PSO – Việt Nam là một đất nước được xem là đa dạng, phong phú về văn hóa tín ngưỡng, tập tục truyền thống. Trong đó, ngày Tết cổ truyền được xem là trọng đại hơn hết so với các ngày lễ còn lại. Vì, nó đánh dấu sự kết thúc năm cũ và chuyển giao sang năm mới, trong những ngày cận Tết hoặc đang Tết có nhiều phong tục tập quán đầy tính truyền thống nhân văn tốt đẹp như: Tiễn ông Táo về trời, trang hoàng nhà cửa, đi chợ Tết, thư pháp mừng Xuân, viếng mộ gia tiên, gói bánh chưng bánh tét, cúng giao thừa, hái lộc, chúc tết, mừng tuổi.v.v… Ngoài ra, còn một văn hóa mang tính cách tâm linh quan trọng không thể thiếu đó là việc đi chùa lễ Phật đầu năm.
Năm nay mặc dù thời tiết khắc nghiệt, mùa màng thất thu nhưng sáng hôm nay ngày mùng 1 tháng Giêng năm Canh Tý (2020), ngày đầu năm bà con nơi huyện nghèo Đak Pơ đã gác lại bao lo toan, muộn phiền của 365 ngày bôn ba với việc mưu sinh. Từ sáng sớm người người, ai ai cũng hân hoan quay về chùa để lễ Phật đầu năm.
Thật hoan hỉ hơn khi ngày nay lớp trẻ sau những tháng ngày học tập, làm việc xa quê hương và trong thời gian về nghĩ Tết đã cùng nhau lên chùa lễ Tam bảo, cùng hướng nguyện một năm mới nhiều bình an, hạnh phúc đến với gia đình, bè bạn và rộng hơn là những người xung quanh.
Sau khi đảnh lễ Tam bảo, quý Phật tử thuận thành cùng quây quần vấn an sức khỏe Ni trưởng trụ trì, rồi hân hoan bày tỏ niềm vui những gì thiêng liêng cao cả nhất trong quá trình hành trì, nỗ lực thực hành đúng theo lời dạy của Đức Phật. Và rồi cùng lắng nghe Ni trưởng trụ trì chia sẻ về ý nghĩa đi chùa, lễ Phật đầu năm: Không chỉ đơn giản để ước nguyện, mong cầu được bình an, mà còn thể hiện việc mọi người tìm về với chốn tâm linh sau những tháng ngày vất vả mưu sinh, gạt bỏ đi những muộn phiền, lo âu của năm cũ. Đồng thời là phương thức tu tập, lễ lạy một đấng từ bi vô hạn, nhằm xóa đi bản ngã và noi theo gương hạnh tu tập của Ngài. Vì thế, mọi người cần hiểu rằng, chúng ta không những đi chùa lễ Phật đầu năm, mà còn phải đi hàng ngày trong tuần, hàng tháng trong năm, hàng năm trong đời mỗi khi có thời gian. Ngoài ra, trong cuộc sống ta phải đặt trọn niềm tin vào quy luật nhân quả, tức là gieo nhân lành thì gặt quả lành, có làm thì mới có ăn.v.v… không có một đấng quyền năng nào có thể ban thưởng hoặc trừng phạt ta được, ta là tác nhân của mọi hành vi, mình làm mình chịu. Hiểu được như vậy thì chúng ta mới thật sự có được một cuộc sống an vui, hạnh phúc, mới xứng đáng là người con Phật, hiểu đúng về giá trị của việc đi chùa lễ Phật đầu năm. Ngoài ra, khi đến chùa lễ Phật đầu năm, tâm ta hoàn toàn thoải mái, bao áp lực cuộc sống dường như được đặt xuống, đó chính là tiền đề khởi hành cho chúng ta trong suốt một chặng đường của năm mới đầy vui vẻ, an lành…
Bên cạnh đó, các bé xúng xính trong chiếc áo dài xinh xinh cùng chắp tay lễ Phật, xướng niệm danh hiệu chư Phật mà vẫn chưa tròn vành, rõ tiếng. Đây chính là những chồi non trong đạo Phật, mong rằng mai này các con sẽ trở thành rường cột của đạo pháp và xã hội.
Thương làm sao hình ảnh quí Sư cô lao tác lo khâu ẩm thực cho buổi cúng hội đầu năm, dành thời gian cho hàng cư sĩ đảnh lễ, thăm viếng, và cùng nhau chia sẻ Phật pháp, mang những lời pháp thiện lành đến cho mọi người.
Mùa xuân ấy mới thật sự đúng nghĩa là mùa Xuân trong Phật giáo.
Xin gửi đến quý độc giả một số hình ảnh ghi nhận được:
Ngọc Chơn – Ban TTTT PG tỉnh Gia Lai
The post Nét đẹp đi chùa, lễ Phật đầu năm tại tịnh xá Ngọc Túc, tỉnh Gia Lai appeared first on Phật Sự Online Tây Nguyên.