PSO - Ngày 06/10/2023, TT. Thích Minh Thuận, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng Phân Ban Hoằng pháp ĐBDTTS, Phó trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Phú Thọ, trụ trì chùa Bảo Ngạn (Sông Lô, Việt Trì), cùng chư Tăng và Phật tử chùa Bảo Ngạn đã đón tiếp đoàn theo chương trình đăng kí.
Thượng tọa đã dẫn đoàn đi thăm Khu di tích lịch sử quần thể đền chùa thờ phụng các Vua Hùng; giới thiệu về đất Phong Châu, nước Văn Lang từ 4000 năm trước; về “cội nguồn Tổ tiên của người Việt”; nơi Phật giáo gắn liền với văn hóa tín ngưỡng dân tộc; đặc biệt, từ 12/2012, UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, góp phần vào việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, do hiện tượng văn hóa độc đáo và riêng biệt của Việt Nam.
Ngoài ra, trong buổi giao lưu, với sự am hiểu Lịch sử Phật giáo Việt Nam, văn hóa Phật giáo phía Bắc, TT. Thích Minh Thuận đã nhấn mạnh đến tính dung hợp của Phật giáo vùng Đồng Băng Châu Thổ Sông Hồng, tính tùy duyên bất biến, tốt đời đẹp đạo; phân tích chứng minh dung hợp để cùng phát triển trong vô ngã từ bi, hiểu thương. Vì Phật tính/tính giác có trong mỗi người mà từ đời các Tổ sư người Việt đã tiếp nhận và kế thừa. Thượng tọa chia sẻ trong buổi hành thiền cho thấy, Phật giáo Việt Nam đã sự giao lưu cả với Phật giáo Ấn Độ ngay từ những thế kỉ đầu: như câu chuyện Khâu-đa-la và Man Nương, khu vực vùng Dâu, thành Luy Lâu nước Giao Chỉ xưa – từng là Trung tâm Phật giáo hưng thịnh nhất lúc bấy giờ, mang tầm vóc khu vực; đến sự giao thoa với Phật giáo Trung Hoa; rồi tiếp tục nhiều dòng phái, nhiều pháp tu khác nhau… và rộng mở như hiện nay. Phong phú hình thức sinh hoạt, nhưng tất cả trên tinh thần học hỏi, trải nghiệm, lấy lời Phật làm kim chỉ nam. Phật giáo Việt Nam riêng biệt bản sắc của dân tộc nhưng không xa rời giáo lý; thể hiện tính ưu việt siêu xuất, vị tha, bất hại từ bao đời nay.
Trong xã hội hiện đại, Tăng Ni cư sĩ có nhiều điều kiện để nghiên cứu các pháp học của Nguyên thủy, Khất sĩ, Đại thừa, Kim Cang thừa; tiếp nhận pháp học ở các cấp đào tạo bài bản hoặc trong các thiền môn trú xứ; có thể tự do giao lưu các hệ phái Phật giáo khác nhau trong nước và trên thế giới;… qua đó nhận thấy lời Phật vẫn còn và việc hành trì hiệu quả như thế nào là tùy căn cơ ba-la-mật của mỗi hành giả trong các kiếp sống. Thượng tọa chia sẻ góc nhìn, nếu Tăng Ni Phật tử các hệ phái thật thấy ra Pháp thì không còn chống trái, phân biệt; không phát triển tiêu cực phiền não trong thân-miệng-ý làm duyên cho các bất thiện pháp nơi mình và người sinh khởi, trái lại phụng sự dấn thân nhiều hơn trong tinh thần tự độ độ tha, tự giác giác tha khi tin sâu nhân quả, nghiệp báo, luân hồi.
Với không khí thân mật, cởi mở, chân thành, mến khách, đạo tràng chùa Bảo Ngạn đã cúng dường trai phạn Tăng đoàn 50 chư Tăng, tu nữ và hơn 70 Tăng Ni Phật tử Việt Nam tháp tùng.
