Tưởng niệm 10 năm ngày viên tịch Trưởng lão Hòa thượng Minh Châu, Phó Pháp Chủ HĐCM; Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Viện trưởng sáng lập Học viện PGVN và Viện nghiên cứu PHVN. Trung ương GHPGVN, môn phái Tổ đình Tưởng Vân đã trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm, sáng ngày 14-8 (17-7 Nhâm Dần), tại Thiền viện Vạn Hạnh, quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Quang lâm chứng minh có: Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó Thư ký HĐCM; Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh, Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Tín, đồng thành viên HĐCM; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS; Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch TT HĐTS, Trưởng Ban Tăng sự Trung ương; Hòa thượng Thích Giác Toàn, Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Hòa thượng Thích Thiện Tánh, đồng Phó Chủ tịch HĐTS; cùng chư Tôn đức giáo phẩm Ban Thường trực HĐTS, HĐTS, Ban viện Trung ương, Ban Trị sự PG TP.HCM; môn phái Tổ đình Tường Vân (Huế).
Đến tham dự có đại diện các cấp Chính quyền Thành phố, quận Phú Nhuận, phường sở tại và môn đồ pháp quyến, đông đảo Tăng Ni, Phật tử các nơi cùng hiện diện tại lễ tưởng niệm.
Sau khi cung nghinh chư Tôn đức quang lâm Giác linh đường, tuyên bố lý do và giới thiệu chư Tôn đức chứng minh. Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu PHVN, cung tuyên tiểu sử. Qua đó ôn lại cuộc đời và đạo nghiệp vàng son của Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, trong 95 năm thị hiện cõi ta bà, trải qua 64 mùa an cư trong chốn thiền môn.
Trong không gian trang nghiêm thanh tịnh, trước Giác linh cố Trưởng lão Hòa thượng, thay mặt Trung ương Giáo hội, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN, kính cẩn dâng lời tưởng niệm tri ân công đức cao dày của Ngài - bậc mô phạm, trí tuệ viên dung, tòng lâm thạch trụ của PGVN.
“Thế hệ Tăng Ni, Phật tử hôm nay và mai sau là những người thừa hưởng sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam, thừa hưởng sự nghiệp văn hóa, giáo dục to lớn mà Trưởng lão Hòa thượng đã trọn đời góp công, góp sức làm nên và để lại cho Giáo hội, xã hội như ngày hôm nay. Quả thật: “Công ai đổ xuống đất này. Cho hoa Đạo pháp ngày ngày thêm tươi”. Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ luôn luôn tiếp tục phát triển ở chiều rộng lẫn chiều sâu bằng cách sống, bằng hành động, vì Đạo pháp và Dân tộc phục vụ không biết mõi mệt trên lộ trình thi hành Phật sự”, Hòa thượng Chủ tịch bày tỏ trong lời tưởng niệm.
Trước linh đài khói hương nghi ngút, đèn Bát nhã lung linh, chư Tôn đức HĐCM, HĐTS, Tăng Ni, Phật tử đã đốt nén tâm hương với lòng thành kính, dâng lên cúng dường và đảnh lễ Giác linh Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, tưởng niệm 10 năm ngày viên tịch.
Đồng ngưỡng nguyện Giác linh Ngài cự tại thế giới vô tung bất diệt, xin chứng minh gia hộ cho Đạo pháp xương minh, Tăng già hòa hợp, Đất nước thanh bình, Giáo hội trang nghiêm.
Dịp này, Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM đã công bố quyết định bổ nhiệm trụ trì thiền viện Vạn Hạnh đến Thượng tọa Thích Tâm Minh. Để từ đây, Thiền viện đã có người trụ trì với đầy đủ pháp nhân và pháp lý, tiếp tục kế thừa di nguyện của cố Trưởng lão Hòa thượng khai sơn, làm cho tông phong vĩnh chấn, tổ ấn trùng quang.
Thượng tọa Thích Tâm Minh phát nguyện thừa hành Phật sự để báo đáp ân đức Thầy tổ truyền trao, tình cảm chư Tôn đức chứng minh, sự tin tưởng của huynh độ tông môn.
Theo đó, Hòa thượng Thích Chơn Hương đại diện cho môn phái Tường Vân có huấn từ gởi gắm trách nhiệm đến Thượng tọa tân Trụ trì.
Thay mặt Trung ương Giáo hội, Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Tín ban lời đạo từ sách tấn, mong rằng với cương vị Trụ trì thiền viện Vạn Hạnh, Thượng tọa Thích Tâm Minh sẽ kế thừa và phát huy những công đức mà cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu đã để lại, tiếp tục truyền bá chánh pháp, phụng sự nhân sinh.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, họ Đinh, húy Văn Nam, là đệ tử của cố Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Đệ nhất Tăng thống GHPGVNTN, pháp danh Tâm Trí, tự Minh Châu, pháp hiệu Viên Dung, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1918 (Mậu Ngọ) tại làng Kim Thành (Quảng Nam); nguyên quán làng Kim Khê, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Ngài là một danh Tăng của Phật giáo Việt Nam được thế giới hết lòng kính mộ, làm gạch nối, nhịp cầu giữa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo các nước. Qua những công hạnh kỳ vĩ, sự nghiệp to lớn, kho Tam tạng Phật giáo Nguyên thủy mà Hòa thượng đã dày công phiên dịch là cơ sở cho cho Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam nghiên cứu, tham học, trở về nguồn giáo lý như lời Phật dạy. Ngài đã có công lớn trong việc xây dựng Gia đình Phật tử Việt Nam; là bậc Thầy trong công tác Giáo dục của Phật giáo Việt Nam, nhà Giáo dục mô phạm cho mọi thời đại, đào tạo được nhiều thế hệ Tăng Ni tài đức, Phật tử hữu danh hiện đang phục vụ các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương.
Trải qua nhiều nhiệm kỳ, hơn 60 năm hoạt động, qua các thời kỳ khác nhau của lịch sử và xã hội, Trưởng lão Hòa thượng đã có những cống hiến cao quý, là một trong những Trưởng lão Hòa thượng lãnh đạo cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có những quyết sách, chiến lược tầm cở lâu dài, hoạch định chương trình hoạt động Phật sự mang tầm vóc quốc gia và quốc tế, tích cực tham gia vào việc xây dựng và phát triển đất nước, kế thừa truyền thống 2.000 lịch sử Phật.
Theo lý vô thường có sinh có diệt, ngày 17/7 Nhâm Thìn – 2022, Trưởng lão Hòa thượng thâu thần tịch diệt tại thiền viện Vạn Hạnh, trụ thế 95 năm, với 64 hạ lạp. Song hành trạng, công đức và đạo hạnh của Trưởng lão Hòa thượng vẫn còn sống mãi trong tâm tư, trong ký ức của Tăng Ni, Phật tử, các cấp Giáo hội, Môn đồ đệ tử và Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, nhất là trang sử vàng son của Phật giáo Việt Nam thời hiện tại.
Đăng Huy