TP.HCM: Chùa Pháp Tạng trang nghiêm tổ chức Đại lễ Phật đản PL.2569 - Vesak 2025

Nghe đọc bài:

PSO - Khi tiếng ve rộn rã vang lên giữa nắng vàng đầu hạ, cũng là lúc những đóa sen thanh khiết bắt đầu bung nở, lan tỏa hương thơm dịu mát như để cung đón một mùa Phật đản mới – mùa khánh đản của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni, bậc giác ngộ vĩ đại cách đây 2.649 năm.

Quang cảnh Đại lễ Phật đản

Trong bầu không khí linh thiêng ấy, chùa Pháp Tạng (tọa lạc tại C3/8 Lê Đình Chi, ấp 3, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản PL.2569 - DL.2025 và chuỗi hoạt động đặc biệt hướng về Vesak trong sự trang nghiêm và đầy đạo vị.

Các hoạt động tâm linh và từ thiện được diễn ra phong phú, gồm: nghi thức tắm Phật (Mộc Dục), lễ cúng Cửu Huyền Thất Tổ, cúng dường trai Tăng, nghi lễ phóng sanh, thuyết giảng Phật pháp, trao tặng quà cho người khiếm thị, người có hoàn cảnh khó khăn, học bổng, xe đạp tiếp sức đến trường và mái ấm tình thương, với tổng kinh phí thực hiện trên 373 triệu đồng.

Sau thời khắc an trú trong bữa cơm đạo vị, dưới sự hướng dẫn của chư Tôn đức, đại chúng cùng nhau tiến về dòng kênh xanh, cử hành nghi lễ phóng sanh – một hành động thể hiện lòng từ bi sâu sắc và sự tôn trọng mạng sống đối với muôn loài.

Nghi thức phóng sanh

Tiếp nối, hội chúng đồng vân tập về giảng đường Hiển Pháp để lắng nghe thời pháp thoại mang chủ đề “Có niềm tin là có tất cả” do Đại đức Thích Trí Huệ – Ủy viên Thường trực Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN, Trụ trì chùa Pháp Tạng, chia sẻ.

Đại đức Thích Trí Huệ chia sẻ thời pháp thoại mang chủ đề “Có niềm tin là có tất cả”

Trong lời pháp thoại đầy đạo vị, Đại đức khai thị rằng: giữa cuộc đời nhiều bất trắc, vô thường, niềm tin nơi Tam bảo chính là ngọn hải đăng soi rọi con đường trở về nẻo thiện. Dù sinh ra trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chỉ cần có niềm tin vững chãi vào giáo pháp của Đức Thế Tôn, thì nơi đó sẽ có ánh sáng, có lối đi, có hy vọng và sự chuyển hóa chân thật.

Đại đức nhấn mạnh, niềm tin không chỉ là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa giác ngộ, mà còn là năng lực nâng đỡ con người vượt qua khổ đau, sống thiện lành, yêu thương, tha thứ và hướng đến con đường giải thoát. Bởi khi tâm có niềm tin, mọi thiện hạnh mới khởi phát, mọi công đức mới có thể trổ quả.

Niềm kính tin ấy như được nở rộ trong mùa Đại lễ Vesak năm nay. Trước thềm Đại lễ, Việt Nam vinh dự được cung thỉnh Xá Lợi Đức Phật về gần bổn tự. Trong những giây phút thiêng liêng ấy, đại chúng đã thành tâm đảnh lễ Xá Lợi Phật – di vật thánh thiêng còn lưu lại sau khi Đức Thích Ca Mâu Ni nhập Niết bàn. Đó không chỉ là phúc duyên hy hữu, mà còn là lời nhắc nhở vô ngôn rằng: dù Phật đã diệt độ, nhưng Pháp thân Ngài vẫn hiện hữu nơi Xá Lợi, nơi từng lời kinh, tiếng kệ, và trong lòng tin thanh tịnh của người con Phật.

Đảnh lễ Xá lợi chính là đảnh lễ sự hiện hữu của Chánh pháp, là biểu hiện của niềm tin tuyệt đối vào con đường mà Đức Phật đã khai mở. Khi cúi đầu trước Xá Lợi bằng tất cả lòng thành kính, cũng là lúc chúng ta cúi xuống trước cái ngã của chính mình – để buông bỏ, để khiêm cung, để học hạnh Từ bi và trí tuệ mà Đức Thế Tôn đã thể hiện trọn đời.

Kết lại thời pháp thoại, Đại đức đã sách tấn đại chúng rằng: cho dù cuộc sống còn nhiều khổ lụy, nếu ta giữ gìn được một niềm tin trong sáng nơi Tam Bảo, sống đúng theo lời Phật dạy, thì ngay trong cõi đời ngũ trược này, ta vẫn có thể nếm được hương vị giải thoát và chuyển hóa chính mình.

Dịp này, đại chúng Phật tử đã phát tâm cúng dường trai Tăng với tất cả lòng thành kính. Nhân mùa An cư Kiết hạ sắp đến – ba tháng chư Tăng chuyên tu và thúc liễm thân tâm – đông đảo thiện nam tín nữ đã thành tâm sắm sửa phẩm vật dâng cúng, hộ trì Phật pháp và tạo duyên lành cho tự thân và gia đình.

