10/09/2024 11:01

Sơn môn Bổ Đà - Dấu thiêng còn vang mãi

PSO - Thời kỳ Lê Trung Hưng (thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII) dòng thiền Lâm Tế Trung Hoa được truyền vào Việt Nam và đã vô cùng phát triển ở cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài. Ngoài những sơn môn nổi tiếng của Lâm Tế Đàng Ngoài như: chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa Ninh Phúc (Bút Tháp) thì sơn môn Bổ Đà (Tức chùa Bổ Đà – Việt Yên, Bắc Giang ngày nay) cũng từng là một trung tâm thiền học lớn của dòng Lâm Tế. Đến nay, chùa Bổ Đà vẫn còn lưu lại rất nhiều di sản văn hóa Phật giáo vô cùng giá trị đánh dấu một thời kì hưng thạnh của dòng thiền Lâm Tế bấy giờ. Bài viết thông qua nội dung các mộc bản, câu đối, thơ vịnh được lưu khắc tại chùa phần nào đưa ra những nhận định cơ bản về các nét đặc trưng của dòng thiền Lâm Tế Bổ Đà. Từ đó thấy được sự tiếp nối và phát huy của dòng thiền Lâm Tế Bổ Đà trong dòng mạch thiền dân tộc cũng như những giá trị phi vật thể đối với quốc gia và xã hội.
Thiền sư Viên Văn Chuyết Chuyết (thế kỷ XVII) được coi là Tổ sư khai sơn dòng Lâm Tế tại Đàng Ngoài, sau đó được Thiền sư Minh Hành (người Trung Hoa) và Thiền sư Minh Lương (người Đại Việt) kế thừa và tiếp nối. Cả hai vị đều là đệ tử đắc pháp xuất sắc của Thiền sư Viên Văn, từ đó dòng Lâm Tế bắt đầu phát triển và lan rộng khắp miền Bắc Đại Việt. Thiền Lâm Tế bắt nguồn từ Trung Hoa, nhưng khi truyền sang đất Việt đã mau chóng hòa nhập cùng văn hóa, tín ngưỡng dân tộc để từ đó tạo nên dòng thiền Lâm Tế Việt Nam mang nét đặc trưng rất riêng biệt. Về chỗ cốt tủy, Thiền vẫn được truyền trao, giữ gìn trọn vẹn nhưng cách thức giáo hóa, khai ngộ lại đa dạng, phong phú, có nhiều khác biệt với Lâm Tế Trung Hoa. Nhắc đến dòng Lâm Tế Việt Nam tại Đàng Ngoài, ngoài những sơn môn nổi tiếng như: Chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa Ninh Phúc (Bút Tháp) thì không thể không kể đến dòng Lâm Tế tại chùa Bổ Đà – Bắc Giang.

Chùa Bổ Đà (tọa lạc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) là một trong những sơn môn lớn của dòng Lâm Tế thời kỳ Lê Trung Hưng, theo sự khảo sát của các nhà nghiên cứu, hiện tại chùa vẫn còn một khu vườn tháp với gần 100 ngôi tháp có chứa Xá lợi và tro của 1214 vị tu hành. Điều này chứng tỏ thời đó chùa Bổ Đà đã là một trung tâm tu học Thiền vô cùng phát triển. Hiện chùa Bổ Đà vẫn còn lưu trữ gần 2.000 mộc bản bằng gỗ thị với nhiều loại văn bản như: Kinh, sớ, điệp, ván lục thù, bùa chú… đồng thời theo sự nghiên cứu tổng thể của nhóm chuyên gia thuộc Đại học KHXH&NV và Viện Nghiên cứu Hán – Nôm, bước đầu đã phân loại, sắp xếp kho mộc bản chùa Bổ Đà gồm 18 bộ kinh sách; cùng rất nhiều câu đối, nội dung hoành phi cũng như thơ vịnh được khắc và treo tại chùa. Chùa gồm hệ thống các khu thờ như: Chùa Tứ Ân, am Tam Đức, chùa Cao. Năm 2016 chùa đã được Thủ tướng chính phủ ra quyết định là Di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia đặc biệt.

