PSO - Sáng ngày 11/11/2020, (nhằm ngày 26/9 năm Canh Tý), Hệ phái Phật giáo Khất sĩ (HPPGKS) long trọng tổ chức lễ Đặt đá phục dựng Di tích đắc đạo Tổ sư Minh Đăng Quang tại phường Pháo Đài, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
Quang lâm chứng minh tham dự có sự hiện diện của: HT. Thích Giác Nhường - Phó Pháp chủ kiêm Giám Luật HĐCM; HT. Thích Giác Giới - Phó Thư ký HĐCM; HT. Thích Thiện Pháp - Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng ban Tăng sự TƯ; HT. Thích Giác Toàn - Phó Chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN, Trưởng ban Tổ chức lễ; HT. Danh Đổng - Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang; ĐĐ. Thích Pháp Trí - Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang; ĐĐ. Thích Tuệ Giải - Chánh Văn phòng BTS GHPG tỉnh Kiên Giang, Trưởng ban TTTT GHPG tỉnh Kiên Giang cùng chư Tôn đức Giáo phẩm HPPGKS, các Giáo đoàn, chư Tôn đức Tăng, Ni trụ trì các tự viện, tịnh xá.
Về phía chính quyền có: bà Nguyễn Lê Hà - Phó Trưởng phòng Cục An ninh Nội địa - Bộ Công an; ông Đào Văn Xem - Phó trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Kiên Giang; ông Trương Công Khánh - Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Dân tộc - Tôn giáo UB MTTQVN tỉnh Kiên Giang cùng đại diện các cơ quan ban ngành tỉnh Kiên Giang, thành phố Hà Tiên đại diện chính quyền phường Pháo Đài và đông đảo Phật tử trong cả nước.
Tại buổi lễ, HT. Thích Giác Toàn tuyên đọc diễn văn khai mạc, nói lên ý nghĩa và mục đích phục dựng "Di tích đắc đạo Tổ sư Minh Đăng Quang" đối với HPPGKS nói riêng và PGVN nói chung.

"Từ Ấn Độ huyền bí xa xôi, Phật giáo đã xuôi Nam ngược Bắc, tạo nên 2 dòng truyền thừa lưu chuyển khắp Đông Tây. Việt Nam, đất nước con Lạc cháu Hồng được vinh hạnh thừa hưởng mạng mạch hương từ pháp bảo từ những năm tháng đầu của kỷ nguyên lịch sử. Trải bao độ hưng suy, các bậc long tượng Tổ sư thế thế truyền thừa tiếp tục thắp sáng ngọn đèn Bát-nhã của mười phương Tam bảo, phá tan u mê bóng tối, đem lại nguồn sáng thiêng liêng cho đạo pháp và dân tộc.
Đức Tổ sư Minh Đăng Quang – một trong những vị Tổ sư của Phật giáo Việt Nam, với chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” đã khai sáng ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM (nay gọi là Hệ phái Phật giáo Khất sĩ), tạo nên một dòng truyền thừa đặc thù, dung hợp các ưu điểm cao quý từ hai truyền thống Nam tông Nguyên thủy và Bắc phái Đại thừa. Trải qua 76 năm (1944 - 2020) từ ngày đức Tổ sư Minh Đăng Quang đắc đạo tại Mũi Nai – Hà Tiên, Phật giáo Khất sĩ đã có những bước dài phát triển đáng kể trong công cuộc hoằng pháp lợi sanh, góp phần xây dựng hình ảnh chân tu thật học của Tăng đoàn trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
76 tuế nguyệt trôi qua, Phật giáo Khất sĩ do đức Tổ sư khai lập đã xây dựng một Tăng đoàn với hơn 3.000 Tăng Ni, gần 700 ngôi tự viện trong cả nước và trên 50 ngôi tự viện ở hải ngoại, ấy thế mà di tích lịch sử ghi dấu sự kiện đắc đạo trọng đại của Ngài vẫn chưa được trang nghiêm! Đây là một niềm khắc khoải trong nhiều chục năm qua đối với môn đồ tứ chúng đệ tử.
