19/09/2024 11:16

Lược sử về Quốc sư Minh Không và chùa Lý Quốc Sư

Nghe đọc bài:

THÂN THẾ QUỐC SƯ MINH KHÔNG

Từ vị quốc sư đầu tiên của nhà Lý là thiền sư Vạn Hạnh, nhiều triều vua sau của nhà Lý đều có lệ phong các vị sư lỗi lạc có công phò vua giúp nước làm quốc sư. Trong số các vị quốc sư đó, có quốc sư Minh Không – Tổ sư của chùa Lý Triều Quốc Sư.

Truyện về quốc sư Minh Không có nhiều dị bản, nhưng trong đó có hai tài liệu có cơ sở nhất là Đại Việt Sử ký Toàn thư và Thiền Uyển Tập Anh.

Quốc sư Minh Không được sách Đại Việt Sử ký Toàn thư nhắc đến 3 lần:

Sự kiện thứ 1: “Thiên Thuận năm thứ 4 (tức năm 1311), Mùa hạ […] Dựng nhà cho đại sư Minh Không” [1]

Đến năm 1136, “Vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi. Nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm quốc sư. Tha thuế dịch cho vài trăm hộ. (Tục truyền khi nhà sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc niệm thần chú rồi giao cho học trò là Nguyễn Chí Thành tức Minh Không, dặn rằng 20 năm sau nếu thấy quốc vương bị bệnh lạ thì đến chữa ngay, có lẽ là việc này)” [2].

Sự kiện cuối cùng: “Mùa thu, tháng 8, quốc sư Minh Không chết (sư người xã Đàm Xá, huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên, rất linh ứng, phàm khi có tai ương hạn lụt, cầu đảo đều nghiệm cả)” [3]

Tác phẩm thứ hai ghi chép về quốc sư Minh Không là Thiền Uyển Tập Anh. Khi liệt kê thế hệ thứ 13 của dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, tác phẩm kể ra tên của bốn vị thiền sư là Tăng thống Huệ Sinh, thiền sư Thiền Nham, quốc sư Minh Không và thiền sư Bảo Tịnh.

Theo đó, quốc sư Minh Không sinh năm 1066, tịch năm 1141, là đệ tử của thiền sư Từ Đạo Hạnh tức sư tổ ở chùa Láng [4]. Sư tổ Từ Đạo Hạnh được thờ ở nhiều nơi, trong đó ba nơi lớn nhất là chùa Láng (quận Đống Đa, Hà Nội), chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội), chùa Đại Bi (Nam Trực, Thành phố Nam Định).

Tại chùa Lý Triều Quốc Sư còn giữ lại một số ghi chép của các Phật tử cố cựu về lịch sử của chùa và quốc sư Minh Không. Khi tôi (tác giả bài viết-ND) về kế đăng Hòa Thượng Thích Thanh Định tự Quang Huy để làm trụ trì năm 1992, lần giở sách vở trong chùa thì thấy chép quốc sư sinh vào ngày 14 tháng 8 năm Bính Ngọ (năm 1066). Như vậy ghi chép này trùng khớp với bộ Thiền Uyển Tập Anh.

Từ các tư liệu trên, dưới sự hướng dẫn của Trưởng lão Hòa thượng Thượng Trí Hạ Quảng, hàng năm cứ đến ngày 14 tháng 8 âm lịch thì chùa kỷ niệm ngày khánh đản quốc sư Minh Không.

Theo khảo cứu của chúng tôi ở địa phương [5], kết hợp với sử liệu từ Thiền Uyển Tập Anh, quốc sư Minh Không tên húy tại gia là Chí Thành, họ Nguyễn và là người làng Điền Xá, phủ Đại Hoàng, nay là xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Tại bản quán của quốc sư, có hai làng thờ ngài và tôn quốc sư Minh Không là Đức Thánh Nguyễn do công lao và hành trạng của ngài đối với nhân dân, đặc biệt trong lĩnh vực y học cổ truyền (người còn lại được thờ phượng là Đức Thánh Trần, tức Hưng Đạo Đại vương). Điều thú vị là người ở xã Gia Thắng ngày nay vẫn kiêng húy chữ Thành mà đọc trại đi là “Thiền”. Như “Thành tâm cúng dàng”, đọc ra “Thiền tâm cúng dàng”. Đây có lẽ là theo tục “nhập gia vấn húy” thời xưa.

