PSO - Trang nghiêm trong lễ Cầu siêu cố nhạc sĩ Lam Phương và người em rể. Nhằm noi gương hiếu hạnh của Tôn giả Đại Hiếu Mục Kiền Liên khi xưa về việc báo hiếu, lễ Cầu siêu cố nhạc sĩ Lam Phương và người em rể Lâm Tòng được tổ chức tại chùa Giác Ngộ vào sáng ngày 09/2/2021 (nhằm ngày 28 tháng Chạp năm Canh Tý).

Trong buổi lễ, TT.Thích Nhật Từ - Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Viện trưởng HVPGVN tại TP.HCM, trụ trì chùa Giác Ngộ có bài pháp thoại với chủ đề: “CHẾT VÀ TÁI SINH TRONG PHẬT GIÁO”. Qua đó, Thượng tọa chia sẻ gồm những điều cốt lõi trong Phật gia:
Thứ nhất, chết không phải là dấu chấm hết. Theo minh triết của Phật gia, sự sống của vạn vật trên thế gian này được tạo ra theo mối quan hệ nhân quả. Chết chỉ là sự kết thúc của một mắt xích trong chuỗi dài vô tận này. Nó được bắt đầu từ khi tâm thức rời khỏi thi thể thông qua sự chết, tiếp tục hình thành sự sống qua phôi thai trong cơ thể người mẹ và phát triển theo tiến trình tự nhiên. Tuy nhiên, không phải ai cũng cũng kết thúc theo tiến trình tự nhiên ấy, gồm: chết khi hết nghiệp, chết do hết tuổi thọ; chết do hoạnh tử.
Thứ hai, giá trị của kiếp người. Trong kinh Trung Bộ nói, đức Phật có chủ trương rằng dù nam hay nữ, họ đều có quyền được bình đẳng về nhân chủng học, pháp lý và đạo đức. Giá trị của kiếp người không nằm ở vị trí xã hội mà phải trở thành người hữu dụng. Theo Ngài, dù khác biệt về giới tính, màu da, sắc tộc nhưng nếu chúng ta biết nỗ lực tu tập thì ắt hẳn sẽ trở thành chân nhân, thậm chí là thánh nhân. Hơn thế nữa, đạo Phật là tôn giáo đầu tiên trên thế giới đề cao vai trò nữ tu, chấp nhận nữ nhân xuất gia tu học.
Tiếp theo chương trình, TT.Thích Nhật Tử cùng Tăng đoàn chùa Giác Ngộ tụng kinh “TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ CỦA BẬC ĐẠI NHÂN” và cúng dường trai tăng cầu siêu cố nhạc sĩ Lam Phương (PD: Ngộ Trí Nhân) và người em rể Lâm Tòng (PD: Ngộ Trí Sơn).

Được biết, cố nhạc sĩ “chiều thu ấy” đã trút hơi thở cuối cùng vào chiều ngày 22-12 tại thành phố Fountain Valley, bang California (được tính theo giờ địa phương). Hưởng thọ 83 tuổi.
Năm 1955, Lam Phương tung loạt ca khúc viết về quê hương, trong đó nổi tiếng nhất là Khúc ca ngày mùa. Năm 1959 ông kết hôn với diễn viên kịch Túy Hồng. Bối cảnh sinh hoạt văn hóa Sài Gòn từ những năm 1960 hun đúc tài năng ông qua nhiều tình khúc. Từ đó, nhạc sĩ Lam Phương dần thoát kiếp nghèo của đời nhập cư, gia nhập vào làng nhạc, sân khấu kịch nghệ và tỏa sáng.
Âm nhạc của Lam Phương cũng được sử dụng trong các vở kịch và phát trên truyền hình. Ông là nhạc sĩ tiêu biểu và có hàng trăm ca khúc của Sài Gòn những năm 1954-1975. Ông sáng tác khoảng 217 ca khúc, trong đó, có nhiều ca khúc bất hủ đến ngày nay. Năm 1975, cố nhạc sĩ đã cùng gia đình sang Mỹ định cư. Về sau, ông có thời gian sống ở Pháp trước khi trở lại Mỹ và sống đến cuối đời.

Trong nền âm nhạc Việt Nam hiện nay, âm nhạc của Lam Phương vẫn có sức lan tỏa mạnh mẽ khi các ca sĩ thế hệ sau yêu mến, hát nhạc của ông và yêu thích lối sống, phong cách của ông.
Đồng thời, chư Tăng chùa Giác Ngộ cũng đã cầu nguyện cho cụ ông Lâm Tòng- pháp danh Ngộ Trí Sơn, là người em rể của cố NS Lam Phương, cụ ông là chồng của Cô Bảy - em gái Út của NS Lam Phương, người đã chăm sóc cậu chúng con trong suốt 21 năm cuối đời. Nguyện cầu cụ ông Lâm Tòng, cũng nương nhờ nơi công đức này siêu sinh tịnh độ.


Ngộ Nguyên Quang