Trong phạm vi bài viết, thông qua việc phân tích, nhận định nội dung, tư tưởng của các mộc bản cùng câu đối, thơ vịnh còn được lưu trữ tại Bổ Đà, tác giả xin được nêu ra tổng quan đặc điểm tư tưởng thiền học của dòng Lâm Tế nơi đây, để từ đó thấy được những điểm tiếp nối và phát huy trong dòng chảy lịch sử của thiền học Việt Nam.

Nhắc đến dòng Lâm Tế Việt Nam tại Đàng Ngoài, ngoài những sơn môn nổi tiếng như chùa Phật Tích (Bắc Ninh), Chùa Ninh Phúc (Bút Tháp) thì không thể không kể đến dòng Lâm Tế tại chùa Bổ Đà – Bắc Giang. – (Ảnh: Trần Việt Đức)

ĐẶC TRƯNG DÒNG THIỀN LÂM TẾ BỔ ĐÀ – BẮC GIANG

Đặc điểm nổi bật nhất của dòng thiền Lâm Tế Việt Nam nói chung cũng như dòng Lâm Tế Bổ Đà nói riêng là tinh thần “tùy duyên nhi bất biến”, rất linh hoạt trong phương pháp độ sinh, giáo hóa tùy theo căn cơ mà không đánh mất đi tông chỉ cốt yếu của Thiền tông. Nếu như Lâm Tế Trung Hoa được biết đến với những phương pháp vô cùng táo bạo, phá chấp mạnh mẽ, siêu việt ngôn ngữ thì Lâm Tế Bổ Đà lại rất hài hòa, đa dạng và uyển chuyển phù hợp với con người và nếp sống Việt Nam. Dưới đây người viết xin liệt kê những nét đặc trưng cơ bản của dòng thiền Lâm Tế Bổ Đà:

Thiền giáo song hành
Khi thiền tông truyền vào Trung Hoa thì chư sư tại đây đã có một nền học thuật rất rộng về Phật giáo cũng như Nho giáo, Đạo giáo. Vì vậy, nhiều người thời đó đa phần chạy theo chữ nghĩa, hý luận về giáo pháp mà xao nhãng việc thực hành công phu nơi chính mình. Trong khi chỗ cứu cánh của thiền là không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả, nên nhà thiền chủ trương “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”. Các Thiền sư nhắm vào việc “nhất thời độ thoát” cho người, chỉ thẳng vào chỗ người đang mê chấp mà giúp họ phá gỡ, buông bỏ chỗ chấp trước mà tỏ ngộ huyền đạo. Chính vì vậy, thiền Lâm Tế Trung Hoa không chủ trương giáo môn, nhưng khi dòng Lâm Tế truyền sang Việt Nam thì giáo môn lại được chư Tổ sư đưa vào trong tu học song song với công phu tu thiền. Bởi với đặc tính ham học hỏi, hiền lành chất phác, tương thân tương ái của người Đại Việt nếu sử dụng các hành động kỳ đặc, tiếng hét hay dùng gậy đánh sẽ khiến người học đạo khó tin, khó tiếp nhận, nên các ngài mang giáo lý, kinh điển, ngữ lục ra giảng dạy để họ tỏ rành giáo lý, từ đó dần dần công phu. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam đã có rất nhiều Tổ sư, Thiền sư nhờ nghe kinh, đọc luật mà tỏ ngộ được lý thiền. Tư tưởng thiền giáo song hành của dòng Lâm Tế Bổ Đà thể hiện một phần qua công trình in khắc, lưu trữ các mộc bản kinh sách, ngữ lục, luật tạng rất chi tiết, kỹ lưỡng:

