PSO - Vừa qua chỉ trong 3 ngày từ 21 - 23/10/2024 (tức 20 - 22/09 âm lịch), nhân dịp lễ hội Quán Âm Nam Hải năm 2024 do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An tổ chức tại chùa An Thái (xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu) Ban tổ chức đồng loạt tổ chức 19 hoạt động sự kiện được diễn ra liên tục đã thành công tốt đẹp về tất cả mọi mặt.
Nhận định này được Đại đức Thích Tuệ Minh, Ủy viên Ban Thường trực Tỉnh hội, Trưởng ban HDPT tỉnh, Phó trưởng Ban Tổ chức nhấn mạnh: "Khi trao đổi cùng Ban TT-TT Phật Giáo tỉnh Nghệ An sau khi lễ hội kết thúc. Theo Đại đức, các chuỗi sự kiện hoạt động được diễn ra trong dịp này góp phần củng cố tinh thần Phật giáo trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn đầy biến động thời gian qua, đồng thời phát huy tối đa tinh thần phụng đạo yêu nước của Phật giáo đồ trong toàn tỉnh, tiếp tục nâng cao vị thế của Phật giáo trong lòng Dân tộc.
Trước hết sự thành công của lễ hội này khẳng định đây là hoạt động quan trọng nhằm triển khai hiệu quả nghị quyết mà Phật giáo tỉnh đã thống nhất hằng năm, việc này thể hiện tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động mà Ban Tổ chức lễ hội do Đại đức Thích Minh Hải, Chánh Văn phòng Tỉnh hội, Trưởng ban Văn hoá tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực BTC lễ hội là người chịu trách nhiệm hoàn toàn cho đầu mối các khâu, các sự kiện với các ban ngành liên quan trong Phật giáo và ngoài xã hội.
Đặc biệt, thông qua các sự kiện lễ hội này, Đại đức Thích Tuệ Minh khẳng định lại một lần nữa như lời phát biểu của Hoà thượng Thích Thọ Lạc, Uỷ viên Ban Thường trực HĐTS, Trưởng ban Văn hoá TƯ, Phó trưởng ban Thường trực Phật giáo tỉnh, Trưởng BTC lễ hội đã từng vui mừng chia sẻ: "Chúng ta luôn tự hào một điều rằng, với hơn 4000 năm lịch sử của Dân tộc Việt Nam thì Phật giáo Việt Nam cũng đã gắn bó; đồng hành xuyên suốt trong hơn 2000 năm qua. Đây chính là một minh chứng hùng hồn và sống động nhất cho thấy sức sống mãnh liệt của Phật giáo Việt Nam. Sức sống đó thể hiện rất rõ ràng khi chúng ta tham dự các sự kiện Văn hóa trong khuôn khổ lễ hội Quan Âm Nam Hải này, chúng ta sẽ xúc động khi bắt gặp tình thần vì Phật pháp của mọi người.
Trong giai đoạn bão giông mà Phật giáo Việt Nam nói chung chịu rất nhiều thách thức biến động của thời cuộc từ các yếu tố chủ quan lẫn khách quan, nhưng nhờ ơn Tam bảo, nhờ sự đồng lòng gắn kết của tứ chúng đệ tử Phật và hơn hết là sự chân thành trong tu tập phụng sự nên chính những thách thức ấy lại biến thành động lực, thành cơ hội để những người con Phật càng thể hiện sự dũng mạnh tiến tu trên con đường Hộ quốc an dân - Đồng hành cùng Dân tộc. Đây chính là nét văn hóa đặc thù nhất và bản sắc nhất mà có lẽ chỉ có Phật giáo mới thể hiện rõ ràng hơn cả.
Thông qua sự kiện này, Hoà thượng cũng mong mỏi: Đất nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là Ban Văn hoá TƯ càng phải luôn có những tham mưu và có chiến lược định hình rõ ràng trong việc đẩy mạnh các hoạt động giao lưu có tầm vĩ mô quốc tế, nhằm đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Phật giáo thế giới; qua đó, góp phần nâng cao vị thế của Dân tộc Việt Nam, trong đó có Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên vẫn phải chú ý giữ gìn nét Văn hoá Dân tộc một cách rõ nét không pha trộn, không biến chất, có như vậy thì hồn cốt của chúng ta mới được bảo tồn, nhờ đó mà làm phong phú lan tỏa tinh thần Văn hoá Dân tộc và Văn hoá Phật giáo Việt Nam, đó chính là Hoà Quang Đồng Trần, là tuỳ duyên bất biến theo tinh thần của Phật giáo chúng ta.
Phật giáo Yên Thành