PSO - Nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh liệt sĩ, tối 18/7/2020 Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Ban tổ chức lễ hội Uống nước nhớ nguồn tổ chức Đại lễ cầu siêu, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào.
Tham dự buổi lễ về phía GHPGVN có HT. Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVVN, Trưởng ban BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An; TT. Thích Thọ Lạc - Ủy viên Thư ký HĐTS, Trưởng Ban văn hóa TƯ, Phó trưởng Ban Thường trực BTS PG Nghệ An; TT. Thích Đồng Huệ - Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Hà Giang; TT. Thích Hạnh Nhẫn - Phó BTS PG tỉnh Hà Tĩnh cùng đông đảo chư Tăng.
Phía các đại biểu có các ông Trần Thanh Mẫn - Bí thư TƯ Đảng, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQVN; ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Thiếu tướng Trần Võ Dũng - Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 4; ông Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; ông Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; bà Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh.
Trải qua hai cuộc kháng chiến giúp nước bạn Lào chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lực lượng quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào đã luôn kề vai, sát cánh và cùng với bạn vừa chiến đấu chống địch càn quét, vừa tiến hành xây dựng và củng cố các đoàn thể, chính quyền và xây dựng đất nước Lào.
Trong số hàng ngàn quân tình nguyện và chuyên gia quân sự đã có nhiều người hy sinh trên nước bạn Lào. Trong số đó, đã có hàng ngàn liệt sĩ được quy tập phần mộ về nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào. Đây cũng là nghĩa trang lớn nhất quy tập các liệt sĩ của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam từng tham gia chiến đấu và hy sinh tại Lào.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào là nơi tập trung các phần mộ của hơn 11.000 cán bộ, chiến sỹ tình nguyện và chuyên gia quân sự quê quán ở 47 tỉnh, thành trong cả nước hy sinh trên chiến trường Lào.
Hiện nay, nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào có khoảng 6.900 phần mộ chưa rõ tên, quê quán và 570 mộ có tên nhưng lại chưa rõ quê quán liệt sĩ. Tại đây, phần lớn các liệt sĩ có quê ở Nghệ An,Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Bắc Giang…
HT. Thích Thanh Nhiễu phát biểu
Trong văn tưởng niệm của Giáo Hội, HT. Thích Thanh Nhiễu đã nêu: Đại lễ cầu siêu là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tuổi thanh xuân, xương máu vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và quốc tế cao cả.
Đây cũng là dịp để ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc trong cuộc đấu tranh trường kỳ chống giặc ngoại xâm, tôn vinh những tấm gương anh hùng bất khuất của lớp lớp cha anh đi trước và giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Đến với buổi lễ, chư Tôn đức Tăng Ni, lãnh đạo các cấp, các đại biểu đã bày tỏ lòng tri ân sâu sắc trước sự cống hiến, hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Buổi lễ diễn ra với các nghi thức truyền thống gồm dâng hương, dâng hoa lên Đài tưởng niệm; lễ cầu siêu; dâng hương kính bái anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Anh hùng liệt sỹ; tưởng niệm và nguyện cầu cho anh linh những Anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả được siêu thoát…
Hàng nghìn ngọn nến, hàng nghìn bông hoa, nén hương thơm đã được các Phật tử và nhân dân khắp mọi miền dâng lên thể hiện lòng tri ân theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Sau đây là một số hình ảnh được ghi nhận:
Phật giáo Yên Thành