Ở làng Điền Xá, người dẫn vẫn còn có thể chỉ ra khu nhà của quốc sư Minh Không khi xưa, quen gọi là nền nhà Thánh Nguyễn.
Một địa điểm khác có thờ quốc sư Minh Không là chùa Bái Đính cổ, xưa thuộc cố đô Hoa Lư. Tương truyền ngài đã tu tập tại nơi đây đồng thời hành y, cứu độ nhân dân trong vùng. Ở làng Địch Động, người dân thờ quốc sư Minh Không làm Thành hoàng của làng.

Tượng của quốc sư Minh Không ở các nơi được tạc khác nhau. Như tại chùa Viên Quang hay đền Thánh Nguyễn, ngài được thể hiện ở tư thế thiền sư tọa thiền. Ở chùa Lý Triều Quốc sư, ngài được tôn tạo ở tư thế đội mũ Tỳ Lư, tay cầm đóa sen. Trong chùa Quán Sứ, tượng thờ quốc sư Minh Không ngồi trên ngai. Làng Ngũ Xã (Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội) thờ ngài làm Tổ nghề đúc đồng. Lại, ở làng Địch Động, vì là Thành hoàng nên ngài được phối vận triều phục như một vị tể tướng hoàng triều. Đặc biệt ở chùa Keo trong làng Hành Thiện (huyện Giao Thủy), người dân thờ cả quốc sư Minh Không và thiền sư Không Lộ trong cùng một tượng, gọi chung là Thánh tổ.

CHÙA LÝ TRIỀU QUỐC SƯ

Rất có thể chùa Lý Triều Quốc Sư là “ngôi nhà” được Đại Việt Sử Ký Toàn thư nhắc đến năm 1131. Vào năm 1136, khi thiền sư Minh Không chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông thì vua phong ngài làm quốc sư. Trong sử sách có ghi là giảm thuế trăm hộ, áng chừng trăm hộ đó không phải nộp thuế cho triều đình mà trích khoản nhỏ trong đó để chăm lo cho tịnh xá của quốc sư. Sau năm 1141, quốc sư Minh Không viên tịch, nơi đây trở thành nơi thờ phụng ngài.

Truyền thuyết trong vùng cho biết, ngôi tịnh xá của ngài bấy giờ thuộc làng Tiên Thị, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long xưa. Dấu vết ấy còn lưu lại đến cuối thế kỷ XX. Năm 1990, khi tôi về nhận trụ trì và trùng tu lại chùa, trên nóc vẫn còn tấm biển ghi hiệu là “Tiên Thị Linh Từ”, tức là đền Tiên Thị. Trên tầng thượng điện còn một pho tượng Phật, với đức Phật ngồi trên, tượng quốc sư Minh Không ngồi dưới.

Chúng ta có thể thắc mắc: tại sao biển không đề là chùa? Thực ra theo phong tục, đền thờ ba hạng. Một là thờ các vị thần linh theo tín ngưỡng dân gian. Hai là thờ các vị tiền hiền liệt thánh có công với đất nước, với nhân dân. Ba là thờ các vị thiền sư. Ở đây, đền Tiên Thị thuộc hạng thứ ba, là thờ thiền sư – quốc sư Minh Không. Năm 1930, cố Hòa Thượng Thích Thanh Định là đệ tử của cố Hòa Thượng Thích Thanh Yên – trụ trì chùa Châu Long, về đây trụ trì, đưa hệ thống ba pho tượng Đức Di Đà, Bồ tát Quan Âm, Bồ tát Thế Chí thờ làm chùa. Từ lúc ấy mới gọi là chùa Lý Triều Quốc Sư.

