Sáng ngày 23 tháng 06 năm 2024, tức ngày 18 tháng 5 năm Giáp Thìn, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà) diễn ra Lễ Khai Pháp khóa an cư kiết hạ Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024.
Chứng minh Lễ Khai Pháp có: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh; Chư tôn đức Tăng ni hành giả an cư các chùa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Tại Tổ đường Trung tâm Văn hóa Phật giáo, Hòa thượng Đường chủ niêm hương cẩn bạch lịch đại chư vị Tổ sư; sau đó cùng Chư tôn đức hành giả vân tập về Đại hùng bảo điện đảnh lễ Tam bảo cử hành các nghi thức tâm linh truyền thống.
Mùa an cư kiết hạ Phật lịch 2568, toàn tỉnh có 3 trường hạ an cư tập trung do Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm ứng ngôi Đường chủ. Trường hạ Trung tâm Văn hoá Phật giáo tỉnh dành cho Chư tăng gồm 61 vị; Trường hạ chùa Cảm Sơn (phường Đại Nài, Tp Hà Tĩnh) dành cho Chư ni 20 vị; Trường hạ Thiền viện Trúc Lâm Hồng Lĩnh, (xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân) 26 vị Tăng ni; tổng hành giả an cư trên toàn tỉnh trong hạ an cư này là 107 vị.
Khoá an cư kiết hạ năm nay Ban trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh được sự chứng minh của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – ngôi Đường chủ ba hạ trường. Cung an chức sự hạ trường Trung tâm Văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh, Chánh duy-na Thượng tọa Thích Hạnh Nhẫn; Phó Duy na TT. Thích Chánh Thành; TT. Thích Thiện Nhơn.
Về thời khóa tu học trong mùa an cư, tụng kinh, niệm Phật, quá đường, học Tiểu trường và bộ luận "Truy Môn Cảnh Huấn" được lấy làm chủ đạo trong các thời khóa cũng như Tam tạng thánh giáo. Bên cạnh đó ban chức sự hạ trường phân công cung thỉnh Chư tôn đức Tăng và Ni luân phiên, chia sẻ trải nghiệm tu tập, truyền trao kiến thức Phật pháp đến hành giả.
Trong buổi lễ, Đại diện hành giả an cư các hạ trường dâng lời tác bạch thỉnh cầu Hòa thượng Đường chủ ban thời pháp thoại đầu tiên cho khóa hạ an cư.
Đáp lời thỉnh cầu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có thời pháp nói về ý nghĩa và mục đích An cư kiết hạ.
Mở đầu pháp thoại Hòa thượng đã nhấn mạnh về ý nghĩa của mùa an cư. Mùa an cư Đức Phật đã chế định và cũng đích thân Đức Phật thực hành nghiêm tư tưởng quan niệm về pháp hạ an cư. Trong 45 năm trụ thế thuyết pháp từ ngày Đức Thế Tôn thành đạo dưới cội bồ đề cho tới năm nhập Niết bàn, trong 45 năm đó trải qua 45 năm mùa hạ, Đức Phật từ lúc kết hạ an cư thành Vương Xá và các nơi trụ xứ khác nhau trong cuộc đời hành đạo hóa độ chúng sinh mà kết hạ an cư đầy đủ.
Hòa Thượng cũng đã nói rằng vào mùa an cư thứ 5, dưới sự thỉnh cầu Đức Di Mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề, Đức Phật đã chấp nhận cho Ni giới xuất gia, để rồi Đức Di Mẫu trở thành vị Tổ Ni đầu tiên của phái Ni giới với đạo hiệu Tỳ Kheo Ni pháp danh Ái Đạo. Đức Phật cũng tại mùa an cư năm thứ 8 ghi lại Ngài độ cho Thân Mẫu trên Cung Trời Đạo Lợi. Từ khi Đức Thế Tôn nhập niết bàn cho tới nay 2568 năm theo công lịch thế giới, tất cả các Chư Tổ, bậc Tiền Bối cho tới Tăng Ni hiện tại đều tuân thủ pháp hạ an cư dù rằng tâm nào phái nào và đều tôn trọng hạ an cư để nhận lệnh hạ lạp (tức là tuổi đạo).
Theo Hòa thượng, đối với người xuất gia là người xuất thế siêu phàm, sống một đời phạm hạnh không bị ràng buộc bởi gia đình, danh vọng, tiền tài vật chất, do vậy thời gian tu học người xuất gia rộng rãi, có điều kiện hơn, các vị tăng ni chuyên tâm học hỏi và trau dồi giáo lý nhiều hơn.
Hòa thượng cho rằng, an cư tập trung để kết tình, kết hòa hợp chúng làm việc gì cũng phải lấy tinh thần dân chủ, hòa hợp đoàn kết với nhau như nước với sữa không tách rời nhau ra khỏi, “kết túc” tức dừng chân lại một nơi hay là “cấm túc” – không được bước ra.
Hòa thượng Đường chủ khẳng định rằng, 3 tháng hạ an cư rất quan trọng với Tăng ni đó là nhờ sự tu tập tinh cần mà giới đức trang nghiêm tăng trưởng. Đồng thời, cũng mang lại ý nghĩa cho hàng Phật tử với việc hộ trì phụng sự để tăng trưởng phước đức.
Sau ba tháng an cư, Chư Tăng ni tăng trưởng công đức hạ lạp, đó cũng là lý do mà Đức Phật dạy ngài Mục Kiền liên đến ngày mãn hạ tự tứ cầu đại Tăng chú nguyện để cứu mẹ thoát cảnh đọa đày địa ngục. Sau đó bà Thanh Đề - mẹ Ngài được lên cung trời Đao Lợi, từ đó mới thấy rằng giới luật an cư và năng lượng công đức tu tập của chúng tăng rất lớn.
Bài Pháp thoại của Hòa Thượng trước hơn một nghìn thính chúng trong lễ khai pháp đã giúp mọi người hiểu rõ về giá trị lợi ích của pháp an cư và gương an cư của lịch đại Chư vị tổ sư của hàng xuất gia, đồng thời nhắc nhở cho hàng Phật tử tại gia hiểu rõ về pháp hộ trì chúng tăng an cư để được lợi lạc, nhắc nhở lợi ích của việc giữ gìn giới luật của hạ an cư của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo phía Bắc nói riêng, cũng như công đức tăng trưởng để thăng tiến bồ đề tâm, chóng thành đạo quả.
Cuối thời pháp thoại Hòa thượng yêu cầu các hành giả trong ba tháng an cư cần đọc kỹ cuốn “Truy Môn Cảnh Huấn”. Tại đây, Hòa thượng cũng đã đọc cho đại chúng nghe bài pháp đầu tiên trong cuốn sách này.
Thời Pháp kết thúc đã để lại trong lòng người xuất gia cũng như người tại gia một tình cảm quý kính, một tư lương kiến thức cho đời tu nhân học đạo của mình và hiểu rõ hơn về pháp hạ an cư cao quý, đủ niềm tin phát tâm đại tinh tấn hơn và tu tập cho đến ngày được giác ngộ giải thoát.
Tin ảnh : BTT Phật Giáo Tỉnh Hà Tĩnh