PSO: Trong không gian trang nghiêm của Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM, ngày 5 tháng 5 năm 2025 đánh dấu sự kiện khai mạc khu vực Trà đạo Việt Nam, một điểm nhấn văn hóa đặc sắc trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025.
Dưới sự Chỉ đạo của Uỷ ban tổ chức Đại lễ Vesak 2025 và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN đã tâm huyết kiến tạo không gian này, mang đậm phong cách Thiền Trà Việt, với mong muốn gìn giữ bản sắc và lan tỏa tinh hoa trà Việt đến hơn 3.500 chư Tôn đức và đại biểu tham dự đại lễ.
Lễ khai mạc vinh dự đón tiếp chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN cùng những nghệ nhân trà đạo danh tiếng của Việt Nam. Từ ngày 3 đến ngày 8 tháng 5 năm 2025, không gian trà đạo sẽ mở cửa, chia thành hai giai đoạn phục vụ: giai đoạn đầu (3-5/5) dành cho đại biểu trong nước và giai đoạn sau (6-8/5) mở rộng đón tiếp cả đại biểu quốc tế.
Chương trình trà đạo được tổ chức với mục tiêu làm nổi bật sự đa dạng trong văn hóa thưởng trà Việt, từ nét văn hóa trà thuần túy, Thiền trà Phật giáo, đến văn hóa trà giao lưu, đồng thời trưng bày những cổ vật trà cụ quý giá từ thời Lý - Trần đến đương đại. Đặc biệt, triết lý "Ngũ Thức Việt Trà" của DOIDEP sẽ mang đến những trải nghiệm trà Việt phong phú, phù hợp với mọi tầng lớp trong xã hội.
Với tinh thần viên dung và đậm đà bản sắc, chương trình không chỉ gìn giữ và phát huy văn hóa Trà Việt Nam kết hợp tinh thần Phật giáo, mà còn minh chứng điều đó qua những cổ vật và tư liệu trà ngàn năm lịch sử. Thưởng trà tại đây là hành trình nuôi dưỡng sự tỉnh thức, giúp mỗi người an trú trong khoảnh khắc hiện tại, cảm nhận sự dung thông, tự tại giữa đạo và đời qua từng chén trà, từ giản dị, nhẹ nhàng đến sâu lắng, trầm mặc.
Đây còn là cơ hội quý báu để quảng bá văn hóa Trà Việt đến bạn bè quốc tế, giới thiệu sự phong phú, tinh tế của các dòng trà đặc sắc từ khắp mọi miền đất nước và sự đa dạng bản sắc văn hóa trà Việt.
Không gian trà đạo được thiết kế dựa trên tinh thần "Tỉnh Thức" của Phật giáo, mang đến một nơi nghỉ ngơi ngắn, thưởng trà và điểm tâm chay truyền thống trong khung cảnh trà thất Phật giáo thanh tịnh với gỗ, tre, ánh sáng dịu và âm thanh thiền. Nhân viên phục vụ khoác lên mình trang phục Phật giáo truyền thống (nâu cho nam, áo dài lam cho nữ) và trang phục đặc sắc của các vùng miền.
Du khách sẽ được thưởng thức những loại trà quý hiếm như trà cổ thụ ngàn năm tuổi, trà Tân Cương sao chế tại chỗ, cùng nhiều dòng trà đặc sắc khác, với hương vị nhẹ nhàng, thanh tao, được pha trong ấm gốm nhỏ và thưởng thức bằng chén quân trong không gian tĩnh lặng. Bên cạnh đó là những món điểm tâm chay truyền thống như bánh chưng chay, bánh ít lá gai, bánh khoái, bánh đậu xanh... và các thức uống nhẹ nhàng, kết hợp cùng hương vị thanh tao của trà cao cấp DOIDEP.
Chương trình còn có hoạt động "Trà đạo ngắn", nơi chư Tăng hoặc nghệ nhân sẽ thực hiện nghi thức pha trà chánh niệm và hướng dẫn đại biểu thưởng thức. Đặc biệt, một bộ phim tư liệu về quá trình hình thành và phát triển Trà Việt cũng sẽ được trình chiếu.
Không gian văn hóa trà giản dị, đậm chất Việt và Phật giáo, thể hiện sự trang nghiêm, tôn kính đối với Tam Bảo và sự trọng thị đối với đại biểu trong và ngoài nước, đồng thời thể hiện tinh thần "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người, Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững".
Chương trình năm nay quy tụ sự tham gia và thể hiện phong cách trà đạo đặc sắc của nhiều đơn vị như Trà Tân An + CLB Trà Ban VHPG TƯ, Học Viện Trà sư Quốc tế (Master Tea Global), Trà Song Hỷ, Trà Thiền Phật giáo + Vô Tứ Trà, Trà Đôi Dép, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm đa dạng về Trà Việt cho hơn 3.500 chư Tăng Ni và đại biểu, đậm đà tinh thần Phật giáo.
Sử dụng các dòng trà đặc thù của Việt Nam để tôn vinh bản sắc, kết hợp tinh thần Phật giáo, chương trình Trà đạo Việt Nam hứa hẹn góp phần quan trọng vào thành công chung của Đại lễ Vesak 2025, với sự cam kết thực hiện đầy trách nhiệm từ Tập đoàn DoiDep và các đơn vị đồng hành.
Xin giới thiệu chùm ảnh tại buổi lễ:
Cẩm Vân