PSO – Với tinh thần lan rộng giá trị của hiểu và thương để xây dựng một đời sống yên vui, hạnh phúc, một xã hội an lành và văn minh, sáng ngày 27/10/2024 (nhằm ngày 25/9 năm Giáp Thìn), Đại đức Thích Phước Huệ - trụ trì chùa Bửu Hưng (xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) đã tổ chức khóa tu “Tìm về nẻo giác” lần thứ 11 cho gần 100 quý thiện nam tín nữ Phật tử tham dự.
Chư hành giả trở về tham dự khóa tu và mở đầu với thời khóa thiền tập tại pháp đường dưới sự hướng dẫn của chư Tôn đức. Sau đó, quý Phật tử thực hiện nghi thức tụng kinh và sám pháp địa xúc.
Tiếp đến, toàn thể đại chúng được lắng nghe pháp thoại chia sẻ của Đại đức Thích Giác Minh Tường – Phó ban Hoằng pháp Phật giáo tỉnh Kiên Giang về chủ đề “Vô thường vô ngã”.
Đại đức chia sẻ, thực hành vô thường giúp chúng ta sống trong hiện tại, trân trọng những gì đang có mà không lo sợ mất mát, vì hiểu rằng tất cả đều thay đổi. Thực hành vô ngã giúp chúng ta buông bỏ cái tôi, từ bi hơn với người khác và giảm đi lòng tham ái, từ đó đạt được sự thanh thản, giải thoát khỏi những áp lực, đau khổ. Điều này không chỉ giúp chúng ta sống an nhiên, mà còn giúp phát triển tâm từ bi, biết chia sẻ và cảm thông với mọi người xung quanh, dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc, nhẹ nhàng và bình yên hơn.
Chiều cùng ngày, quý Phật tử tiếp tục trì tụng kinh Phước Đức. Phước lành của việc xây dựng nền tảng đạo đức: học hỏi, tôn kính bậc đáng kính, sống trong môi trường tốt và làm những việc lành là các yếu tố căn bản mang lại phước đức. Biết buông bỏ sân hận, luôn giữ tâm thanh tịnh, không gây tổn thương và biết tri ân là những phẩm chất cao quý giúp chúng ta sống hạnh phúc và an lạc. Phát triển lòng từ bi, tâm trí an định, hiểu rõ bản chất cuộc sống và hướng đến giác ngộ là những phước lành tối thượng, giúp ta vượt qua khổ đau, đạt đến bình an chân thật.
Trong buổi pháp đàm, chư Tôn đức nhận được nhiều chia sẻ của quý Phật tử mọi khía cạnh của Phật pháp, giúp hiểu hơn về giáo lý của Đức Phật.
Dịp này, chùa Bửu Hưng cùng chính quyền địa phương huyện Gò Quao đã ra mắt mô hình: Câu lạc bộ chung tay bảo vệ môi trường chùa Bửu Hưng.
Điều này mang lại ý nghĩa sâu sắc không chỉ về mặt bảo vệ môi trường mà còn về mặt cộng đồng, giáo dục. Thể hiện tinh thần từ bi, trách nhiệm của Phật giáo, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến Phật tử và cộng đồng, xây dựng hình ảnh tốt đẹp của tôn giáo trong đời sống xã hội. Đây là là một bước đi ý nghĩa và thiết thực, giúp xây dựng một môi trường sống lành mạnh, khẳng định vai trò tích cực của Phật giáo trong đời sống xã hội, và lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường đến toàn thể cộng đồng.
Tin, ảnh: Minh Thái