Lưu khắc lại kinh sách
Theo thống kê sơ bộ, trong số 1.935 tấm mộc bản hiện được lưu giữ tại chùa Bổ Đà đã được các nhà nghiên cứu phân loại, có các bộ kinh như sau: Bát Nhã Kinh, Kim Cương Kinh, Phổ Môn Kinh, Phật tâm luận, Truy môn cảnh huấn, Thiền lâm bảo huấn, Hộ pháp luận, Sự lý dung thông, Vạn thiện đồng quy. Đây đều là kinh sách Đại thừa và đặc biệt là hai bản kinh: Bát Nhã Kinh, Kim Cương Kinh là hai bộ kinh quan trọng của thiền tông, ra đời vào thời kỳ Phật giáo Đại thừa sơ kỳ. Qua đây, có thể thấy nội dung kinh sách được chư sư Bổ Đà lựa chọn để lưu khắc đầy đủ cả kinh, luật và luận. Đặc biệt đối với luận đều là các bộ ngữ lục của chư thiền sư có nội dung chỉ dạy cho thế hệ hậu lai hiểu được tâm tông, khuyến tấn, nhắc nhở để người học đạo không quên mục đích, nếp sống của một người xuất gia chân chánh.

Chú trọng giới luật, Tỳ ni
Chư sư Lâm Tế Bổ Đà vô cùng chú trọng giới luật cũng như việc gìn giữ một đời sống tỉnh thức trong thiền môn thông qua việc cho in khắc các mộc bản về giới luật và uy nghi: Luật tứ phần, Quốc âm thập giới, Sa di ni uy nghi, Sa di quốc âm, uy nghi quốc âm. Giới luật là nền tảng của tu tập, từ giới sinh định, định sinh tuệ, từ tuệ sẽ phát sinh giác ngộ. Vì vậy, đối với các hành giả tu tập thiền định, việc giữ gìn giới luật, sống một đời sống chánh niệm tỉnh thức là điều vô cùng thiết yếu. Nhằm giúp cho các hành giả sơ cơ thực tập nhiếp tâm trong từng sinh hoạt của đời sống mà chư Tổ sư, thiền sư đã sáng tạo ra những bài kệ tụng ngắn – gọi là tỳ ni hay uy nghi – để người tu tập nương theo đó thu nhiếp thân tâm về giây phút hiện tại. Phương pháp này đã được hệ thống tự viện, chùa thuộc dòng Lâm Tế Việt Nam áp dụng và duy trì đến tận ngày nay.

Không chỉ riêng đối với hàng xuất gia mà Phật tử tại gia muốn sự tu tập được trường viễn, đúng đường, có kết quả thì không thể thiếu việc thọ trì tam quy ngũ giới. Trong bản lưu trữ tại chùa có nói về việc Thiền sư Như Như Trừng Trừng ở chùa Liên Phái đã soạn và cho in khắc cuốn Quốc âm ngũ giới tại Bổ Đà. Đặc biệt là nội dung của năm giới đã được truyền tải bằng chữ Nôm – giúp cho quần chúng nhân dân Phật tử có thể dễ dàng tiếp cận và hành trì.

Chùa Bổ Đà (tọa lạc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) là một trong những sơn môn lớn của dòng Lâm Tế thời kỳ Lê Trung Hưng, theo sự khảo sát của các nhà nghiên cứu, hiện tại chùa vẫn còn một khu vườn tháp với gần 100 ngôi tháp có chứa Xá lợi và tro của 1214 vị tu hành. – (Ảnh: Trần Việt Đức)

Kết hợp Thiền-Tịnh-Mật
Việc kết hợp thiền-tịnh, thiền-mật hay thiền-tịnh-mật song tu là nét đặc trưng của Phật giáo Việt Nam. Bắt đầu từ thời kỳ sơ khởi của Phật giáo, trong hành trạng của các nhà tu sĩ Ấn Độ truyền pháp sang Việt Nam cũng đã xuất hiện rất nhiều hình ảnh về việc sử dụng thần thông, chú Đà La Ni trong việc giáo hóa nhân dân và phò trợ cho quốc gia. Ngay cả đến khi Việt Nam có một dòng thiền thống nhất đầu tiên ra đời, thì trong hành trạng của tam Tổ ta cũng thấy được việc chư Tổ sư sử dụng pháp môn thiền-tịnh-mật một cách hài hòa, dung thông trong công phu nơi tự thân cũng như trong việc giáo hóa độ sinh.

