Hà Nội: Trang nghiêm Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương 10/3 tại chùa Bằng

Nghe đọc bài:

PSO - Với tinh thần “Tri ân và báo ân” của người con Phật, ngày 7 tháng 4 (nhằm ngày 10 tháng 3 năm Ất Tỵ), chư Tăng và Phật tử chùa Bằng - Linh Tiên Tự (quận Hoàng Mai, Hà Nội) trang nghiêm tổ chức lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương.

Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân - con trai của Kinh Dương Vương Lộc Tục lấy nàng Âu Cơ - con gái Vua Đế Lai rồi sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Sau đó, năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người theo cha xuống biển lập nghiệp. Người con cả theo mẹ lên vùng đất Phong Châu (nay là Phú Thọ) lập ra nước Văn Lang và được tôn làm Vua Hùng. Văn Lang là nhà nước đầu tiên trong lịch sử của người Việt, được cai trị bởi 18 đời vua. Các Vua Hùng đã dạy dân trồng lúa nước và chọn núi Nghĩa Lĩnh, ngọn núi cao nhất vùng để thực hiện những nghi lễ theo tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp như thờ thần lúa, thần mặt trời để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi, nảy nở. Để ghi nhớ công lao to lớn của các Vua Hùng, nhân dân đã lập đền thờ tưởng niệm đến tận ngày nay và còn mãi đến muôn đời sau.

Từ đó, ngày giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành ngày lễ truyền thống trọng đại của dân tộc.

Với tinh thần “Tri ân và báo ân” của người con Phật, ngày 7 tháng 4, nhằm ngày 10 tháng 03 năm Ất Tỵ, chùa Bằng - Linh Tiên Tự (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) trang nghiêm tổ chức lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương dưới sự chứng minh của chư tôn đức Tăng bản tự cùng sự tham dự của nhân dân Phật tử địa phương.

Buổi lễ này còn có sự hiện diện của nhân dân đủ thế hệ già – trẻ - gái – trai, đó cũng chính là thể hiện sự thành kính, biết nhớ về nguồn cội của mỗi người con dân đất Việt với những người đã có công dựng nước và giữ nước.

Buổi lễ bao gồm nghi thức tế Tổ, dâng lục cúng đầy trang nghiêm, thành kính do đội tế nam, tế nữ khu dân cư Bằng Liệt thực hiện dưới sự chứng minh của chư Tôn đức Tăng bản tự. Đồ dâng lục cúng lần này vẫn giữ những nét truyền thống cổ bao gồm hương, hoa, đăng, trà, quả, thực. Trong đó, có 3 món không thể thiếu đó là dưa hấu và bánh chưng, bánh dày.

Sau cùng, ông Nguyễn Đình Tuất - Thay mặt Chánh chủ tế đã đọc văn tế Tổ trong sự thành kính nhất tâm hướng về Quốc Tổ Hùng Vương của toàn thể đại chúng, khép lại buổi lễ trang nghiêm thành kính.

Sau nghi thức Tế Tổ là ngày tu an lạc theo định kỳ hàng tháng của Đạo tràng Pháp Hoa. Tại nơi lễ đài, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, trụ trì chùa Bằng đã làm lễ niêm hương bạch Phật, đồng thời quang lâm pháp tòa ban bố thời pháp thoại tới đại chúng với chủ đề "Giá trị cội nguồn".

Theo Hòa thượng, Phật giáo đã có mặt trên đất nước Việt Nam hơn 2000 năm và luôn đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài biến thiên của lịch sử. Sự hòa nhập sâu rộng của Phật giáo vào đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân, đặc biệt là đạo thờ cúng Tổ tiên đã tạo nên một bản sắc Phật giáo rất riêng của Việt Nam. Tinh thần uống nước nhớ nguồn của người Việt có điểm chung với tinh thần tri ân báo ân mà Phật giáo luôn đề cao. Do vậy, các bậc Tổ sư luôn dạy chúng ta cần phải nhớ đến 4 ân. Đó là, ơn trời đất che chở. Ơn quốc gia xã hội cho ta có nền độc lập, thịnh trị, an bình, hạnh phúc, ấm no. Ơn cha mẹ sinh ra ta, ơn thầy dạy bảo. Ơn của tất cả chúng sinh vạn loại. "Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh ân cha mẹ không chỉ trong kiếp hiện tại mà còn qua nhiều đời. Như Thiền sư Nhất Hạnh có dạy rằng, bố mẹ, tổ Tiên chúng ta dù đã qua đời, nhưng vẫn luôn hiện hữu trong mỗi chúng ta, trong từng tế bào, trong dòng máu huyết thống bất tận tiếp nối tới những thế hệ mai sau" – Hòa thượng nhấn mạnh.

