PSO – Trong tinh thần hòa hợp và hướng về Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc được tổ chức tại Việt Nam lần thứ 4, khoá tu “Toả Ngát Hương Đàm” lần 3 được tổ chức trong hai ngày 19-20/04/2025 (nhằm ngày 22-23/03/ Ất Tỵ) do Phân ban Phật tử Hải Ngoại Trung Ương tổ chức với sự tham dự đông đảo chư Tôn đức trong Phân Ban và Phật tử từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Buổi lễ có sự chứng minh và tham dự, ĐĐ. Thích Tuệ Nhật - Trưởng Phân ban Phật tử Hải Ngoại, Trưởng Ban tổ chức khoá tu; TT. Thích Tâm Thuần - Phó Trưởng Ban Thường Trực Phân ban Phật Tử Hải Ngoại, Phó Ban tổ chức; ĐĐ. Thích Minh Phước – Phó Phân ban Phật tử Hải Ngoại kiêm Chánh Thư ký; ĐĐ. Thích Tuệ Minh, ĐĐ. Thích Tánh Đăng, ĐĐ. Thích Thiện Hưng - Chánh Văn phòng; Ni sư Thích Nữ Đàm Trà - Phó Thư Ký ; cùng sự hiện diện của chư Tôn đức và Phật tử trong Phân ban, quý Phật tử ở khu vực Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ.
Khóa tu Phật đản online “Toả ngát hương đàm” lần 3 là một dịp đặc biệt để cộng đồng Phật tử hải ngoại cùng nhau lắng lòng, quay về nương tựa Tam bảo, nuôi dưỡng chánh niệm và từ bi giữa đời sống bận rộn nơi xứ người. Đây cũng là cơ hội kết nối tinh thần tu học xuyên biên giới, góp phần lan tỏa ánh sáng Phật pháp và tinh thần Vesak đến khắp mọi nơi.
Trong ngày tu học thứ nhất, đại chúng được lắng nghe thời pháp thoại sâu sắc từ Thượng toạ Thích Tâm Thuần – Phó ban tổ chức, về chủ đề “Từ bi Phật giáo trong hành động”. Đại chúng cùng hoà âm trong lời kinh qua sự hướng dẫn của Thượng toạ Thích Chiếu Hiếu. Ngày tu thứ hai, hành giả hoà mình trong buổi pháp đàm qua lời chia sẻ từ chư Tôn đức trong Phân ban.
Phát biểu khai mạc buổi pháp đàm, Đại đức Thích Tuệ Nhật – Trưởng Ban tổ chức nhấn mạnh “Trong buổi pháp đàm này, quý Phật tử sẽ lắng nghe những lời chia sẻ về đại lễ Vesak, mở rộng ý nghĩa Tam hợp: đản sanh, thành đạo, nhập niết bàn. Nhất là, đại lễ Vesak không chỉ dừng lại ở Phật giáo mà cách đây hơn 26 năm, vào ngày 19 tháng 12 năm 1999 tại New York (Hoà Kỳ) Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thống nhất lấy ngày Đản sanh của Đức Phật làm ngày lễ hội văn hoá tôn giáo của toàn nhân loại.”
Đại đức Thích Tuệ Minh – Phó ban tổ chức chia sẻ về bốn kì đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại Việt Nam. Lần thứ nhất được tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình – Thủ đô Hà Nội. Đây được xem là sự kiện vô cùng trọng đại, cột móc đầy ý nghĩa đối với người Phật tử và người dân Việt Nam. Quy tụ gần 100 quốc gia, hơn 600 đoàn Phật giáo, hơn 50.000 người tham dự, không chỉ khẳng định vị thế Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế mà còn minh chứng cho tinh thần hoà hợp, cùng hướng đến một thế giới an lạc.
Lần thứ hai đăng cai tại chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) vào năm 2014, có sự hiện diện của 1200 đại biểu quốc tế, nguyên thủ các quốc gia, tiếp tục khẳng định vị thế của Phật giáo Việt Nam trên bản đồ thế giới. Lần thứ ba đăng cai vào năm 2019 tại chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) đây được xem là sự kiện chính trị quan trọng, nêu cao giá trị của Phật giáo trong việc phát triển bền vững thế giới. Vesak lần thứ 3 tại Việt Nam mang chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” đã thu hút hơn 1600 đại biểu đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm nay, nước ta tiếp tục đăng cai đại lễ Vesak lần thứ 4 được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hoà bình thế giới và phát triển bền vững”. Đại lễ diễn ra trùng với ngày lễ trọng đại của đất nước kỉ niệm 50 năm giải phóng miền nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), kỉ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2025). Chính vì thế, Đại lễ sẽ diễn ra nhiều sự kiện văn hoá quy mô. Đặc biệt, cung thỉnh Xá lợi Phật quốc bảo của Ấn Độ tại Newdeli về Việt Nam. Cung thỉnh trái tim Bồ Tát Thích Quảng Đức đang cất giữ tại ngân hàng nhà nước Việt Nam về Việt Nam Quốc Tự (Thành phố Hồ Chí Minh) để đồng bào Phật tử chiêm bái.
Đại đức Thích Định Phúc – Uỷ viên thường trực Phân ban chia sẻ ý nghĩa lễ Vesak – còn gọi là Ngày Tam Hợp (Tam hợp nhật) – là một trong những đại lễ quan trọng và thiêng liêng nhất trong năm. Đây là ngày kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni: Đản sanh, Thành đạo, nhập Niết bàn. Ngày Đức Phật đản sinh là biểu tượng cho ánh sáng trí tuệ bắt đầu soi rọi thế gian. Sự xuất hiện của Ngài là lời khẳng định rằng, con người có thể tự mình tu tập để vượt qua khổ đau và đạt đến giác ngộ. Sau nhiều năm khổ hạnh và thiền định, Đức Phật đạt được quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác dưới cội bồ đề. Đây là biểu tượng cho khả năng chuyển hóa khổ đau, vô minh thành trí tuệ và giải thoát, điều mà ai tu tập cũng có thể đạt được. Khi Đức Phật nhập Niết Bàn, Ngài để lại cho đời một di sản vĩ đại: Giáo pháp và Tăng đoàn. Lễ Vesak vì thế không chỉ là tưởng niệm, mà còn là lời nhắc nhở hành giả sống tỉnh thức, nỗ lực tu hành, và giữ gìn chánh pháp như là cách để tiếp nối bước chân Phật.
Không khí khóa tu trang nghiêm nhưng thân mật, tràn đầy năng lượng tu tập và tình đạo vị ấm áp. Điểm đặc biệt của khóa tu lần này chính là tinh thần "hướng về quê hương" – cùng cầu nguyện cho Đại lễ Vesak 2025 tại Việt Nam được thành tựu viên mãn, đồng thời khơi dậy niềm tự hào về truyền thống Phật giáo Việt Nam trong lòng người con Phật khắp năm châu.
Khóa tu khép lại bằng lễ hồi hướng trong niềm hoan hỷ, lưu luyến và hứa hẹn những lần gặp gỡ tiếp theo. Hương Đàm đã thật sự toả ngát – không chỉ trong không gian thiền môn, mà còn trong từng trái tim của người con Phật nơi hải ngoại.
Tiểu ban Truyền thông – Phân Ban Phật tử Hải Ngoại