Hồi tưởng lại, với 4 dấu ấn thắng tích liên hệ đến bốn sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật: Lumbini – Nơi Ngài đản sanh; Bodhgaya – Nơi Ngài thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; Sanath – Nơi Ngài chuyển pháp luân; Kusinagar – Nơi Ngài nhập Vô dư Đại Niết-bàn. Bốn nơi này đã trở thành Thánh địa thiêng liêng của Phật giáo Ấn Độ và thế giới và cho những ai có duyên phước được chiêm bái, đảnh lễ.
Kế thừa ý niệm cao đẹp về bốn Thánh tích của Phật giáo, Hệ phái Phật giáo Khất sĩ phát khởi tâm nguyện tôn tạo 4 di tích lịch sử liên hệ đến cuộc đời và đạo nghiệp của đức Tổ sư Minh Đăng Quang, để bày tỏ tinh thần “ẩm thủy tư nguyên”, lòng tôn kính đối với đức Tổ sư, đồng thời cũng để hàng tứ chúng hậu học quán chiếu bài học giác ngộ thiêng liêng từ những di tích lịch sử này:
1) Tổ đình Minh Đăng Quang (tại xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) – Nơi sinh trưởng Tổ sư đã được Hòa thượng Giác Giới (Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái thuộc Giáo đoàn I) hoàn thiện khang trang 2 năm về trước;
2) Di tích Hoằng pháp độ sanh – Tịnh xá Mộc Chơn (Phú Mỹ - Mỹ Tho - Tiền Giang) cũng đã được kiến tạo trùng hưng từ 10 năm về trước;
3) Tổ đình Tịnh xá Ngọc Viên (Vĩnh Long) – Nơi đánh dấu Tổ sư vắng bóng cũng đã hoàn thiện trong nhiều chục năm qua;
(4) Nơi Ngài đắc đạo tại Mũi Nai – Hà Tiên này. Hôm nay duyên lành hội đủ, người con Phật giáo Khất sĩ trở về vùng biển núi tâm linh Mũi Nai – Hà Tiên phục dựng di tích đắc đạo của đức Tổ sư.
Công trình này sau khi hoàn thiện, không những là trú xứ tu tập, gìn giữ khí thiêng, duy trì mạng mạch Phật pháp, mà còn là dấu ấn chiêm bái tâm linh, góp phần vào không gian văn hóa tâm linh của xứ sở Hà Tiên, tạo nên một sức sống hồn thiêng sông núi, nêu cao tinh thần bảo vệ chủ quyền dân tộc và đem đến sự bình an, thịnh trị cho xứ sở.
Theo dự kiến, công trình phục dựng sẽ được khánh thành sau 2 năm xây dựng, cũng vào ngày 26/9 âm lịch, xem như là Lễ phẩm kính dâng lên đức Tổ sư nhân kỷ niệm 100 năm (tính theo âm lịch), “ngày hiện thân vào đời” của đức Ngài (năm Nhâm Dần, 2022)".

Tại buổi lễ, HT. Danh Đổng - Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang phát biểu, bày tỏ vui mừng trước Phật sự của Phật giáo tỉnh nhà: "Hôm nay, trong khung cảnh đạo tình, trang nghiêm, với sự chứng minh của mười phương tam bảo, sự hội tụ của hồn thiên sông núi, sự quang lâm của Chư tôn đức Tăng Ni cùng chư vị khách quý và Phật tử khắp nơi, tôi rất lấy làm hoan hỷ tham dự buổi lễ hôm nay, thay mặt BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang, tôi kính gởi lời thăm hỏi sức khoẻ đến Quý vị và chúc buổi lễ chúng ta thành công tốt đẹp.
