PSO - Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 352 phát hành vào trung tuần tháng 9 sẽ chào đón quý độc giả trong khúc giao mùa của nắng thu vàng và những cơn mưa bất chợt mát lành hòa trong giai điệu tháng chín rộn ràng, náo nức của gần 23 triệu học sinh cả nước hân hoan đón chào năm học mới. Trong số báo này, Tạp chí Văn hóa Phật giáo hường về Chủ đề trọng tâm: “Phật giáo ươm mầm Tri thức và Đạo đức” để hòa nhịp đồng hành cùng thế hệ tương lai của đất nước: “Chào mừng năm học mới 2020 – 2021!”
Năm học 2020 - 2021 được Khai giảng trong trạng thái “Bình thường mới” khi đại dịch Covid vẫn còn diễn biến phức tạp. Đây cũng là năm học được ngành Giáo dục đề ra việc thực hiện mục tiêu kép “Vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả và an toàn vừa đảm bảo Dạy tốt và Học tốt!” Cũng trong năm học này Chương trình “Giáo dục Phổ thông mới” sẽ được bắt đầu triển khai với các em học sinh lớp 1 đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách đổi mới căn bản và toàn diện về Giáo dục và Đào tạo, triển khai Luật Giáo dục năm 2019 trong đó mục tiêu giáo dục là đào tạo học sinh trở thành con người Việt Nam mới phát triển toàn diện về đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ, kỹ năng sống và nghề nghiệp để xứng đáng là thế hệ kế thừa trong tương lai. Trong đó việc giáo dục đạo đức luôn được đặt lên hàng đầu. Nhân mùa Khai giảng năm học mới, trong số báo 352 phát hành ngày 15/9/2020, dưới góc nhìn Phật giáo về các giá trị nhân bản của lòng Từ bi và ánh sáng Trí tuệ, tình yêu thương con người trên tinh thần nhập thế với tâm nguyện và lẽ sống “Tốt đạo – Đẹp đời”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo đã chọn đăng các bài viết hay có giá trị định hướng về giáo dục, đặc biệt đề cao vai trò then chốt của việc giáo dục đạo đức, bồi dưỡng nhận thức về các chuẩn mực xã hội trong quá trình định hình, phát huy những phẩm chất cần thiết góp phần hình thành nhân cách, đạo đức và lý tưởng sống cho thế hệ trẻ hôm nay.
Trước tiên, Bản tin Phật sự Online “Tiêu điểm tháng 9 - Chào Tháng 9 – Vui đón mùa Tựu trường – Ươm mầm Tri thức và Đạo đức” trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc toàn văn “Thư Tòa soạn” mở đầu cho chuyên trang Tạp chí Văn hóa Phật số 352:
Kính thưa quý độc giả!
Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 352 đến với quý độc giả trong không khí náo nức của mùa tựu trường, khi gần 23 triệu học sinh phấn khởi bước vào năm học mới (2020-2021). Vì vậy, tòa soạn lựa chọn chủ đề “Phật giáo với Tri thức và Đạo đức” để gửi đến Quý độc giả thông qua số báo mới này.
Thưa quý độc giả, một xã hội tương kính sẽ được xây dựng dựa trên cơ sở mỗi người biết gìn giữ phẩm hạnh trong từng hành vi ứng xử. Sự hình thành và phát triển của nhân cách mỗi người là thước đo, đồng thời cũng là nền tảng của hệ thống giáo dục nước nhà. Trong đó, sự đóng góp của nền giáo dục Phật giáo, một Tôn giáo lớn đã hòa chung trong dòng chảy cùng lịch sử dân tộc từ hàng nghìn năm nay là vô cùng to lớn. Trước tình trạng xuống cấp về đạo đức của một bộ phận giới trẻ mà nhất là lứa tuổi học sinh hiện nay, khiến cho toàn xã hội phải trăn trở: “Trách nhiệm này thuộc về ai? Nhà trường, gia đình hay xã hội? Đâu là kế sách được ưu tiên hàng đầu?”
