PSO – Sáng ngày 27/05/2025 (nhằm 01/05 năm Ất Tỵ), chùa Phật Quang (phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá tỉnh Kiên Giang) trang nghiêm tổ chức khóa tu Bát quan trai cho hơn 80 Phật tử trở về tham dự và tu học.
Đúng 8h00, nơi Hội trường chùa Phật Quang, dưới sự hướng dẫn của ĐĐ. Thích Tuệ Túc – Phó ban Hướng dẫn Phật tử GHPGVN tỉnh Kiên Giang, toàn thể đại chúng đồng niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà. Mỗi câu niệm Phật là một dòng năng lượng từ bi và trí tuệ, nhắc nhở mỗi người tu quay về sống chánh niệm, nuôi dưỡng lòng biết ơn và tình thương, từ đó biết nói lời thanh tịnh, hành động từ hòa, giúp đời sống trở nên nhẹ nhàng, thảnh thơi và an lạc.
Ngay sau thời khóa niệm Phật, Đại đức Thích Tuệ Túc đã truyền trao giới Bát quan trai để các hành giả tu tập một ngày một đêm theo hạnh nguyện đời sống người xuất gia giữ gìn thân tâm thanh tịnh, nỗ lực tinh tấn vun bồi công đức ngày một tăng trưởng.
ĐĐ. Thích Định Tín hướng dẫn đạo tràng niêm hương bạch Phật, đảnh lễ Tam bảo với lòng thành kính sâu xa. Trong không khí thanh tịnh, đại chúng đồng trì tụng kinh Sám hối sáu căn và lạy Phật hồng danh, sám hối những lỗi lầm từ thân, khẩu, ý đã vô tình hay cố ý gây tạo trong đời sống hằng ngày.
Sau thời khóa lễ buổi sáng, quý Phật tử vân tập về phòng thiền trà cùng lắng nghe bài pháp thoại của TT. Thích Minh Nhẫn - Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang, trụ trì chùa Phật Quang thuyết giảng bài pháp thoại với chủ đề: “Chấp niệm dẫn đến đau khổ”.
Chấp niệm là sự dính mắc hay bám víu vào các pháp gồm thân, tâm, cảm xúc, tư tưởng, hay đối tượng ngoại cảnh khiến tâm không được tự tại, tạo thành gốc rễ của phiền não và khổ đau. Chấp niệm là một hình thức chấp thủ vào các pháp, là sự trói buộc tâm thức vào những gì không thật có, không thường hằng, từ đó sinh khổ. Muốn đoạn tận khổ, cần phải nhận diện và xả bỏ chấp niệm.
Ý nghĩa “chấp niệm” theo kinh điển: Là sự bám víu vào thân tâm và thế giới qua các hình thái như dục lạc, quan kiến, nghi lễ hay ngã chấp. Là gốc rễ của sinh tử luân hồi và mọi hình thái khổ đau. Muốn giải thoát, phải nhận diện và xả bỏ chấp thủ bằng trí tuệ (tuệ tri), không phải bằng ép buộc hay trấn áp.
Tóm lại, chấp niệm chính là ngọn nguồn của khổ đau. Tu tập theo lời Phật dạy, hành giả cần nhận diện các chấp thủ vi tế trong tâm, dùng tuệ giác để ly tham, xả bỏ, và như vậy mới có thể đạt được an lạc và giải thoát ngay trong đời sống hiện tại.
Cuối thời thuyết giảng, Thượng tọa gửi lời cầu nguyện mười phương chư Phật gia hộ cho quý Phật tử thân khỏe, tâm an, tu tập được tinh tấn, con cháu thảo hiền, gia đạo an vui, gặt hái nhiều thành công trong cuộc sống.
Buổi trưa, đại chúng thọ trai trong chánh niệm. Sau đó, kinh hành niệm Phật, từng bước chân chậm rãi cảm nhận hơi thở nhẹ nhàng, sâu lắng giúp hành giả thoát khỏi những xao động, vọng tưởng bên ngoài, trở về với hơi thở, nuôi dưỡng sự an lạc sâu lắng trong từng giây phút hiện tại.
Buổi chiều, sau giờ chỉ tịnh, đạo tràng trang nghiêm bước vào thời khóa tụng kinh Địa tạng phẩm 7 dưới sự dẫn kinh của ĐĐ. Thích Tuệ Mẫn. Thời kinh nhằm cầu nguyện hồng ân Tam bảo gia hộ cho Cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ nhiều đời cùng thân bằng quyến thuộc quá vãng đều được nương nhờ công đức lành hôm nay mà được tiêu trừ nghiệp chướng, siêu sinh Tịnh độ, an vui trong cảnh giới lành.
Tiếp tục thời khóa trong chương trình tu tập, đại chúng lắng nghe thời chia sẻ của ĐĐ. Thích Tuệ Giải – Trưởng ban Từ thiện xã hội GHPGVN tỉnh Kiên Giang về chủ đề: “Tự giác ngộ tu tập cho bản thân mình”.
Đại đức đã trích dẫn lời dạy của Đức Phật trong kinh: “Tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Lời dạy của Đức Phật là một thông điệp đầy sức mạnh, giúp chúng ta có thêm niềm tin, tự nỗ lực hành trì, tinh tấn tu tập, tự mình giác ngộ, không nên ỷ lại vào người khác. Đại đức nhấn mạnh rằng, mỗi người phải là ánh sáng cho chính mình, dùng trí tuệ và ngọn đèn chánh pháp soi đường cho chính bản thân ta đó là chiếc chìa khóa để vượt qua khổ đau và đạt đến sự an lạc giải thoát.
ĐĐ. Thích Tuệ Túc cùng Phật tử đạo tràng có thời khóa trì tụng kinh A Di Đà trang nghiêm. Tiếng tụng kinh vang vọng, hòa quyện trong không gian thanh tịnh của chùa, giúp mỗi hành giả thêm vững niềm tin và lòng thành kính.
Khóa tu khép lại trong tinh thần từ bi của chư Tôn đức, tinh tấn tu hành của toàn thể đạo tràng trang nghiêm, thanh tịnh và đầy pháp lạc.
Thanh Hòa