Trong vùng còn lưu lại một mảnh ghép khác, cho thấy nhiều phen động loạn của thời cuộc đã tác động lớn đến chùa. Khi khảo cứu thực địa, một cụ già (xưa ở trong ban hộ tự), tặng tôi bức ảnh có HT. Thanh Định và các bô lão của chùa chụp năm 1954. Theo cụ, căn cứ vào tấm bia đồng và bia đá, chùa trước đây nằm ở vị trí khác, gần nhà thờ lớn trong vùng. Nguyên, đền Tiên Thị thời nhà Nguyễn (trước khi Pháp thiết lập cuộc đô hộ lên xứ Bắc Kỳ), ở gần địa điểm nay là nhà thờ lớn với cửa quay về hướng tây. Sau đó, người Pháp quy hoạch lại và dời đền đến khu vực ngày nay, mặt đền quay về hướng đông.

Hiện tại, chùa Lý Triều Quốc Sư còn lưu lại hệ thống tượng từ thời nhà Nguyễn. Trong đó, ngoài tượng Phật và tượng quốc sư Minh Không (đầu đội mũ Tỳ Lư, tay cầm đóa sen), còn có tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh và thiền sư Giác Hải. Tượng hai vị thiền sư này nằm ở hai bên quốc sư Minh Không. Hệ thống tượng có lẽ được tạc vào năm 1854 dưới thời vua Tự Đức, trên tượng còn đề tên gia đình quan huyện Thọ Xương và dòng họ Phan hiến cúng. Hiện nay, pho tượng Phật đã được nhập tháp, đưa về tháp dưới của chùa Bằng.

Trong chùa còn có 7 pho tượng gồm 3 nam và 4 nữ, tương truyền là tượng hậu được làm từ thời nhà Nguyễn. Một nguồn tư liệu khác (sách Mỹ thuật Việt Nam) lại cho rằng đấy là tượng công chúa và quan lại nhà Lý. Màu sơn, nét chữ của các tượng vẫn còn tốt. Ngoài cửa chùa lại có cột Thiên Đài. Đây là một cột trụ bằng đá, tương truyền được sử dụng để đốt đèn như đền Quảng Chiếu thời nhà Lý. Khi trùng tu lại, người ta nhận thấy chân của trụ đá sâu hơn 2 mét.

Năm 1995, Bộ Văn hóa – Thông tin đã xếp hạng chùa Lý Triều Quốc Sư là di tích cấp quốc gia. Thời Pháp thuộc, chính quyền thuộc địa đã từng xếp đền Tiên Thị là di tích quốc gia. Như vậy, với giá trị văn hóa - lịch sử sâu sắc, chùa Lý Triều Quốc Sư đã được hai lần xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Trước năm 1954, việc quản trị đền Tiên Thị gần như là công việc tập thể của dân làng. Đến khi HT. Thích Thanh Định về trụ trì chùa năm 1954, công việc trùng tu chùa được thực hiện. Sau năm 1992, HT. Thích Bảo Nghiêm đảm nhiệm vị trí trụ trì của chùa Lý Triều Quốc Sư và tổ chức trùng tu chùa nhiều lần.

Nay, chúng tôi cung kính nhắc lại sự nghiệp tu hành, cứu dân độ thế, phù vua giúp nước của quốc sư Minh Không, cũng như lịch sử ngôi chùa Lý Triều Quốc Sư và các danh thắng nổi tiếng trong hàng trăm danh tích về quốc sư Minh Không để bạn đọc gần xa thêm phần tham khảo.

Chú thích:

[1] Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (dịch) (1993), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển III, tờ 35a, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
[2] Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (dịch) (1993), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển III, tờ 39a, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
[3] Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (dịch) (1993), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển IV, tờ 2b, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
[4] ngày nay nằm trên đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội).

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm

Download Android Download iOS
TP.HCM: Tổ đình Giác Lâm tưởng niệm 197 năm ngày Tổ sư Viên Quang viên tịch (1827-2025)

Ngày 2-1-2025 (nhằm ngày mùng 3 tháng Chạp năm Giáp Thìn), tại Tổ đình Giác Lâm (Q.Tân Bình), chư tôn đức đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 197 năm ngày Tổ sư Tổ Tông Viên Quang viên tịch.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online