Trong giờ phút này, chúng ta có mặt nơi đây để cùng hướng tâm cầu nguyện lễ khởi công xây dựng nơi kỷ niệm Tổ sư Minh Đăng Quang – vị khai sáng nên Đạo Phật khất sĩ Việt Nam, thời ấy chính nơi đây Ngài đã ngộ được chân lý của tuệ tri bát nhã, rồi từ đó vân du hoá đạo, thuyết pháp độ sanh, làm nên một đạo Phật khất sĩ sáng ngời trong nhân thế. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang rất hoan hỷ với Phật sự này của Hệ phái Khất sĩ nói chung và hệ phái Khất sĩ tại tỉnh Kiên Giang nói riêng, bằng tâm niệm tri ân trong muôn một đối với Tổ Thầy, với sự cố gắng không mệt mõi qua nhiều năm tháng của hệ phái, rồi hôm nay có được thành quả nhất định, nơi kỷ niệm lưu dấu một thời của Tổ sư đã bắt đầu được hình thành kể từ hôm nay Đặt đá xây dựng.
Phật giáo Kiên Giang trong những năm qua, không ngừng ổn định và phát triển, với sự phối hợp hài hoà, nhịp nhàng, đoàn kết của cả 3 hệ phái Nam tông, Bắc tông và Hệ phái Khất sĩ, chính yếu tố này đã trở thành thướt đo chuẩn mực cho từng công tác Phật sự được trải dài và xuyên suốt, Giáo hội Kiên Giang luôn xây dựng tiêu chí hoạt động Phật sự đồng bộ đối với các cơ sở tự viện trong toàn tỉnh, quán triệt mỗi Tăng Ni trụ trì phải nghiêm chỉnh tuân thủ chấp hành theo Hiến chương GHPGVN, Nội quy Ban Tăng sự TW và Pháp luật hiện hành.
Trong thời gian tới, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang mong muốn nơi di tích kỷ niệm của Tổ sư kể từ hôm nay được hình thành sẽ không những chỉ là đáp ứng nhu cầu nguyện vọng tu học của Tăng ni tín đồ Phật tử mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết hòa hợp của Phật giáo tỉnh nhà tiếp tục phát huy tinh thần truyền thống đoàn kết giữa các hệ phái mà Phật Kiên Giang đã dầy công xây dựng qua nhiều thế hệ của chư Tôn đức tiền bối đã vun bồi và hướng đến thực hiện tốt tinh thần “Đoàn kết - Hòa hợp - Trưởng dưỡng đạo tâm - Trang nghiêm Giáo hội”.
Hơn nữa, với sự tin tưởng rằng nơi đây sẽ là 1 công trình kiến trúc tâm linh đặc sắc, sẽ là điểm đến của bá tánh thập phương, là nơi tu tập, hoạt động Phật sự như 124 ngôi tự viện trong toàn tỉnh Kiên Giang hiện có luôn đoàn kết hòa hợp hoàn thành mọi công tác Phật sự với sự hướng dẫn chung của BTS GHPGVN Tỉnh Kiên Giang
Một lần nữa, thay mặt GHPGVN tỉnh Kiên Giang xin nhiệt liệt chúc mừng lễ Khởi công xây dựng sớm được hoàn thành, kính chúc Quý tôn đức Tăng Ni Phật tử và các vị Khách quý hưởng được năm pháp chúc mừng của đức Phật “sắc tốt, an vui, sức mạnh, sống lâu, trí tuệ”.

Ban đạo từ tại buổi lễ, HT. Thích Giác Giới tán dương sự nỗ lực của Tăng Ni, Phật tử HPPGKS đã thể hiện tinh thần kế tục tinh thần hoằng dương chánh pháp của Tổ thầy. Hòa thượng khuyến tấn đến hàng kế tục của HPPGKS luôn tiếp tục phát huy tinh thần cao cả đó để cùng Giáo hội, Nhà nước, chính quyền các cấp để xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, nhân dân sống an lạc trong tinh thần từ bi, vị tha của Phật giáo.
Sau đó, chư Tôn giáo phẩm thực hiện nghi lễ dâng hương cầu nguyện, Ban Tổ chức cung thỉnh chư Tôn giáo phẩm quang lâm cử hành nghi thức Đặt đá - chính thức khởi công phục dựng “Di tích đắc đạo Tổ sư Minh Đăng Quang” trong không khí trang nghiêm và tràn đầy niềm hoan hỷ của toàn hội chúng.


























Tin, ảnh: Nguyễn Huỳnh – Được Huỳnh