Chùa Bổ Đà còn lưu trữ lại bản in khắc của cuốn mộc bản Chư kinh nhật tụng, với nội dung gồm: “Chú Đại Bi, Vãng sinh Tịnh Độ thần chú, Cảnh Sách, Di Đà, Kim Cương kinh…” [1]. Chư kinh nhật tụng là cuốn sách được sử dụng để làm công khóa hàng ngày tại các thiền viện, các chùa từ xưa cho đến nay. Thông qua nội dung cuốn nhật tụng kết hợp với việc có mặt bản in khắc của Đại bi thập chú, Đại bi thần chú, hành trì mật chỉ giúp ta xác định được chư sư dòng Lâm Tế thời đó không chỉ tu tập tọa thiền mà còn kết hợp cả công phu tụng kinh, trì Đà la ni chú, niệm Phật vào thời khóa hàng ngày.

Đối với việc giáo hóa quần chúng nhân dân, chư sư dòng Lâm Tế Bổ Đà không chỉ khuôn hạn tại việc hướng dẫn tu thiền, mà còn có phương tiện hướng dẫn nhân dân niệm Phật cầu vãng sinh. Việc cho lưu lại bản Tây phương công cứ, Tây phương hợp luận, Tây phương nguyện văn đã chứng tỏ pháp môn niệm Phật vãng sinh cũng là một trong các phương pháp tu tập được chư sư hết sức coi trọng, mở rộng và lưu truyền.

Kết hợp tinh thần Phật - Nho - tín ngưỡng thờ phụng dân gian:
“Hệ thống tượng thờ tại chùa Bổ Đà không chỉ thờ Phật, các vị Tổ sư mà còn kết hợp với tín ngưỡng dân gian bản địa và Nho giáo… Chùa có ban thờ Đức Thánh Hoá, ở tiền đường bên trái, có tượng của ngài gắn liền với thần tích về Thạch Tướng quân, có ban thờ đặt tượng Khổng Tử và Thái Thượng Lão Quân” [2]. Không những về thờ tự có sự dung hợp của Phật – Nho – Đạo, mà ngay cả trong nội dung các câu đối chư thiền sư cũng mượn tinh thần trung quân – hiếu mẫu của Nho gia để làm phương tiện giáo hóa:
Chữ Hán:
父母养生德重恩深祈解脱;
君师治教功高力大愿超昇.
Âm Hán:
Phụ mẫu dưỡng sinh, đức trọng ân thâm kỳ giải thoát,
Quân sư trị giáo, công cao lực đại nguyện siêu thăng.
Tạm dịch:
Mẹ cha dưỡng sinh, đức nặng ân sâu cầu giải thoát,
Vua Thầy trị giáo, công cao lực rộng nguyện siêu thăng.

Đây là một trong những câu đối được treo tại chùa Bổ Đà, nội dung câu đối thể hiện rõ tư tưởng trung quân ái quốc, tôn sư trọng đạo, hiếu kính phụ mẫu, vốn là tư tưởng nền tảng của Nho gia.

Khẳng định dòng mạch Thiền tông chính danh:
Thông qua hệ thống câu đối và mộc bản được lưu khắc tại chùa, chư Tổ sư đã khẳng định dòng thiền tại Bổ Đà chính là sự tiếp nối chính tông từ thiền phái Lâm Tế Đông thổ (Trung Hoa):
Chữ Hán:
東圡脉流臨齊派;
南天續焰補陀山.
Âm Hán:
Đông thổ mạch lưu Lâm Tế phái.
Nam thiên tục diệm Bổ Đà sơn
(câu đối tại trụ cổng am Tam Đức)
Tạm dịch:
Đất Đông mạch truyền phái Lâm Tế
Trời Nam tiếp nối núi Bổ Đà.

Đất Đông ý nhằm nói tới Đông thổ Đại Đường của Trung Hoa, đó là thời điểm dòng Lâm Tế ra đời, Nam thiên là ngầm chỉ nước Đại Việt ta. Dòng mạch thiền của phái Lâm Tế chảy từ Trung Hoa sang Việt Nam, đến Việt Nam dòng mạch lan tỏa khắp mọi miền trong đó có Bổ Đà sơn, ví như từ một ngọn đèn mồi cho trăm ngàn ngọn đèn sáng mãi.

