PSO – Hoa đàm là một loài hoa linh thiêng ngàn năm mới nở, nhằm báo hiệu điềm lành hay bậc thánh nhân ra đời. Vì đức Phật ra đời bởi một đại nhân duyên, đó là “khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”.
Thời gian qua, thế giới phải oằn mình trong sự khủng hoảng của đại dịch, trong sự bất an do chiến tranh gây ra. Vì thế, trong thâm tâm của mỗi người đều muốn tìm cho mình một nơi nương tựa, một bến đỗ bình yên, một chỗ dựa tinh thần…. Nhằm xoa dịu phần nào nỗi đau thương và bất an ấy, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương GHPGVN đã cho phép Phân ban Phật tử Hải ngoại Trung ương Tổ chức khóa tu Phật đản Online chủ đề: “Tỏa Ngát Hương Đàm”. Khóa tu có sự tham dự của Phật tử các nước như: Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Việt Nam,… dù cách xa nhau về địa lý, và những khó khăn trong đời sống, nhưng những điều ấy vẫn không làm ảnh hưởng đến tấm lòng thành kính của những người con Phật cùng hướng về Đức Thế Tôn trong mùa Phật Đản.
Ngày đầu tiên của khóa tu, lễ khai mạc được trọng thể diễn ra cùng thời kinh Phật đản, đồng thời Ban tổ chức đã cung thỉnh Thượng toạ Thích Thiện Thuận - Ủy viên Thường trực Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, có buổi thuyết giảng đến với toàn thể quý Phật tử khóa tu qua chủ đề: “Tỏa Ngát Hương Đàm” để hàng Phật tử hiểu rõ thêm về cuộc đời và hạnh nguyện của đức Phật.
Thượng tọa giảng giải: Hoa đàm là một loài hoa linh thiêng ngàn năm mới nở, nhằm báo hiệu điềm lành hay bậc thánh nhân ra đời. Vì đức Phật ra đời bởi một đại nhân duyên, đó là “khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”. Ngài vì sự giải thoát cho nhân thiên mà đản sanh nơi cõi đời ngũ trược, giúp cho chúng sanh thoát khỏi khổ đau. Nên đóa hoa Đàm năm ấy, dù trải qua 2646 năm vẫn tỏa ngát mùi hương.
Cuộc đời của đức Phật là ngọn đuốc thiêng soi đường cho nhân loại, Ngài đã viết nên bức thông điệp đem lại sự bình đẳng cho xã hội Ấn Độ thời ấy đang chịu nhiều đau thương khổ lụy do sự phân biệt giai cấp, sự phân chia tập quán cùng những áp đặt tư tưởng từ nhiều tôn giáo. Ngài đã tuyên bố rằng: “không có giai cấp khi nước mắt cùng mặn, không có giai cấp khi dòng máu cùng đỏ”. Lời tuyên bố đanh thép ấy, đã đập tan mọi gông cùm trói buộc của sự phân chia giai cấp. Tất cả chúng sanh đều có cùng nỗi khổ niềm đau đến từ sanh, lão, bệnh, tử, nên đều có tâm niệm và nhu cầu thoát khổ tìm vui, đó là nhu cầu bình đẳng không phân biệt giai cấp giàu nghèo.
Sự ra đời của đức Phật đã giải thoát chúng sanh ra khỏi chiếc lồng giai cấp, hướng con người đến chân trời cao rộng của sự bình đẳng. Ngài mở ra một trang sử mới cho xã hội Ấn Độ thời ấy nói riêng và cho tất cả chúng sanh nói chung.
Sự giáo hóa của Ngài cùng khắp không phân biệt dù là hàng vương giả cho đến thợ cắt tóc, gã gánh phân, thậm chính đến những người kỹ nữ đều có thể tu tập và chứng quả A-la-hán. Đây là một minh chứng xác thực cho sự bình đẳng trong Tăng đoàn và trong giáo pháp của Ngài, ai cũng có thể xuất gia tu tập và ai cũng có thể thực hành giáo pháp và chứng thành thánh quả. Điều này chưa một tôn giáo nào có sự bình đẳng triệt để như Phật giáo. Từ đó, giúp cho chúng sanh tự tin tiến bước trên con đường tu tập giải thoát vì ai cũng có thể chứng thành Phật quả.
Trong mỗi con người đều có sự tham chấp ẩn nấp sâu dày và vi tế, nó lặng lẽ điều khiển và chi phối tâm thức, những cảm thọ vui buồn ngày đêm gặm nhấm tâm hồn, nên giáo pháp của đức Phật chỉ cho chúng ta thấy được những góc khuất của tâm hồn. Từ đó, ta có thể chuyển hóa tâm thức khiến cho cuộc sống thêm nhẹ nhàng an vui, tiến dần đến cánh cửa giải thoát giác ngộ. Muốn giải thoát nỗi khổ niềm đau, đầu tiên phải thay đổi tư duy thay đổi cách nhìn, thay đổi những nghiệp nhân trong hiện tại, chuyển hóa dần để bản thân ngày một tốt đẹp hoàn thiện hơn. Thay đổi để có thể chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành thánh.
Thời thuyết pháp trực tuyến nên đôi lúc có những nuốt đan xen do kỹ thuật đường truyền kém, nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến nội dung truyền đạt giáo pháp của Thượng tọa giảng sư đến với quý Phật tử, thời pháp đọng lại một giá trị thiết thực, giúp hàng Phật tử mở rộng thêm về kiến thức và tinh tấn hơn trong tu tập.
Buổi thuyết pháp được kết thúc trong sự trang nghiêm của khóa tu và trong sự nhiệt tâm học hỏi giáo pháp của hàng Phật tử trong và ngoài nước.
Khoá tu sẽ tiếp tục diễn ra vào tối nay, từ ngày 5/5/2022. Cụ thể tính theo giờ các quốc gia như sau: Nhật Bản & Hàn Quốc: 20h00-22h00. Đài Loan & Singapore: 19h00-21h00. Việt Nam: 18h00-20h00.
Ban Thông tin Truyền thông
Quý Phật tử tham gia Khóa tu theo mẫu đăng ký ở đường dẫn sau (Click vào mẫu đăng ký và phòng Zoom để tham gia):