Từ xưa đến nay, thờ cha mẹ ông bà đã trở thành một truyền thống tốt đẹp gọi là đạo thờ ông bà. Bàn thờ Tổ tiên trong mỗi gia đình Việt là biểu tượng thiêng liêng tượng trưng cho sự hiện diện của Tổ tiên, mà ở đó con cháu sẽ thắp hương lễ bái và báo cáo Tổ tiên khi có những sự kiện quan trọng trong đời sống, là minh chứng cho sự gắn kết giữa các thế hệ. Sự ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên đã in đậm dấu ấn trong Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là hệ thống Bắc truyền. Trong các ngôi chùa, đều thờ trước là Tam bảo, sau là hậu Tổ, nơi thờ các vị Tổ sư. Đó chính là sự tương đồng giữa giỗ ông bà ngoài đời và giỗ Tổ trong chùa thể hiện rõ tinh thần tri ân sâu sắc.

Nhân đây, Hòa thượng cũng chia sẻ lại tới Phật tử về nhân duyên tổ chức lễ Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm tại chùa Bằng, bắt nguồn từ sự trăn trở khi nhìn thấy thế hệ trẻ đôi khi chưa hiểu hết ý nghĩa sâu sắc của ngày giỗ Quốc tổ. Chính vì vậy, sau 3 năm kể từ khi Quốc hội thông qua việc cho toàn dân nghỉ lễ 10/3 âm lịch, Hòa thượng đã bàn với lãnh đạo địa phương thiết lập bàn thờ và tổ chức lễ giỗ Quốc Tổ để mọi người cùng trở về tham dự, với mong muốn khơi gợi lòng tự hào và ý thức nhớ về cội nguồn trong cộng đồng.

Hòa thượng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn ý thức về cội nguồn, ngay cả đối với người xuất gia. Hòa thượng cũng nhắc lại câu chuyện về bậc thầy của mình - Đức Đệ nhị Pháp chủ GHPGVN, người luôn thành kính tưởng nhớ cha mẹ bằng việc tụng kinh, hồi hướng công đức cho tất cả chúng sinh trong mười phương pháp giới nhân ngày giỗ. Đây là một tấm gương sáng về lòng hiếu thảo và tinh thần tri ân.

Bên cạnh sự kiện ý nghĩa này, Hòa thượng cũng thông tin tới đại chúng những thông tin về Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2025. Lễ Vesak, hay còn gọi là lễ Tam Hợp, để kỷ niệm 3 sự kiện Đản sinh, thành Đạo và nhập Niết Bàn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Năm nay, Đất nước Việt Nam được vinh dự lần thứ 4 đăng cai tổ chức đại lễ Vesak tại TP. Hồ Chí Minh. Đại lễ được diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 80 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Với chủ đề "Đoàn kết và Bao dung vì Nhân phẩm Con người, Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững", Đại lễ Vesak năm nay tập trung vào những giá trị cốt lõi của Phật giáo trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Hòa thượng đã nhấn mạnh và giảng giải để hàng Phật tử hiểu rốt ráo giá trị của tinh thần bao dung, lòng từ bi và trí tuệ Phật giáo trong chủ đề của Đại lễ.

Theo Hòa thượng, Hòa bình thực sự không chỉ là sự vắng bóng của chiến tranh, mà là trạng thái an lạc trong tâm hồn mỗi người, là sự hiểu biết, lòng từ bi và tinh thần hợp tác giữa các dân tộc. Hòa thượng khẳng định "Chỉ khi mỗi cá nhân đạt được sự bình an nội tại, chúng ta mới có thể xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng."