Đặc biệt, việc lưu truyền các mộc bản: Lăng Nghiêm chính mạchNgũ gia tông phái đã chứng tỏ chư Tổ rất chú trọng việc giúp người sau tìm hiểu về nguồn gốc, tông phong. Lăng Nghiêm là một bộ kinh rất quan trọng đối với Thiền tông, bởi nó chỉ bày toàn bộ chỗ cốt yếu trong công phu tu tập, nhất là đối với các hành giả đang hướng về lộ trình kiến tính. Ngũ gia tông phái là cuốn sách gồm 36 trang, viết về năm tông phái Thiền tông Trung Hoa sau thời Lục Tổ Huệ Năng: Quy Ngưỡng tông, Lâm Tế tông, Vân Môn tông, Tào Động tông và Pháp Nhãn tông. Trong đó chú trọng vào hai tông phái chính truyền vào Việt Nam là tông Lâm Tế và tông Tào Động.

Đúng tông chỉ cốt yếu Thiền tông:
Tông chỉ cốt yếu của thiền tông là hướng người tu kiến tính, tức nhận ra ngay nơi mình có Phật tính thanh tịnh, không sanh diệt. Bởi mục đích tu tập cuối cùng của Thiền tông là đạt tới quả vị Phật. Mà muốn đạt quả vị Phật thì phải gieo nhân Phật. Kiến tính chính là nhân thành Phật. Vì vậy, nhà thiền khuyến khích người kiến tính mới khởi tu. Do đó, ngoài việc truyền dạy trực tiếp từ thầy sang trò, chư sư Lâm Tế Bổ Đà cũng đã cho lưu khắc lại các bản ngữ lục, các bài thơ vịnh của chư Tổ sư, thiền sư nhằm nhắc nhở hậu lai không quên cốt tủy của việc tu hành, cũng như chỉ ra phương pháp để giúp người sơ cơ tiến tới kiến tính. Đặc điểm này được thể hiện thông qua hai điều như sau:

Thứ nhất: Thông qua nội dung kinh sách được in khắc lưu trữ tại chùa Bổ Đà (liệt kê chi tiết tại mục 1.1 của bài viết: Thiền giáo song hành), đã phần nào phản ánh tư tưởng chủ đạo mà chư Tổ sư dòng Lâm Tế Bổ Đà muốn truyền trao cho các thế hệ hậu lai: Chính là tư tưởng phá chấp của kinh Kim Cương, tánh Không của Bát-nhã kết hợp với tinh thần tức tâm tức Phật trong Phật tâm luận, tinh thần vô ngại của Hoa Nghiêm trong Sự lý dung thông, Vạn thiện đồng quy. Tất cả điều này chứng tỏ tuy phương tiện giáo hóa có khác mà về lý thì vẫn thẳng tắp một đường Tổ sư.

