PSO - Dưới sự hướng dẫn hành Thiền của Ngài Ottamathara - Myanmarvề tinh thần xả ly không dính mắc, thái độ sống vô ngã từ bi, phục vụ thiện pháp một cách miên mật tự nhiên chân thật không giới hạn trong suốt gần 2 tháng qua, bắt đầu từ ngày 01/08/2023, nhóm Thiền sinh tại miền Bắc đã tích cực làm các thiện nguyện ý nghĩa, ứng dụng tích cực lời Phật vào cuộc sống.
Ngày 26/09/2023, Tăng Ni tu nữ xuất gia gieo duyên và Phật tử đã có mặt tại Bệnh viện Nông Nghiệp (Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) hiến máu nhân đạo dưới sự tổ chức của Viện Huyết học Trung ương, việc làm này nằm trong quan điểm bố thí của Phật giáo, với ba phương diện Tài thí, Pháp thí, Vô úy thí.
Cũng trong thời gian này, dưới việc tiếp nhận lời dạy của Ngài Thiền sư Ottamathara, nhóm “Hộ pháp miền Bắc” TNC khóa thiền có chuỗi hoạt động Phật sự “nối kết yêu thương, sẻ chia tiếp sức”: Chung tay cùng chùa Pháp Vân và các cấp chính quyền thăm hỏi đến 56 hộ gia đình trong vụ cháy trung cư mini tại Hà Nội vừa qua; giúp đỡ tu bổ một số công trình vệ sinh, tịnh tài trợ duyên gần 60 Tăng Ni du học sinh Việt Nam các cấp đang theo học tại Ấn Độ; tặng kinh phí sửa nhà văn hóa, cơ sở thờ tự, 5 máy tính cũ, thăm hỏi người bệnh nặng, trao 100 bánh trung thu đến nhân dân địa phương hữu duyên đội 13, Xuân Phong, Giao Xuân, Giao Thủy, Nam Định dưới sự thỉnh cầu của ban khánh thiết, cán bộ địa phương; tặng 100 bánh Trung thu đến trẻ em nghèo, người khó khăn, lao công tại khu phố 4, phường An Phú, Tp.Thủ Đức, TP.HCM, do bác Tổ trưởng Tổ dân phố Nguyễn Xuân Hởi tiếp nhận. Tổng trị giá tất cả khoảng 50 triệu.
Thông qua các bài pháp thoại của Thiền sư Ottamathara, của TT.TS Thích Thanh Huân - Trụ trì chùa Pháp Vân (Q. Hoàng Mai, Hà Nội), Trưởng BTC khóa thiền; cùng nhiều Thiền sư, Giảng sư, Pháp sư, có pháp học và pháp hành thuần thục đã giảng trước đó trong Khóa thiền, như: Trưởng lão Hòa thượng Phó Pháp chủ Thích Viên Minh, HT.TS Thích Tâm Đức, TT.TS Thích Giác Duyên, TT. Thích Chánh Định, TT. Thích Minh Tuân, TT. Thích Minh Thuận, ĐĐ. Thích Thiện Tuệ… cùng tác ý hướng dẫn hội chúng về tâm lý và động lực thúc đẩy bên trong để làm các phước thiện đó là không chấp vào hữu vi tướng, không vướng vào sở chấp ta và của ta, tất cả Ba-la-mật đều phải được thực hiện trong tâm rỗng lặng, bình yên, bất hại; hội chúng đã có sự chuyển hóa thân tâm tích cực mỗi ngày.
Trong quá trình diễn ra khóa thiền từ ngày 5 đến ngày 30/09/2023, mang ý nghĩa giao lưu Phật giáo Quốc tế, để giới thiệu khái quát hơn đến Ngài Thiền sư Ottamathara và Tăng đoàn Myanmar khoảng 50 vị, Ban Tổ chức đã sắp xếp đưa đoàn đi thăm và khảo sát: Quần thể Trúc Lâm Yên Tử, chùa Ba Vàng, chùa Quỳnh Lâm (ngày 08/09/2023). Tất cả ba chùa ở Quảng Ninh đều có mối quan hệ chặt chẽ với Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam do người Việt sáng lập ra, thời Trần bởi sự hợp nhất dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường và nhiều yếu tố dung hợp khác.
