bốn đề vô lượng tâm (brahma-vihāra), (5) bốn đề vô sắc (ārupa), (6) một đề thực phẩm nhơ bẩn (āhāre-paṭikūla-saññā), (7) một đề liễu tri tứ đại (catudhātu-vavatthāna).
Bài giảng của Sư Thanh Minh nhấn mạnh Giới Luật nền móng giúp thanh tịnh tâm. Giới luật và Thiền định là phương tiện của Đạo Phật. Định dễ phát sinh khi giữ Giới để có tâm thanh tịnh. Giới được củng cố khi Định giúp tâm thanh tịnh. Cho nên Giới và Định có mối quan hệ tương tác. Phái Pa Auk tu Định trước Tuệ sau như chú giải Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), Sư Thanh Minh vì vậy suốt khóa Thiền nhất nhất luôn khuyến khích hướng hành giả đạt được mức An Chỉ (appanā samādhi) của một Định (jhana), trước khi tu tập Tuệ (Vipassana); cố gắng phải đạt được Cận Định (upacāra samādhi) của Sơ thiền. Thực hành Vipassana cần “như lý tác ý”, bằng cái biết “như thực”, “tuệ tri như thực”; cho thấy “sát na định” của một người có Định” sẽ rất mạnh mẽ. bốn định hữu sắc và bốn định vô sắc (4 rupa jhana & 4 arupa jhana) hướng dẫn hành giả theo lộ trình Giới-Định-Tuệ, chuẩn mực trong chánh tạng. Trong hệ thống kinh Nikaya, Thiền Định 1 và 2 (chương Một pháp, Tăng Chi Bộ Kinh), phẩm Định, tương ưng sự thật (chương XXII, Tương Ưng Bộ Kinh), kinh Đại Bát Niết Bàn (Trung Bộ Kinh) và vố số những đoạn kinh khác đều tán thán sự thực hành Thiền Định và Thiền Tuệ. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn (DN Mahaparinibbana), Đức Phật xác chứng: “Tuệ cùng tu với Ðịnh sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu… ”.
TN Viên Giác