PSO - Sáng ngày 9/7/2024 (4/6 năm Giáp Thìn), tại Trung tâm Phật giáo Hùng vương (xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh) Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Phú Thọ đã tổ chức lễ khai pháp hậu An cư Kiết hạ cho 163 hành giả trong mùa an cư PL.2568.
Chứng minh và tham dự buổi lễ có TT. Thích Minh Nghiêm, UV Thường trực HĐTS, Phó trưởng ban Thường trực Ban Từ thiện Xã hội TƯ GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Phú Thọ; TT. Thích Minh Thuận, UV HĐTS, Phó trưởng Ban Hoằng pháp TƯ, Phó trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh; TT. Thích Minh Đức, Phó ban Kinh tế Tài chính TƯ, cùng các hành giả an cư.
Về đại diện lãnh đạo chính quyền ban ngành tỉnh Phú Thọ có ông Trần Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ; ông Lương Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh; ông Nguyễn Doãn Hảo, Phó trưởng Ban Tôn giáo tỉnh; ông Phùng Xuân Tài, Phó trưởng phòng An ninh Nội địa - Công an tỉnh. Về đại diện lãnh đạo chính quyền huyện Phù Ninh có ông Nguyễn Minh Quân, Thường vụ Huyện uỷ Trưởng ban Dân vận huyện; ông Cao Anh Phát, Phó Chủ tịch HĐND xã Phù Ninh, và gần 5.000 Phật tử đồng về tham dự.
Sau khi tuyên bố lý do và giới thiệu thành phần tham dự TT. Thích Minh Thuận - Chánh Duy na trường hạ đã đọc diễn văn khai mạc khoá An cư Kiết hạ PL.2568.
An cư kết hạ là một nhiệm vụ quan trọng của hàng Tỳ khưu, có từ thời Đức Phật còn tại thế. Hàng năm Tăng Ni đều an cư vào mùa mưa với nhiều lý do, như; khó thực hiện công việc du hóa hoằng pháp do bị ảnh hưởng bởi mưa gió, thời tiết khắc nghiệt, đường sá bùn sình lầy lội, ngập nước khó đi, dễ bị các loài côn trùng cắn đốt… Song trên hết là vì lòng từ bi, thương tưởng đến các loài côn trùng nhỏ bé sinh trưởng trong mùa mưa dễ bị tổn hại và để thúc liễm thân tâm, trau giồi tam vô lậu học tiến tu đạo nghiệp.
Trên tinh thần đó, mùa an cư năm nay, hạ trường Trung tâm Phật giáo Hùng Vương triển khai giảng dạy đầy đủ cả ba tạng: Kinh - Luật - Luận. Trong ba tháng an cư chư Tăng Ni hạn chế việc tiếp xúc bên ngoài, nên không bị ngoại duyên chi phối hay làm ảnh hưởng. Những hành giả xuất gia thực hiện phận sự an cư, tinh tấn trong việc học pháp, hành pháp, nghiêm trì giới luật sẽ khiến cho công đức, giới hạnh, đạo lực tăng trưởng, xứng đáng là nơi nương tựa và là phúc điền của hàng Phật tử tại gia. Do đó, ba tháng an cư có ý nghĩa rất lớn đối với hàng xuất gia và tại gia. Bởi đó là thời điểm chư Tăng Ni dành trọn thời gian cho việc tu học, tinh tiến tu hành để vun bồi công đức, phúc báo, trí tuệ, nhằm thành tựu đạo quả giải thoát hầu làm nơi nương tựa cho đời, nâng cao năng lực hoằng hóa, rộng mở con đường lợi sinh; đồng thời, đây cũng là thời điểm thích hợp cho hàng Phật tử tại gia phát tâm gieo trồng ruộng phúc nơi cửa Bồ đề thông qua việc cúng dàng, ngoại hộ Phật pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho chư Tăng Ni an cư tu học.
Tiếp đến là phần báo cáo công tác chuẩn bị an cư và thời khoá tu học hành giả do ĐĐ. Thích Đạo Viên - UV Ban Kinh tế Tài chính TƯ, Trưởng ban Kinh tế Tài chính GHPG tỉnh, Phó thư ký hạ trường. Theo đó, hạ trường năm nay có 18 Tiểu ban trong đó đứng đầu là Ban Duy na có 4 vị bao gồm: Chánh Duy na (TT. Thích Minh Thuận), 3 vị là Phó ban Duy na, thừa quyền của Hoà thượng Hạ chủ Thích Thanh Nhiễu trực tiếp điều hành các công việc Phật sự thường nhật trong hạ trường.
Về thời khoá tu học của hạ trường năm nay theo truyền thống thiền môn với 6 thời công phu chính. Một tháng thực hiện 10 ngày trai, khóa lễ các ngày trai thực hành theo nghi thức quỳ sám nguyện và hằng tháng mỗi hai kỳ bố tát là 14 và 30 âm lịch (tháng thiếu là 29).
Về chương trình giảng dạy, hạ trường cũng triển khai phương án giảng dạy đầy đủ cả ba tạng: Kinh - Luật - Luận, Kinh điển - Giảng Kinh A Di Đà, Luật điển - Luật Yết Ma, Luận điển - Giảng quyển Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận.
Sau nghi thức niêm hương bạch Phật là lời cầu Pháp của Tăng Ni trẻ đại diện cho toàn thể hành giả an cư, một lòng cầu thỉnh giáo Pháp trên 03 vị Thượng toạ chứng minh. Đáp lại lời thỉnh nguyện của hành giả an cư, TT. Thích Minh Nghiêm đã ban lời huấn từ đến toàn thể hội chúng. Thượng toạ đã ôn lại cho hội chúng biết rõ hơn nguyên nhân vì sao có được pháp an cư và các pháp yết ma cũng như nội tổng quát của quyển Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận.
Buổi lễ đã khép lại trong niềm hân hoan của toàn thể tứ chúng, bởi hành giả thấy an cư kết hạ là một nhiệm vụ rất quan trọng đối với Tăng đoàn và được truyền trì tới nay đã gần 3000 năm, an cư đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, một phương pháp hữu hiệu để các hành giả thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh. Tất cả những việc làm của chư Tôn đức Tăng Ni và nam nữ Phật tử trong mùa An cư kết hạ hàng năm đều góp phần quan trọng vào việc duy trì mạng mạch Phật pháp và lợi ích cho quốc gia xã hội.