Thiền sư Ottamathara thanh tịnh bày tỏ sự cảm mến, ghi nhận những đóng góp lục hòa của chư Tăng, chức sắc Việt Nam đang cố gắng vì sự trường tồn của Phật pháp. Thiền sư và Tăng đoàn hiểu hơn về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam trong tính đa dạng, thống nhất; hiểu hơn về lịch sử Phật giáo thịnh suy cũng như đặc điểm vùng miền; tri ân những đóng góp vì Phật giáo Quốc tế của TT. Thích Thanh Huân, TT. Thích Minh Thuận, TT. Thích Minh Tuân hơn hai tháng qua đã tác ý hộ trì khóa tu; tán thán lối sống tình cảm mà không vướng mắc, kham nhẫn mà vẫn xả ly, hi sinh mà không cần đền đáp, hiếu khách mà vẫn nội lực tự phát triển của tâm thức cư dân trong và quanh vùng Hà Thành - thông minh, thông tuệ, sâu sắc, thâm trầm kín đáo, đầy năng lực, dũng mãnh trước cái thiện; là tinh thần Bi-Trí-Dũng đức Phật tán thán.
Trong chuỗi trải nghiệm Thiền Vipassana 10 ngày từ 01 đến 10/10, chiều ngày 9/10/2023, HT. Thích Bửu Chánh, UV HĐTS, Phó Ban hoằng Pháp TƯ, Phó Viện trưởng kiêm Trưởng khoa Pali, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Phó trưởng BTS Phật giáo tỉnh Đồng Nai, Viện chủ thiền viện Phước Sơn đã có buổi chia sẻ pháp thoại giao lưu trong khóa Trải nghiệm Thiền Vipassana ứng dụng dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Ottamathara và Tăng đoàn Thabarwa Myanmar ba tháng tại chùa Pháp Vân (Q. Hoàng Mai, Hà Nội).
Chọn đề tài Hệ phái Nguyên thủy và Thiền Vipassana, HT. Thích Bửu Chánh nhấn mạnh đến pháp “Thiền Tứ Niệm Xứ”, đặc biệt đề mục niệm hơi thở; chỉ dẫn cách nhận biết các cảm giác trên thân, thấy rõ hiện tại sanh khởi, không dính mắc. Hòa thượng cũng rút ra ý nghĩa trong việc thực hành Phật pháp đối với các thiền sinh rằng: không nên bám chấp vào các duyên giả hợp thế gian, phải rốt ráo tự thực hành thông qua giáo pháp đức Phật đã để lại và sự hướng dẫn của người Thầy; phải tự thắp đuốc, chấp nhận tất cả mọi hoàn cảnh thuận nghịch, luôn nghĩ “sanh tử sự đại” nhằm khi cận tử nghiệp đến không hoang mang đau khổ để phải tái sanh cảnh giới bất như ý; nhấn mạnh việc lấy đề mục hơi thở là đối tượng chánh niệm để buông bỏ các pháp trần vọng tưởng điên đảo; khuyến tấn trong 7 ngày nếu rốt ráo hành trì Tứ niệm xứ có thể chứng đắc, tưởng dễ nhưng không phải như lý thuyết mà đòi hỏi hết sức miên mật. Với phong thái tự tại, hoan hỷ, ngôn ngữ giảng đan cài Pali và những câu Pháp ngắn tác động mạnh mẽ đến người nghe, buổi giao lưu diễn ra sôi nổi, ấm áp, gần gũi.
Được biết, trước đó, trong nhiều năm, Thiền sư Ottamathara và Tăng đoàn Thabarwa cũng có về Phước Sơn giao lưu nên giữa hai Ngài và hội chúng tự có nhân duyên gia đình Pháp.
Trong lần về chùa Pháp Vân đợt này, HT. Bửu Chánh cũng tán thán sự bảo hộ, tâm lượng hoằng pháp rộng lớn của TT. Thích Thanh Huân, trụ trì chùa Pháp Vân, Trưởng Ban Tổ chức khóa thiền; tán thán Thượng tọa trong nhiều năm qua đã có những đóng góp tích cực đối với Phật giáo Hà Nội, Phật giáo miền Bắc cũng như Phật giáo Quốc tế; mong rằng trong thời gian sắp tới Thượng tọa tiếp tục đón nhận nhiều chư Tăng ở Myamar, Thailan, Tây Tạng, Ấn Độ… về giao lưu Phật pháp ở nhiều tông phái, pháp tu trong tinh thần tôn trọng, hợp tác, lục hòa, cùng phát triển theo hạnh nguyện người con Phật; “nước trăm sông đổ về biển cả biến biển dơ thành sạch, người trăm họ quy y Tam bảo bỏ ác làm lành”, tự hào về đấng cha lành Thế Tôn - “Một người, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, đem lại hạnh phúc và an lạc cho số đông, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A la hán, Chánh đẳng giác” (ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, phẩm Một người).
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được:
TN Viên Giác