Thứ hai: Trong số các bài thơ vịnh được lưu lại thì có bảy bài thơ thuộc tập “Sơn cư bách vịnh” của thiền sư Tông Bản đời Bắc Tống. Hiện tại bảy bài thơ này được in khắc và treo tại nhà Tổ của chùa Bổ Đà. Đây là tập thơ rất cần thiết cho người sơ cơ mới bước vào đạo và cả những người tu học lâu năm trên bước đường trở về quê cũ. Nội dung của hai trong số bảy bài thơ này nhằm chỉ dạy, nhắc nhở cho người mới tu tập: “Học đạo tiên đương thỏa thành tâm” (dịch nghĩa: Học đạo rõ tâm ấy bước đầu). “Tâm ấy” là cách gọi khác của chân tâm, Phật tính có sẵn nơi mỗi chúng sinh. Nội dung bài thơ ở đây định hướng cho người tu học cốt yếu là cần ngộ được chân tâm. Và việc ngộ chân tâm ấy như thế nào, thì trong bài thơ tiếp theo đã chỉ ra cách thức: “Sơn cư phản chiếu khán tâm điền, Thối bộ nguyên lai thị thượng tiền, Mật mật công phu vô gián đoạn, Tất đương tham thấu Tổ sư thiền.” Nghĩa là: “Ở núi xoay lại xét tâm điền, Thối bước ngờ đâu tiến bước liền, Bám sát công phu không dứt đoạn, Tất nhiên soi thấu Tổ sư thiền”[3]. “Thối bước” được hiểu là bước lùi hay đi ngược lại, xuất gia vốn là việc đi ngược lại với cuộc đời thế tục, vì vậy chỉ cần dừng lại không bước lên con đường thế gian thì đã là một bước tiến lớn rồi. Nhưng đối với nhà thiền, “thối bước” còn có nghĩa là xoay lại vào bên trong chính mình, dừng chạy theo cảnh duyên bên ngoài, làm được như vậy là công phu đã tiến một bước xa rồi. Chỗ này rất đồng với chủ trương của Thiền phái Trúc Lâm: “Phản quang tự kỷ bổn phận sự bất tùng tha đắc”. Nhưng biết xoay lại chưa đủ, người tu cần dụng công miên mật không gián đoạn thì chắc chắn thấu được Tổ sư thiền tức là nhận lại được chân tâm.

Tinh thần thiền phóng khoáng, tự tại:
Để thấy được sự phóng khoáng tự tại của đời sống thiền, chẳng cách nào khác là tự mình thể nghiệm. “Thiền sư ra đi không để lại dấu vết, như tùng soi bóng nước, mây trôi trên trời”, hầu hết chư vị Tổ sư, thiền sư rất hiếm khi muốn lưu dấu lại hành trạng của mình, nhưng khi các ngài đã chủ ý lưu lại điều gì thì điều đó là rất cần thiết đối với người sau và cũng là chỗ tâm đắc của quý ngài trong việc tu học. Thông qua đó nhằm nhắc nhở, sách tấn đàn hậu học tinh tiến, dũng mãnh trên con đường tu tập để thành tựu giác ngộ giải thoát.

Chùa Bổ Đà hiện còn lưu lại rất nhiều câu đối, không những treo tại các cột gỗ ở các gian thờ chính, mà tại các trụ cổng trước mỗi khu vực cũng đề câu đối. Ý nghĩa mỗi câu đối đều rất thâm sâu, tương ứng với vị trí mà nó được đặt, nhằm thể hiện chủ trương, tư tưởng tu học hoặc lời nhắn nhủ của chư Tổ sư đối với hậu lai. Và ngay tại trụ cổng am Tam Đức cũng lưu lại hai câu đối thể hiện rõ tư tưởng thiền học của chư sư thời bấy giờ. Nội dung hai câu đối như sau:
Chữ Hán:
活沷神機雲出袖
靈明法性月當空.
Âm Hán:
Hoạt bát thần cơ, vân xuất tụ;
Linh minh Pháp tính, nguyệt đương không.
Tạm dịch:
Thần cơ linh hoạt (như) mây từ tay áo
Pháp tính sáng trong (tợ) trăng giữa trời.

Câu dưới nói tới thể sáng trong của tự tánh như trăng sáng giữa trời, không một mảy may bị che lấp. Một khi đã thể nhập vào thể tính sẵn có đó, thì tự khắc đầy đủ diệu dụng thần thông, gặp tướng liền phát dụng, vô cùng linh hoạt, không thể nghĩ bàn ví như việc mây bay ra từ tay áo vậy. Hai câu này nhằm nói đến sự tự tại của người đã đạt ngộ, các ngài đã vượt ra khỏi mọi hạn cuộc, ràng buộc của các tướng hữu vi hư giả, không còn bị chi phối bởi những dục niệm tham sân si cho nên mọi việc làm đều là tùy cơ mà ứng hiện, tiêu dao phóng khoáng, vô tâm không lưu lại dấu vết.

