PSO - Sáng ngày mồng 1/11/Quý Mão (nhằm ngày 01/12/2024), tại chùa Hoằng Phúc (xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) chư Tôn đức Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Bình long trọng tổ chức Đại lễ tưởng niệm 716 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn (1308-2024).
Về phía chư Tôn đức có sự hiện diện và chứng minh của Trưởng lão Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp – Phó Chủ tịch HĐTS, Phó ban Tăng sự TƯ, Trưởng ban BTS GHPGVN tỉnh Quảng Bình, Trưởng ban tổ chức Đại lễ; Thượng tọa Thích Đạt Đức - Ủy viên HĐTS TƯ GHPGVN, Phó ban BTS GHPGVN tỉnh; Đại đức Thích Thiền Bình - Phó ban BTS GHPGVN tỉnh; Đại đức Thích Phước Đăng – Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh; cùng chư Tôn đức trong Ủy viên Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Quảng Bình; chư Tôn đức, quý cư sĩ Phật tử lãnh đạo các BTS Phật giáo thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn và các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy; chư Tôn đức trụ trì các chùa, tự viện trên địa bàn tỉnh và đông đảo Phật tử, người dân trong và ngoài huyện Lệ Thủy về tham dự Đại lễ.
Về phía chính quyền có sự tham dự của ông Trần Đức Thủy - Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình; ông Nguyễn Quang Toản - Trưởng phòng An ninh Nội địa Công an tỉnh; bà Ninh Thị Hòa – Ủy viên Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Lệ Thủy; ông Ngô Văn Toản, Phó trưởng Công an huyện lệ Thủy; cùng các ông, bà lãnh đạo, đại diện các cơ quan Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN, các trưởng, phó phòng UBND huyện Lệ Thủy, xã Mỹ Thủy đồng tham dự.
Đại lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm và thành kính, cùng với các nghi lễ dâng hoa, dâng hương, các Tăng Ni, Phật tử và nhân dân cùng tưởng niệm, ôn lại sự nghiệp và tôn vinh công đức to lớn của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, người đã trực tiếp hai lần lãnh đạo quân dân Ðại Việt thời nhà Trần đánh bại quân xâm lược Mông Nguyên. Vua Trần Nhân Tông là một trong những lãnh tụ thiên tài, anh hùng của dân tộc, cũng là vị vua duy nhất đang ở trên đỉnh cao danh vọng, Ngài đã nhường ngôi cho con, chuyên tâm theo đuổi sự nghiệp tu hành và đã hợp nhất các dòng thiền, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền thuần Việt, có tư tưởng nhập thế, gắn đạo với đời, xây dựng Yên Tử trở thành Kinh đô Phật giáo của quốc gia Đại Việt. Ngài là nhà văn hóa lớn, nhà tư tưởng lớn, đồng thời là nhà tu hành giác ngộ để lại hệ thống tư tưởng đặc sắc về Phật giáo.
Chùa Hoằng Phúc được vinh dự ghi dấu chân hoằng hoá cùa Ngài về phương nam. Năm 1301, Ngài đi thăm hữu nghị đất nước Chiêm Thành và nghiên cứu về tôn giáo, tạo lập mối quan hệ hợp tác, hòa bình, hữu nghị với các nước lân bang. Ngài đến Bố Chính - Quảng Bình ghé thăm Am Tri Kiến (tên cũ của chùa Hoằng Phúc) và lưu lại đây một thời gian giảng kinh, thuyết pháp. Sau chuyến thăm hữu nghị Chiêm Thành năm 1301, ngài có hứa đính hôn Công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân. Năm 1305, vua Chiêm Thành sai Chế Bồ Đài và phái đoàn ngoại giao mang vàng, bạc… sính lễ cầu hôn. Đến năm 1306, ngài đứng ra chứng minh hôn lễ giữa Công chúa Huyền Trân và Chế Mân - vua Chiêm Thành. Trước thành quả ngoại giao hôn phối ấy, vua Chiêm đã dâng hai quận Châu Ô, Châu Rí cho Đại Việt làm quà sính lễ. Đây chính là điều kiện giúp cho Đại Việt mở rộng bờ cõi về phương Nam là Thuận Hóa (Huế).
Buổi lễ đã để lại nhiều cảm xúc, tỉnh cảm tốt đẹp cho những ai hữu duyên tham dự Đại lễ.
Phật giáo Quảng Bình