Đạo đức Phật giáo với nền tư tưởng minh triết, xây dựng cho nhân loại một đời sống hướng thiện nhằm nhận diện được hạnh phúc thực tại, sẽ gợi mở nhiều giải pháp thiết thực cho vấn đề này. Phật giáo dạy đạo đức cho thanh thiếu niên chính là nhằm định hướng cho các em tự ý thức đâu là thiện, đâu là bất thiện, để chính bản thân các em tự chọn lấy điều tốt và xa lánh điều không tốt. Giáo dục đạo đức là biện pháp hữu hiệu và căn cơ nhất, còn những việc cấm đoán, trừng phạt chỉ là biện pháp nhất thời có thể ngăn chặn cái xấu ngay lúc ấy nhưng không thể giúp các em tự mình chọn lựa con đường đạo đức tốt đẹp, lâu dài. Trên tinh thần đó, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng chúc mừng niềm hân hoan, háo hức của quý phụ huynh cùng gần 23 triệu học sinh cả nước trước thềm năm học mới, đồng thời cũng chia sẻ nỗi trăn trở về vấn đề đạo đức học sinh hiện nay với mong ước rằng nhà trường, gia đình và xã hội nhận thức rõ trọng trách của mình trong sự nghiệp giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ hôm nay, giúp các em hoàn thiện nhân cách và phẩm hạnh, rèn đức luyện tài để xứng đáng là thế hệ kế thừa tiếp nối sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam giàu đẹp trong tương lai.
Trân trọng kính chào quý độc giả! (TC VHPG số 352)
Trong số này, chuyên trang Tạp chí VHPG với chủ đề: “Ươm mầm Đạo đức – Vun bồi Tri thức – Rèn luyện Kỹ năng sống – Sáng tạo và Cống hiến” đã nhận được sự quan tâm của quý đọc giả với các bài viết đầy tâm huyết. Bài văn chính luận: “Đạo đức và Tri thức thời hội nhập 4.0” của Thượng Tọa Thích Phước Đạt đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của sự học với “Vấn đề đầu tư trí tuệ trên cơ cở của nền tảng đạo đức Phật giáo”. Thượng tọa đã khẳng định rằng: “Thành tựu của nền kỹ nghệ trong thời đại bùng nổ thông tin toàn cầu khiến cho vấn đề đầu tư trí tuệ trở thành vấn đề cấp thiết của mỗi người, nếu muốn hòa nhập vào dòng chảy văn minh nhân loại. Đây chính là con đường thăng tiến nội tâm và khai mở trí tuệ mà đại chúng phải tiếp cận lẫn nỗ lực để an trú trong hạnh phúc và thiện lạc giữa bối cảnh hội nhập toàn cầu của thời đại 4.0.”