Chú trọng nghi quỹ, nghi khóa
Thông qua việc liệt kê các danh lục mộc bản, xét thấy chư sử Bổ Đà đã lưu lại rất nhiều mộc bản về nghi lễ, nghi khóa của chư Tăng Ni, cũng như cả các nghi thức tiếp vong, độ linh mà chư Tăng Ni cần biết khi tiếp độ cho nhân dân Phật tử.
– Các sách viết về nghi lễ dành cho các việc của thiền môn như: Chú thực khoa, cúng Tổ sư khoa, lễ Phật nghi, Lễ Phật thời, Nghinh sư khoa, Phát tấu khoa, Phát nguyện khoa, Thỉnh Phật khoa, Thi thực nghi. Trong đây đầy đủ nội dung từ nghi thức các bài tán tụng, sớ bạch trong các khóa lễ, cho đến quy định, cách thức lễ Phật, quy định việc nghênh đón chư tôn đức trong các dịp đại lễ, quy định việc thọ trai…
– Các sách viết về nghi thức tiếp vong, độ linh như: Dự nhiếp linh khoa, giải kiết khoa, triệu linh khoa. Trong đây hướng dẫn cách xướng danh của đức Bồ-tát Địa Tạng, cách thức thuyết pháp hướng dẫn nhân dân dứt bỏ tà vọng, nghi thức cầu siêu…

Trong việc độ sinh, tuy cốt yếu giúp người học đạo nhận ra Phật tánh nơi chính mình, tu tập học hỏi giáo lý để dứt trừ tham, sân, si, lần lần ra khỏi sinh tử luân hồi. Nhưng Phật pháp sâu kín khó thấy, khó nhận, nên đối với căn cơ chúng sinh, vẫn rất cần có hình thức bên ngoài để họ nương theo đó lần lần đến với Đạo. Vì vậy, những nghi thức như cầu an, cầu siêu, việc khai thị cho người sắp mất, cúng đám cho hương linh, giải trừ oan kết đều là những phương tiện để người dân đến gần với Đạo và cũng để chư sư có nhân duyên chia sẻ đạo pháp, là điểm tựa tâm linh cho chúng sinh trong những phút giây khổ đau, hoang mang, hay khi còn đang bỡ ngỡ trong việc học hỏi và thực hành Phật pháp.

Có thể nói, dòng thiền Lâm Tế Bổ Đà có đủ các đặc trưng của Phật giáo Việt Nam; tiếp nối và phát huy trọn vẹn mạch thiền đất Việt, để một lần nữa ngọn đèn thiền Việt Nam lại bừng sáng, đồng hành, soi tỏ, làm chỗ dựa vững chắc cho nhân dân và đất nước Đại Việt đi qua thăng trầm của thời cuộc… – (Ảnh: Trần Việt Đức)

Ni đoàn phát triển
Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam sự xuất hiện của Ni đoàn rất mờ nhạt, cho đến thời Lý mới có một Ni sư Diệu Nhân xuất cách ra đời, được tôn vinh là Tổ sư thiền của dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Thời Trần cũng xuất hiện các vị ni xuất cách, đức hạnh như: Ni sư Tuệ Thông, Ni sư Hương Tràng… Tuy nhiên, trong các mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm – sơn môn của thiền phái Trúc Lâm không thấy có mộc bản nào san khắc về giới luật hay uy nghi của ni giới, điều này chứng tỏ khi này Ni giới chưa phát triển và ảnh hưởng nhiều đến Tăng đoàn. Đến thời Lê Trung Hưng, tại sơn môn Bổ Đà đã xuất hiện các mộc bản như Bát kính pháp phương ngôn, Sa di ni uy nghi quốc ngữ, San bổ thụ chư giới đàn – ni tập cho thấy lúc bấy giờ nữ giới xuất gia đã trở nên đông đảo phổ biến, Ni đoàn phát triển và dần dần có vai trò trong Tăng chúng vậy nên những bộ luật, uy nghi và những nghi thức truyền thụ giới pháp cho Ni giới đã được quan tâm và chú trọng.