Đại lễ Vesak 2025 diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, càng làm tăng thêm ý nghĩa về sự đoàn kết và hòa hợp dân tộc. Từ nền tảng độc lập, tự do và thống nhất, Phật giáo Việt Nam đã không ngừng phát triển, kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của tiền nhân, góp phần vào sự hưng long của Giáo hội và sự phồn vinh của đất nước.

Kết thúc thời pháp thoại, Hòa thượng bày tỏ niềm thương cảm sâu sắc trước những mất mát to lớn do thảm họa động đất gây ra tại Myanmar và Thái Lan, những quốc gia láng giềng cùng chung dòng chảy Phật giáo. "Dù thấu hiểu lẽ vô thường của cuộc đời như Đức Phật đã dạy “Thành, trụ, hoại, không” thế giới này có rồi lại mất, chúng ta hiểu được điều đó thì hãy bình tâm, nhưng trong sự bình tâm đó cần có niềm thương. Trong khóa lễ này chúng ta hãy hướng tâm về nhân dân thế giới mong chấm dứt chiến tranh, hận thù trên thế giới, hướng tâm về những người dân, Phật tử, những người đang chịu khổ đau trong trận động đất vừa qua. Cầu cho quốc gia đó sớm được bình phục và phát triển, cầu cho những hương linh được siêu về cảnh giới an lành, cầu cho những người đang chịu khổ đau mau chóng được bình an".

Trong ngày tu tập này, đại chúng đã cùng nhau tụng Kinh Phổ Môn và Kinh Dược Sư, đem công đức lành cầu nguyện quốc thái dân an, Phật pháp hưng long, đồng thời hồi hướng tới hương linh Ngài Khamtay Siphandone - Nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, và cầu nguyện cho những nạn nhân của thảm họa động đất tại Myanmar và Thái Lan người còn sẽ được bình an, người mất được siêu sinh cõi Tịnh, mong thế giới không còn chiến tranh, không còn thiên tai dịch bệnh đói nghèo.

Diệu Tường

Download Android Download iOS
[Video] Đồng Nai: Ban Hoằng pháp khai giảng khoá tu “Một ngày an lạc” tại chùa Quốc Ân Khải Tường

Sáng 6-4, tại chùa Quốc Ân Khải Tường (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), Ban Hoằng pháp Phật giáo tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ khai giảng khóa tu “Một ngày an lạc – chủ đề: Tỉnh thức về nguồn”, quy tụ đông đảo Tăng Ni, Phật tử các đạo tràng trong tỉnh tham dự tu học.

[Video] Trung ương Giáo hội thành kính dâng hương tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh

Chiều 26-3, chư Tôn đức Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự đã vân tập về chùa Vạn Đức (Tp.Thủ Đức) để thành kính dâng hương, tưởng niệm Lễ tiên thường nhân 11 năm ngày viên tịch của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh – Tổ sư pháp môn Tịnh độ Việt Nam, Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật, Chủ tịch đời thứ hai GHPGVN.

Phát động cuộc thi sáng tác “Ngọa Vân - Niềm tự hào lịch sử Phật giáo Việt Nam”

Nhằm lan tỏa vẻ đẹp và giá trị văn hóa, tâm linh của Ngọa Vân, Công ty Cổ phần Du lịch Văn hóa Ngọa Vân - Yên Tử tổ chức cuộc thi sáng tác với chủ đề “Ngọa Vân - Niềm tự hào Phật giáo Việt Nam”. Cuộc thi diễn ra từ ngày 7/3/2025 đến hết ngày 15/4/2025, dành cho tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài từ 18 tuổi trở lên.

[Video] Cần Thơ: Khóa tu “Kết Nối Thiện Duyên” với chủ đề “An Lạc Mùa Vesak” tại chùa Vạn Đức

PSO – Chào mừng Đại lễ Vesak LHQ 2025. Sáng ngày 06/4/2025 (nhằm ngày 09/3 năm Ất Tỵ), Đại đức Thích Huệ Thuận – Trụ trì chùa Vạn Đức (xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, Thành phố Cần Thơ) và Đại đức Thích Minh Trung đã tổ chức khóa tu “Kết Nối Thiện Duyên” với chủ đề “An Lạc Mùa Vesak” cho hơn 200 thanh thiếu niên tham dự.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online