Song song đó, những hoạt động từ thiện cũng tiếp tục lan tỏa. Chùa Pháp Tạng đã trao tặng 501 phần quà yêu thương đến bà con khiếm thị và hộ nghèo tại huyện Bình Chánh, Hội người mù các quận huyện và vùng phụ cận TP.HCM. Đồng thời, chương trình trao tặng xe đạp và 5 suất học bổng trị giá 5 triệu đồng mỗi suất đã tiếp bước đến trường cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã Hưng Long.

Mỗi phần quà bao gồm: 10 kg gạo, 1 thùng mì, dầu ăn, nước tương, đường, bánh, sữa, khẩu trang và phong bì tiền mặt, với tổng giá trị hơn 600.000 đồng/phần. Tổng kinh phí hỗ trợ trong dịp này lên đến 250 triệu đồng.

Ngoài ra, quỹ từ thiện chùa Pháp Tạng đã phối hợp cùng chính quyền địa phương trao tặng mái ấm tình thương cho bà Nguyễn Thị Duyên tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, với kinh phí xây dựng 48 triệu đồng. Cùng trong dịp này, 50 suất quà (60.000 đồng/suất) và 30 sổ bảo hiểm y tế (trị giá 30 triệu đồng mỗi suất) đã được trao tặng đến người dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Đại đức Thích Trí Huệ đã gửi lời động viên ân cần đến bà con, khuyến khích sống tích cực, nương nơi ánh sáng Phật pháp để chuyển hóa nghiệp duyên, vượt qua nghịch cảnh bằng tinh thần từ bi và kiên cường.

Trong không khí hoan hỷ ngày khánh đản, chương trình văn nghệ cúng dường được tổ chức tại giảng đường với nhiều tiết mục ý nghĩa, tán dương công hạnh Đức Phật, tạo sự gắn kết thân tình giữa đạo tràng và cộng đồng Phật tử tham dự.

Các tiết mục văn nghệ được cúng dường

Đại lễ Phật đản PL.2569 – Vesak 2025 tại chùa Pháp Tạng đã khép lại trong sự trang nghiêm, hoan hỷ và thấm đẫm đạo tình. Những nghi thức thiêng liêng đã kết thành những đóa sen nở rộ giữa mùa hạ, đem lại an lạc cho muôn người.

Đặc biệt, trong dịp lễ trọng đại này, chư Tăng và Phật tử còn có phúc duyên đảnh lễ Xá lợi Phật – thánh tích thiêng liêng, biểu tượng sống động cho sự thanh tịnh, giác ngộ và bất hoại của đạo quả Phật. Mỗi lần cúi mình đảnh lễ Xá lợi, không chỉ là biểu hiện của lòng tôn kính tuyệt đối, mà còn là cơ hội để thân tâm quy hướng Tam bảo, phát khởi lòng tin sâu sắc và gieo trồng nhân duyên giải thoát cho nhiều đời về sau.

Mùa Phật đản không chỉ là thời khắc tưởng niệm đấng Thầy giác ngộ, mà còn là dịp để mỗi người con Phật soi chiếu nội tâm, thắp sáng chí nguyện tu hành và nguyện sống đời tỉnh thức, đầy hiểu biết và yêu thương.

Nguyện ánh sáng Từ Quang của Đức Thế Tôn, qua biểu tượng Xá lợi thiêng liêng, sẽ tiếp tục soi rọi muôn phương, dẫn dắt chúng sinh vượt qua vô minh, sống an trú trong chánh niệm và cùng nhau kiến tạo một thế giới an lành, nơi ánh đạo vàng mãi hiện hữu trong từng hơi thở, từng bước chân của người học Phật.

Ban TT-TT chùa Pháp Tạng

Download Android Download iOS
Phật giáo Việt Nam - Hơn 2000 năm đồng hành cùng dân tộc

PSO - Phật giáo, từ khi du nhập vào Việt Nam hơn hai nghìn năm trước, đã không đơn thuần là một tôn giáo, mà còn là một dòng chảy tâm linh sâu lắng, gắn bó máu thịt với vận mệnh của dân tộc. Từ thời kỳ Bắc thuộc, trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn cho đến thời hiện đại, Phật giáo luôn hiện diện như một cội nguồn đạo đức, một sức mạnh tinh

Hà Nội: Cực Lạc Đường chùa Long Hưng – Lối về tâm linh trong nếp sống mai táng của Phật tử

PSO - Trong dòng chảy vô thường của kiếp người, ngày càng nhiều Phật tử không còn chọn an táng tại nghĩa trang, mà gửi tro cốt người thân về chùa – nơi an trú thanh tịnh dưới bóng Từ bi và tiếng kinh chiều sớm. Tại Hà Nội, Cực Lạc Đường chùa Long Hưng (Đông Anh) đang trở thành một mô hình mai táng tâm linh tiêu biểu, dung hòa giữa truyền thống Phật

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online