Tại quần thể Trúc Lâm Yên Tử, ông Tuấn – Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTy Yên Tử đã phát tâm cúng toàn bộ vé vào các cổng thăm quan, vé cáp treo và trai phạn buổi trưa đến Thiền sư và hội chúng khoảng 100 người.
Tại chùa Ba Vàng, TT Thích Trúc Thái Minh trụ trì, đồng thời cũng là thành viên của Ban Hoằng pháp Quốc tế (trực thuộc Ban Hoằng pháp TƯ) đã đón tiếp đoàn trong sự thân mật và giới thiệu nhiều quần thể, mô hình, tầm cỡ kiến thiết chùa với nhiều hạng mục được cho là đứng đầu Việt Nam và khu vực.
TT. Thái Minh đã cúng dường tịnh tài và trực tiếp hướng dẫn giới thiệu về ý nghĩa tên chùa cũng như mục đích xây dựng các công trình thiền môn, phục dựng nếp sống thời Phật và chư Tổ…; góp phần cho thấy sức mạnh của Phật giáo Việt Nam thông qua hình thức và nội dung.
Tại chùa Quỳnh Lâm, Hòa thượng trụ trì Thích Đạo Quang đón tiếp Thiền sư và phái đoàn. Đại đức Thích Tuệ Sĩ đưa đoàn đi thăm quan và khái quát quá trình hình thành phát triển, những sử liệu, văn hóa quan trọng của chùa đối với Phật giáo Việt Nam và hệ thống chùa Trúc Lâm từ quá khứ đến hiện đại.
Ngày 28/09/2023, tại thiền viện Di Đà (xã Liên Phương, huyện Thường Tín, Hà Nội) Thượng tọa trụ trì Thích Minh Tuân - Ủy viên Thường trực GHPGVN tỉnh Lai Châu, Chánh Văn phòng, Ủy viên Ban Kinh tế - Tài chính TƯ, Trưởng Ban Kinh tế - Tài chính Phật giáo tỉnh, Phó BTC khóa thiền đã động viên, chia sẻ, giới thiệu với những thành viên chủ chốt khóa thiền về đặc điểm, văn hóa Phật giáo Việt Nam; con người, đất nước từ truyền thống đến hiện đại; niềm tự hào của Phật giáo trong tâm thức người Việt.
TT. Minh Tuân chia sẻ: Hiện nay Phật giáo Việt Nam có đầy đủ ba Hệ phái Nguyên thủy, Khất sĩ, Đại thừa nhưng vẫn thống nhất trong đa dạng, Hệ phái Kim Cang thừa tuy không chính thức trong Giáo hội nhưng vẫn được giao lưu. Thượng tọa mong rằng vấn đề giao lưu tôn giáo giữa các hệ phái, quốc gia, vùng miền, sẽ góp phần thúc đẩy Phật giáo Việt Nam cũng như Phật giáo Quốc tế cùng phát triển trong lời Phật dạy Trí tuệ - Từ bi - Dũng mãnh.
Qua buổi nói chuyện của Thượng tọa Tăng đoàn Myanmar hiểu hơn về tinh thần dung hợp và tiếp biến của Phật giáo Việt Nam ngay từ thời kì đầu, tri nhận các giáo lý cơ bản vẫn được giữ nguyên, việc tu học Phật pháp là của tín đồ, nghiêm túc hành trì người tu sẽ thấy ra chánh kiến và nắm được tinh túy của đạo, khi đó “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên” ứng dụng đạo đời, thể-tướng-dụng hài hòa, sự-lý viên dung.
Có thể nói, vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam khá cởi mở với nhiều chính sách ưu ái của Đảng và Nhà Nước, lãnh đạo các cấp luôn tạo điều kiện ủng hộ cái đẹp của sự Chân - Thiện - Mỹ tồn tại và phát triển. Nhân dân Việt Nam cũng như nhân loại yêu chuộng hòa bình luôn tán thán, tiếp nhận các triết lý Phật giáo để chung sống thiện lành ý nghĩa. Tăng Ni Việt Nam cũng như Tăng Ni Myanmar và Tăng đoàn Phật giáo thế giới luôn hướng đến lục hòa, nguyện làm cánh tay nối dài của Đức Phật để hoằng truyền giáo pháp trong thời kì mới.
TN Viên Giác