Trong những ngày qua, một số báo đã "giật tít" gây nhiều tranh cãi và hiểu nhầm về loại tiền công đức mà các cơ sở tôn giáo - di tích phải đưa vào nội dung báo cáo Bộ Tài chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
Ngày 21/7/2023 vừa qua, Bộ Tài chính có Báo cáo số 119/BC-BTC về kết quả thực hiện thí điểm kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó đối tượng và nội dung kiểm tra là việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023.
Trong những ngày qua, một số báo đã “giật tít” về sự kiện này, gây ra nhiều tranh cãi và hiểu nhầm về loại tiền công đức mà các cơ sở tôn giáo-di tích phải đưa vào nội dung báo cáo Bộ Tài chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Để làm rõ các vấn đề có liên quan, Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn luật sư Hà Nội) đã giải thích về đối tượng phải báo cáo theo quy định của Thông tư 04 như sau:
Về loại tiền công đức phải báo cáo: Các cơ sở tôn giáo-di tích chỉ báo cáo về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; Không phải báo cáo về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức cho hoạt động tôn giáo (Khoản 3 Điều 1 Thông tư 04).
“Hoạt động tôn giáo” theo khoản 10 và khoản 11 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 được hiểu là bao gồm hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo. Trong đó sinh hoạt tôn giáo là việc bày tỏ niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo. Như vậy, các loại tiền như cúng lễ, cầu an, cầu siêu, giọt dầu, cúng dường cho nhà tu hành,… không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 04 và không thuộc đối tượng, phạm vi phải báo cáo theo chỉ đạo của Bộ Tài chính.
Về thời điểm báo cáo: Thông tư 04 có hiệu lực áp dụng từ ngày 19/3/2023, do đó theo quan điểm của Luật sư, việc Bộ Tài chính yêu cầu các sở tôn giáo-di tích báo cáo việc tiếp nhận, quản lý tiền công đức cho di tích, lễ hội trước ngày 19/3/2023 là không có cơ sở, vượt quá phạm vi điều chỉnh của Thông tư và gây khó khăn cho các cơ sở tôn giáo-di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Đối với những khoản tiền công đức đã tiếp nhận mà chưa có cơ sở phân định rõ mục đích công đức là cho “di tích, hoạt động lễ hội” hay cho “hoạt động tôn giáo” do người công đức chưa hiểu rõ quy định mới của Thông tư 04, Luật sư cho rằng các cơ sở tôn giáo-di tích và những người công đức nên chủ động tìm cách phân định mục đích công đức, để đảm bảo phân tách được loại tiền công đức phải báo cáo theo Thông tư 04, chỉ đạo của Bộ Tài chính; và cũng để đảm bảo phản ánh đúng ý chí của người cho, tặng, công đức.