Bài văn chính luận sâu sắc với cách lập luận chặt chẽ thấu lẽ đạo đời của Thượng tọa vừa gợi mở nhận thức vừa định hướng tầm nhìn cho thế hệ trẻ thấy rõ điều kiện cần và đủ trong việc tích lũy “khai phóng tri thức” và “vun bồi rèn luyện đạo đức” trong quá trình học tập và rèn luyện bản thân: Nếu như: “Tri thức là nguồn động lực của sự tăng trưởng kinh tế, những cống hiến của tri thức và kỹ thuật đóng góp ngày càng lớn đối với sự tăng trưởng kinh tế. Đầu tư trí tuệ (Tri thức khai phóng và nhân cách hoàn thiện) đã trở thành vai trò quyết định cho con đường thăng tiến dẫn đến một đời sống thăng hoa vật chất lẫn tinh thần của mỗi cá thể” thì: “Nền tảng đạo đức Phật giáo mỗi khi được vận hành cùng với tri thức khai phóng sẽ góp phần làm cho mỗi con người cá nhân thăng tiến, xã hội phát triển, quốc gia hưng thịnh, nhân loại chung sống hòa bình. Đạo đức Phật giáo được thiết lập trên nền tảng việc thực hành những lời Phật dạy ghi trong kinh điển. Nền đạo đức đó được cụ thể hóa cho mỗi cá nhân thực thi qua những giới điều cụ thể mà mình thọ lãnh như là những nguyên tắc chuẩn mực thiết lập đời sống thăng tiến đạo đức và cội rễ để phát triển trí tuệ.” Và như vậy, Phật giáo đã thực sự đóng góp cho cuộc đời về lý tưởng cuộc sống, và ý nghĩa giá trị đích thực của cuộc đời mà mỗi người tự mình suy ngẫm, tự mình chứng đạt và tự mình thể hiện sự thành tựu trí tuệ đích thực.” Thượng tọa Thích Nhật Từ đã có lời huấn thị ân cần thiết thương trong bài viết “Lời khuyên từ cửa Thiền cho mùa tựu trường giữa đại dịch COVID – 19”. Đó là lời nhắc nhở động viên của Thượng tọa đối với các bậc phụ huynh học sinh bằng cả tấm lòng cảm thông và chia sẻ: “Cha mẹ cần làm gì trong mùa tựu trường? Đại dịch Covid-19 đã tàn phá nền kinh tế thế giới, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa và tôn giáo. Trong suốt 8 tháng qua, đại dịch Covid -19 đã làm phá sản hàng trăm triệu doanh nghiệp trên toàn cầu, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế thế giới, Việt Nam và mọi gia đình.” Hơn bao giờ hết, thái độ trách nhiệm, sự quan tâm sâu sát và gần gũi gắn bó của các bậc làm cha mẹ dành cho con cái trong giai đoạn khó khăn hậu Covid này là rất cần thiết. Tất cả phải vì “Tương lai và hạnh phúc của con em”. Thiết thực nhất là phụ huynh động viên con em đến trường. Mùa nghỉ hè năm nay ngắn hơn 1 tháng cũng khiến nhiều học sinh chật vật sau mùa thi cử, với mấy tháng học online. Rất nhiều học sinh chưa quen với học online, thay vì vào các phần mềm như Zoom do trường ấn định để theo dõi bài giảng và tương tác online với thầy cô giáo thì lại nhảy sang các trang web game điện tử hoặc xem phim, nghe nhạc, đọc tin tức. Các khó khăn “mỗi nhà mỗi cảnh” không nên trở thành cản trở lực đối với việc cha mẹ chăm sóc con em tại nhà. Nghĩa là phụ huynh phải cùng học với con em, cùng tựu trường với con em kết hợp với biện pháp rèn luyện sức khỏe là “Thở thiền chánh niệm” nhằm giúp các bạn tăng cường sức khỏe thể chất, còn giúp các bạn cải thiện sức khỏe cảm xúc, giải phóng mọi lo lắng, căng thẳng và bất an. Hít thở thiền chánh niệm giúp các bạn trở nên lạc quan, yêu đời. Làm phụ huynh có thực tập thiền chánh niệm, các bạn trở thành nguồn năng lượng tích cực cho con em của các bạn tại nhà. Khi cha mẹ đồng hành với việc học của con em tại nhà thì kết quả học tập chắc chắn được cải thiện tốt”. Có thể nói rằng, bài học vỡ lòng đầu tiên trong tuổi thơ mỗi chúng ta chính là: “Tiên học lễ - Hậu học văn”. Từ đó mà khai mở cho những quy tắc ứng xử ban đầu trong nhà trường như “Kính Thầy – Mến Bạn”, trong đó lòng hiếu thảo, tình yêu thương con người, nghĩa tình đồng bào và lòng biết ơn là bài học nằm lòng của tuổi học trò: “”Hiếu nghĩa vi tiên” – “Thương người như thể thương thân” - “Chị ngã em nâng” - “Uống nước nhớ nguồn” - “Không thầy đố mày làm nên”. Tri thức khai phóng của con người không phải tự nhiên mà có, đó là cả quá trình học tập và rèn luyện, tích lũy của bản thân trong một không gian và thời gian suốt cả một đời người.