TẠM KẾT

Bằng những văn bản thư tịch còn lưu lại, tuy chưa đầy đủ, nhưng đã phần nào khơi mở cho chúng ta những nét đặc trưng của dòng thiền Lâm Tế tại sơn môn Bổ Đà một thời. Một Lâm Tế Bổ Đà mang đậm tính dân tộc, tùy duyên mà bất biến, thấm đậm tinh thần sự lý dung thông của Hoa Nghiêm, đầy đủ chi tiết trong lễ nghi nhưng lại phóng khoáng, siêu việt nơi chỗ sống Đạo chân thật. Có thể nói, dòng thiền Lâm Tế Bổ Đà có đủ các đặc trưng của Phật giáo Việt Nam; tiếp nối và phát huy trọn vẹn mạch thiền đất Việt, để một lần nữa ngọn đèn thiền Việt Nam lại bừng sáng, đồng hành, soi tỏ, làm chỗ dựa vững chắc cho nhân dân và đất nước Đại Việt đi qua thăng trầm của thời cuộc… Rất mong trong tương lai, việc triển khai các dự án nghiên cứu, bảo tồn và dịch thuật những mộc bản, văn bia, câu đối tại chùa Bổ Đà – Bắc Giang sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa, để tâm huyết và tinh hoa của các bậc tiền nhân đã dày công in khắc, lưu trữ được phổ rộng đến đông đảo mọi tầng lớp, những giá trị về văn hóa, tư tưởng thiền được lan tỏa rộng rãi, làm cho bức tranh thiền học Việt Nam ngày thêm hoàn bị, sáng tỏ.

Thích Nữ Tâm Vương
Nghiên cứu sinh Phật học Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc Gia Hà Nội.

Chú thích:
[1] Theo kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc Đại học KHXH&NV và Viện Nghiên cứu Hán Nôm: Nguồn: https://svhttdl.bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/xqtf4Gcdcef5/content/gia-tri-kho-moc-ban-chua-bo-a.
[2] https://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/danh-lam/9087-son-mon-bo-da-trung-tam-phat-giao-cua-phai-thien-lam-te-o-bac-giang.html.
[3] HT. Thích Nhật Quang dịch.

Tài liệu tham khảo:
1. HT. Thích Thanh Kiểm dịch và chú giải, Thiền lâm bảo huấn, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
2. Thiền sư Tông Bản, HT. Thích Nhật Quang chú dịch (1999), Sơn cư bách vịnh, Thiền viện Thường Chiếu, Đồng Nai.
3. Thiền sư Vĩnh Minh – Thích Minh Thành dịch, Vạn thiện đồng quy, Nxb. Hồng Đức.
4. TS. Nguyễn Quốc Tuấn (chủ biên, 2017), Lược sử di sản và mộc bản Chùa Bổ Đà, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

Download Android Download iOS
Lan toả của dòng Lâm Tế Gia Phổ tại tổ đình Giác Lâm

Tổ đình Giác Lâm là “Tổ đình của chi phái Lâm Tế, dòng kệ của Mộc Trần Đạo Mân ở Gia Định và cả Nam Kỳ lục tỉnh”. Chư tiền bối Tổ sư tại tổ đình Giác Lâm tiếp nối truyền thừa qua các thế hệ, phát triển dòng Lâm Tế Bổn Ngươn tại Nam Bộ, Trung Bộ.

Đức tính của Bồ tát Quán Thế Âm trong tôn dung của người nữ

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt thì hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm trong thân tướng người nữ là phổ biến nhất, có lẽ đây là phương thức thờ phượng chính yếu của người Việt đối với đức Quán Thế Âm từ ngàn xưa.

Sư thầy 30 năm cưu mang trẻ em bất hạnh

Khi chúng tôi ghé thăm chùa Kỳ Quang II, Hòa thượng Thích Thiện Chiếu - Trụ trì chùa, đón tiếp chúng tôi với nụ cười đôn hậu, tay vẫn cầm chiếc vòi xịt nước để vệ sinh sân chùa. Dù đã 76 tuổi, Hòa thượng vẫn duy trì thói quen dậy sớm mỗi ngày, cần mẫn quét dọn, làm sạch từng ngóc ngách trong khuôn viên chùa.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online