Ảnh được chụp lại từ clip đăng tải trên Facebook
PSO – Chiều ngày 13/4/2019, trên mạng xã hội phát tán video clip ghi lại hình ảnh 2 sư ni xô xát với nhau, được người đăng tải chia sẻ với tiêu đề: “Sư chửi nhau…tại chùa An Cảnh, xã Bình Kiều, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên”. Sau đó, ngày 14/4 người đăng tải sửa nội dung thành “…vị sư này ở chùa An Cảnh, xã Bình Kiều, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên”. Tuy nhiên câu chuyện thực hư thế nào chưa biết, nhưng cư dân mạng nhanh chóng chia sẻ, kèm theo bình luận gây ảnh hưởng đến uy tín của Tăng đoàn và Giáo hội. Trước sự việc nóng bỏng trên, ngày 14/4 Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (BTS GHPGVN) tỉnh Hưng Yên kết hợp cùng BTS GHPGVN huyện Khoái Châu tiến hành tìm hiểu, xác minh thông tin video clip trên. Ngày 15/4, đại diện Thường trực BTS GHPGVN tỉnh, BTS GHPGVN huyện Khoái Châu, tại buổi làm việc còn có: đại diện Đảng, chính quyền, Mặt trận thôn An Cảnh Hạ cùng với Sư cô Thích Giới Hương (người được xem là xuất hiện trong clip) đồng tham dự. Trong buổi làm việc, chư Tôn đức đã đi đến kết luận và ra văn bản báo cáo vụ việc trên với Văn phòng 1 Trung ương Giáo hội như sau: Hình ảnh Sư cô mặc áo nâu xuất hiện trong clip là Sư cô Thích Giới Hương tại Bắc Ninh. Hiện ở tại chùa Sùng Khánh, khu phố Mỹ Cụ 2, phường Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Sư cô Thích Giới Hương không phải là thành viên của BTS GHPGVN tỉnh Hưng Yên, chỉ mới tạm thời qua lại chùa An Cảnh Hạ để tiếp lo Phật sự tại chùa. Còn người áo lam trong clip được xác nhận tên là Nghĩa, không phải là Sư cô, chỉ mới vô chùa tập sự và lại có bệnh tâm thần nên có những lời lẽ, cách cư xử không bình thường dẫn đến việc Sư cô Giới Hương bức xúc, không kiềm chế được bản thân nên có cách hành xử không đúng chuẩn mực, đạo hạnh của người xuất gia. Bên cạnh đó, sự việc phản ánh trong clip không diễn ra tại chùa An Cảnh Hạ, xã Bình Kiều, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên và đã xảy ra cách đây 01 năm (tháng 9/2018), Sư cô đã bị nghiệp sư cùng Tăng chúng tại địa phương cử phạt. Sư cô Giới Hương đã nhìn nhận khuyết điểm tinh tiến sám hối hoàn thiện chính mình trong thời gian qua. Qua báo cáo từ kết quả làm việc trực tiếp của BTS GHPGVN tỉnh Hưng Yên, cho chúng ta thấy sự việc này đã diễn ra cách đây 1 năm, mọi việc cũng đã xử lý theo luật Phật. Giờ đây, vì cớ gì ngay trong giai đoạn Phật giáo đang rộn ràng tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc 2019, một sự kiện trọng đại của Phật giáo nước nhà, cùng hàng triệu trái tim của người con Phật trên khắp năm châu thế giới hướng về ngày đại lễ Vesak. Người đăng tải không biết vô tình hay cố ý với việc thiếu cân nhắc này, làm ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh Tăng đoàn Giáo hội. Nếu cần trao đổi góp ý xây dựng trên tinh thần hài hòa thì có rất nhiều phương pháp, nhất là trong thời buổi hiện đại này, chỉ cần có tâm là được. Nếu chỉ là hình thức để nhằm câu view, câu like, thổi phồng câu chuyện nhằm thỏa mãn ý đồ riêng tư, để mặc hậu quả đi đến đâu không cần biết. Không chỉ riêng việc này, chúng ta có thể xâu kết lại từ đầu năm 2019 đến giờ, trên phương tiện truyền thông nhiều câu chuyện cũ đã được xử lý nay lại cố tình phát tán trên cộng đồng mạng và chuyện nhỏ thì có ý thức thổi phồng thành chuyện lớn bất chấp thực hư thế nào tất cả được đều chia sẻ một cách vô tội vạ đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín Phật giáo. Qua đây, chúng ta cần thận trọng hơn trong việc ứng dụng mạng xã hội nhất là Facebook. Trong tài khoản cá nhân trên dòng thời gian, chúng ta xem tin tức, thời sự, giải trí, ẩm thực, v.v… nếu chúng ta chỉ thấy những điều tốt đẹp, văn minh, nhẹ nhàng, hướng thượng… đây là điều đáng mừng. Vì sao vậy? vì những người chúng ta kết bạn họ đều là những người tốt đẹp, yêu cái đẹp, nên những điều họ chia sẻ để chúng ta xem đều là đẹp hết, nhằm cải thiện nhân tâm, tu dưỡng đạo đức. Ngược lại, trong hơn 100 tin chúng ta lướt qua mà hơn 70 tin toàn là những chuyện không đâu, tuyên truyền những điều xấu ác… Ngay lập tức chúng ta phải lọc lại danh sách bạn của mình vì người xưa nói “gần mực thì đen gần đèn thì sáng”. Hàng ngày xem những những điều phiền não, khổ đau cũng làm tâm mình bất an, xáo động. Trước dư luận của bão mạng, truyền thông đại chúng, ai ai cũng có thể làm "nhà báo", "nhiếp ảnh gia" nhưng có mấy người là thực thụ chân chính. Chính vì vậy, không gì hơn chúng ta hãy trang bị cho mình tâm bình lặng, an nhiên, điềm tỉnh trong làn sóng mạng xã hội công nghệ hiện đại này.Tuệ Tánh
The post Sự thật về clip được cho là “Sư chửi nhau” tại chùa An Cảnh, huyện Khoái Châu appeared first on Phật Sự Online Miền Bắc.