Trong bài viết “Đưa Thiền đến với trí thức và giới trẻ” của tác giả Dương Hoàng Lộc đã gợi ý thêm một giải pháp hữu ích, tích cực cho lớp trẻ hôm nay trong việc dưỡng tâm và sống chậm lại giữa bộn bề căng thẳng của nhịp sống thời kỳ công nghệ số: “Đưa thiền đến với sinh viên là một hành trình cần sự chung tay của các nhà quản lý giáo dục, những vị tu sĩ Phật giáo có am hiểu sâu về thiền học lẫn kiến thức tâm lý xã hội cũng như tiếng nói của truyền thông. Cần khẳng định rằng thiền rất cần thiết, hữu ích cho xã hội nói chung và giới trẻ nói riêng. Đây là liệu pháp quan trọng giúp họ ổn định tinh thần vượt qua mỗi khi gặp thử thách, khó khăn trong cuộc sống, biết dẹp bỏ tự ngã, đồng thời là nền tảng tạo ra những cảm xúc, suy nghĩ tích cực hướng đến hoàn thiện đạo đức bản thân trên nền tảng giá trị trách nhiệm, yêu thương và chia sẻ, qua đó góp phần định hình những nhân cách tốt đẹp ở thế hệ tri thức trẻ, những tài năng tương lai của đất nước”.
Bản tin “Tiêu điểm tháng 9” vẫn còn âm vọng trong tháng 7 với mùa Đại lễ Vu Lan Báo hiếu PL. 2564 – DL 2020, xin phép kính gửi đến quý vị độc giả trích dẫn lời dạy của Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm trong Bài viết “Quan niệm về Báo Hiếu của thế gian và Phật giáo” trong khóa tu tại chùa Bằng - Linh Tiên tự: “Ai trong chúng ta cũng phải có tổ tiên, chim phải có tổ, người phải có tông, uống nước phải nhớ nguồn. Giữ gìn cội nguồn, từ cội nguồn mới có mình. Cây phải có gốc, có gốc mới trổ cành, sinh ngọn, phải giữ gìn. Nhưng sự gìn giữ và thực hiện Hiếu đạo của thế gian và của Phật Pháp vẫn có điều khác. Mong rằng những ai là đệ tử Phật, tin theo Phật phải biết ăn chay, giữ gìn giới. Có một số người bây giờ có thể không đi chùa nhưng họ vẫn ăn chay mỗi tháng vài ngày. Đó là họ cũng đang tịnh hóa, thanh lọc thân tâm, họ biết được tác dụng của việc ăn chay, sự nguy hại của việc ăn nhiều động vật và cũng tin về sự tội phúc sát hại. Ông bà ta ngày xưa cũng khuyên mọi người đừng sát sinh… Từ những phân tích đó, mong rằng mọi người hướng về một mùa Vu-lan thật thanh khiết, thật tao nhã, thật ý nghĩa để hướng tới báo đáp cha mẹ hiện tại, cha mẹ, ông bà, tổ tiên quá vãng. Hồi hướng công đức phước báo lên hai đấng sinh thành. Còn trong đạo Phật thì rộng hơn, báo đáp bốn ân, cho cả Pháp giới. Chữ Hiếu của Phật giáo nó rộng lớn và có ý nghĩa cao cả là vậy.”
Kính mời quý độc giả thân thiết cùng đón đọc số báo 352 Tạp chí Văn hóa Phật giáo phát hành ngày 15/9/2020 để cùng nhau suy ngẫm về tri thức và đạo đức Phật giáo nhân mùa tựu trường.
Nguyễn Kiều Phượng