PSO - Sáng ngày 1/12/2024 (nhằm ngày 1/11 năm Giáp Thìn), tại trụ sở Ban Trị sự GHPGVN TP. HCM - Việt Nam Quốc Tự (quận 10) BTS Phật giáo Thành phố đã trang nghiêm tổ chức Đại lễ tưởng niệm 716 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.
Quang lâm chứng minh có Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ GHPGVN; Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM; Trưởng lão Hòa thượng Thích Như Niệm, Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông đồng Phó Thư ký HĐCM; cùng chư Tôn đức Giáo phẩm Ủy viên Thường trực HĐCM; Hòa thượng Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Tăng sự TƯ; chư Tôn đức Chứng minh BTS Phật giáo Thành phố; Hòa thượng Thích Lệ Trang, Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng ban Nghi lễ Trung ương, Trưởng BTS Phật giáo Thành phố; chư Tôn đức Thành viên BTS Phật giáo Thành phố; đại diện các ban chuyên môn, 21 BTS GHPGVN quận, huyện và Tp.Thủ Đức; cùng quý Tăng Ni, Phật tử tham dự.
Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Lệ Trang cung tuyên tiểu sử Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông. Theo đó, Phật hoàng Trần Nhân Tông, húy là Trần Khâm, sinh năm 1258, là con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Ngài được vua cha lập làm Hoàng Thái tử năm 16 tuổi, tinh thông Tam giáo (Nho, Phật, Lão), đặc biệt học đạo với Tuệ Trung Thượng sĩ và ngộ chân lý thiền tông.
Năm 1278, Trần Nhân Tông lên ngôi vua, hiệu là Hiếu Hoàng. Ngài lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần đánh bại giặc Nguyên-Mông (1285, 1288), mang lại thái bình thịnh trị. Năm 1293, Ngài nhường ngôi cho con, trở thành Thái Thượng hoàng.
Năm 1299, Ngài xuất gia tại Yên Tử, lấy hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm với tư tưởng nhập thế “Cư trần lạc đạo.” Ngài thống nhất ba dòng thiền lớn và truyền bá Phật giáo khắp Đại Việt, xây dựng mối quan hệ hòa bình với các nước lân bang.
Năm 1308, Ngài viên tịch tại am Ngọa Vân, Yên Tử, để lại hệ thống tư tưởng và các tác phẩm kinh điển quý báu như Thạch Thất Mỵ Ngữ, Trần Nhân Tông Thi Tập. Ngài được tôn xưng là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật, biểu tượng hài hòa giữa đạo và đời trong lịch sử dân tộc.
Trong giờ phút thiêng liêng, dưới sự dẫn lễ của Thượng tọa Thích Quảng Chơn, Trưởng ban Nghi lễ Phật giáo Thành phố, chư Tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS, BTS Phật giáo thành phố đã thành kính niệm hương, đảnh lễ, tưởng niệm, tri ân, đồng nhất tâm tụng niệm Bát nhã Tâm kinh cúng dường Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị Phật của Việt Nam đã kiến tạo nền móng cho sự phát triển của GHPGVN ngày nay.
Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Tổ chức khóa huân tu PL.2568 tại Việt Nam Quốc Tự cùng toàn thể chư Tăng Ni hiện diện đã thành kính đối trước Đức Pháp chủ nhất tâm cung thỉnh Ngài ban lời khai thị đến toàn thể đại chúng.
Đức Pháp chủ đã có lời động viên, nhắn nhủ đến chư Tăng Ni. Theo đó, Ngài nhắc lại lịch sử quá trình hành đạo của Đức Phật. Qua đó, tinh thần của Đức Phật hoàng được chắc lọc từ những tinh hoa của Đức Phật, Tổ Huệ Năng cùng phát huy sự chứng ngộ, thấy, biết với tâm sáng trong của Ngài. Để toàn thể Tăng Ni lấy đó làm bài học để đưa vào trong đời sống tu học của mình để duy trì và xiển dương Chánh pháp.
Đức Pháp chủ nhắc nhở chư Tăng Ni phải luôn chuyên tâm tu học, bởi chính sự tu học là tiền đề để bản thân mỗi vị xuất gia có được nội lực nhằm nhiếp phục hoàn cảnh, thu phục được lòng người.
“Một người xuất gia, thân tu mà tâm không tu thì cũng vô nghĩa. Ngược lại, nếu một người xuất gia mà thân tu và tâm cũng tu thì tự bản thân người đó sẽ có đủ khả năng để nhiếp phục lòng người, thậm chí khiến cho những sự chống đối cũng có thể được hóa giải. Từ đó, mới có thể xiển dương được Chánh pháp”.
Tại Đại lễ tưởng niệm, thay mặt Ban Tổ chức, Hòa thượng Danh Lung - Uỷ viên Thư ký HĐTS, Phó BTS Phật giáo Thành phố đã phát biểu cảm tạ.
Lâm Huy