PSO - Sáng ngày 30/3/2025 (nhằm ngày 02/3 năm Ất Tỵ), mặc dù thời tiết miền Bắc đúng vào dịp không khí lạnh tăng cường, gió thổi mạnh nhưng chư Tăng, Phật tử chùa Tân Hải đã xuất phát từ Hà Nội rất sớm để cùng nhau vân tập về Non thiêng Yên Tử tổ chức Đại lễ kỷ niệm 695 năm ngày Đệ nhị Tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử – Thiền sư Pháp Loa nhập Niết bàn (1330-2025) và kỷ niệm 15 năm chương trình hành hương tu học “Về miền quê Cha”.
Thiền sư Pháp Loa là đệ tử của Sơ Tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Điều ngự Giác hoàng – Hương vân Đầu đà. Ngài tên thật là Đồng Kiên Cương, sinh năm 1284, quê ở làng Cửu La, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Cha Ngài là Đồng Thuấn Mậu, mẹ là Vũ Từ Cứu. Ngài là thiền sư thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, là tổ sư thứ hai, sau Thánh Tổ Trần Nhân Tông. Năm 1304, Phật hoàng Trần Nhân Tông đi du hành khắp miền thôn quê phá bỏ các miếu thờ thần không chính đáng và bố thí đồng thời có ý tìm người nối dòng pháp. Khi Phật hoàng đến mạn sông Nam Sách, Đồng Kiên Cương đến lễ bái xin xuất gia. Phật hoàng đặt tên là Thiện Lai và gửi đến tu học với Hòa thượng Tính Giác.
Năm 1305, Đồng Kiên Cương được Phật hoàng cho thọ giới Tỳ kheo và Bồ Tát, ban hiệu là Pháp Loa. Mùng Một tháng Giêng năm 1308, Phật hoàng chính thức trao truyền ngôi tổ thứ hai phái Trúc Lâm cho Thiền sư Pháp Loa tại chùa Siêu Loại. Thiền sư là người đầu tiên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thống nhất Phật giáo các hệ phái thời Trần, thiết lập một tổ chức Giáo hội Phật giáo thống nhất. Đồng thời đã quy tụ và chinh phục được các hàng vương tôn quý tộc khiến cho họ tín nhiệm quy y và ủng hộ hết mình trong việc xiển dương Phật pháp. Cùng với trao truyền giới pháp, thiền sư có công khai sơn các cảnh chùa, kiến tạo tăng xá và xây dựng các ngôi bảo tháp. Đồng thời chú trọng các hoạt động xã hội từ thiện hướng đến nhân dân và người nghèo khó. Đêm mùng 03/3 năm Canh Ngọ (1330), Pháp Loa viên tịch tại thiền viện Quỳnh Lâm, trụ thế 47 tuổi, 23 tuổi đạo.
Nhân dịp này, chư Tăng, Phật tử chùa Tân Hải đã vân tập về Non thiêng Yên Tử, tổ chức chương trình tu học “Về miền quê Cha” nhân sự kiện Phật giáo trọng đại và ý nghĩa này. Đây cũng là năm thứ 15, Đại đức Thích Quảng Hiếu (Bản tự chùa Tân Hải) tổ chức cho Phật tử thuộc các đạo tràng của chùa vân tập về nơi đây để tu học. Tại đây, toàn thể đại chúng đã thành tâm dâng hương, dâng phẩm vật cúng dàng lên chư Phật, chư Tổ, niệm Phật, tụng kinh Dược Sư, nhiễu quanh tháp Tổ Huê Quang, cầu nguyện cho Thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, Phật pháp trường tồn và cầu nguyện cho các nạn nhân xấu số bị tử vong trong thảm họa động đất vừa xảy ra vào ngày 28/03 vừa qua tại Myanmar và Thái Lan được siêu sinh về miền Tịnh cảnh.
Mặc dù thời tiết miền Bắc đúng vào dịp giá rét, nhiệt độ trên đỉnh Non thiêng Yên tử xuống thấp, các Phật tử phải hành lễ ngoài trời bởi số lượng người tham dự buổi lễ khá đông, tay chân lạnh cóng, lạnh thấu xương, nhưng các Phật tử đều rất trang nghiêm, thành kính, chí thiết, chí thành, dâng nén tâm hương kính cúng dàng lên chư Tổ nhân ngày Ngài nhập Niết bàn.
Theo Đại đức Thích Quảng Hiếu, chương trình hành hương tu học “ Về miền quê Cha” cũng trùng vào dịp lễ Giổ Tổ Hùng Vương vào những ngày đầu tháng 3 âm lịch là cơ hội để các Phật tử ôn lại lịch sử, truyền thống, nguồn cội của Dân tộc và cũng là dịp để tôn vinh, tri ân công đức của Nhị tổ Pháp Loa – vị Thiền sư có vai trò quan trọng trong việc kế thừa, phát triển thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên tử, góp phần lan tỏa tinh thần Phật giáo mang đậm bản sắc Việt, cũng như bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa – lịch sử của di sản nhà Trần. Đây là năm thứ 15 chư Tăng, Phật tử chùa Tân Hải hành hương về nơi đây là một kỷ niệm đáng nhớ đối với tất cả mọi người tham dự buổi lễ.
Thành Trung