PSO - Sáng ngày 25/4/2023 (6/3 năm Quý Mão), nhận lời kiền thỉnh của ban Tổ chức khóa Bồi dưỡng Luật tạng do Phân ban Ni giới Trung ương tổ chức; Thượng tọa Thích Tiến Đạt - UVTT HĐTS, Phó viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Tư liệu Phật học Việt Nam đã quang lâm về chùa Vĩnh Nghiêm thuyết giảng đến chư Ni tham dự Khóa học.
Khóa Bồi dưỡng Luật tạng chuyên đề về “Các pháp Yết-ma và Nghi thức Thiền môn” do Phân ban Ni giới (PBNG) Trung ương GHPGVN tổ chức trong 2 ngày tại chùa Vĩnh Nghiêm (số 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, Q3, TP.Hồ Chí Minh), nhằm thống nhất cách thức Truyền giới cho chư Ni tại các tỉnh thành trên đất nước Việt Nam.
Đến với hơn 400 chư Tôn đức Ni đại diện PBNG Trung ương và các tỉnh thành lần này, Thượng tọa Thích Tiến Đạt chia sẻ về đề tài “Bản chất của pháp Yết-ma”.
Luật học không ngoài Chỉ trì và Tác trì, chỉ trì nghiên về khoa giáo, tác trì nghiên về yết-ma. “Tỳ-ni tạng trụ Phật pháp cữu trụ”, Giới luật có vị trị ngang bằng với Phật.
Phật pháp tồn tại có 5 yếu tố:
- Tạng Tỳ-ni là đại sư,
- Nhiều Tỳ kheo hoặc ít nhất 5 vị Tỳ kheo trì luật như pháp. Vì có người trì luật mới có người truyền giới đúng pháp và khiến cho giới tử đắc giới.
- 10 vị Tỳ kheo như pháp truyền giới.
- Do các tỳ kheo thọ giới.
Thượng tọa dành thời gian chia sẻ nhiều về giá trị và cách thức tác pháp yết-ma.
Pháp yết ma có 03 giai đoạn: Gia hành, Căn bản Nghiệp đạo và Hậu khởi.
Yết-ma còn có thể hiểu là “Nghiệp”. Vì vậy pháp Yết-ma thành tựu không có nghĩa là dừng lại sau khi kết thúc Giới đàn mà nó theo một vị Tỳ kheo như pháp đến khi kết thúc thọ mạng.
Có 7 trường hợp làm cho Yết-ma không thành “Phi tướng yết ma”. Dấu hiệu cho biết yết ma không thành tựu căn cứ trên hai điểm là nhân và pháp. Nhân là tư cách và túc số; Pháp là quy tắc tác pháp. Từ hai yếu tố đó mà có bảy phi tướng yết ma. a. Phi pháp phi tỳ ni. Sai cách thức, sai số lượng. Phi pháp: nghĩa là yết ma đáng Đơn bạch lại Bạch nhị… hoặc yết ma không theo thứ thứ (yết ma trước bạch sau, hoặc không đúng cách thức (Bạch chứ không yết ma). Phi tỳ ni: Tăng không đủ túc số để tác pháp. b. Phi pháp biệt chúng. Phi pháp như trên. Biệt chúng, nghĩa là Tăng không hòa hợp; như ở trong trụ xứ vắng mặt nhưng không như pháp gởi dục; hoặc trong giới trường mà kẻ đứng người ngồi. c. Phi pháp hòa hợp. Tăng hòa hợp, người vắng mặt gởi dục, nhưng tác pháp yết ma không đúng quy cách. d. Như pháp biệt chúng. Yết ma như pháp nhưng Tăng không hòa hợp; người ở trong trụ xứ vắng mặt, không như pháp gởi dục. e. Pháp tương tợ biệt chúng. Các loại yết ma Đơn bạch; Bạch nhị; Bạch tứ đều đúng theo tầm quan trọng của Tăng sự, nhưng tác pháp thì không đúng quy cách (yết ma trước rồi bạch sau); biệt chúng như trên. f. Pháp tương tự hòa hợp. Tăng hòa hợp (người vắng mặt như pháp gởi dục); pháp tương tợ như điều e. g. Giá bất chỉ yết ma. Yết ma bị ngăn cản đúng pháp, nghĩa là người ngăn đủ tư cách để ngăn và ngăn đúng pháp, nhưng Tăng vẫn tiến hành tác pháp. Như vậy, nếu phạm vào một trong bảy phi tướng kể trên thì yết ma bất thành, quyết định của Tăng không có hiệu lực. Nói tóm lại, yết ma là dấu hiệu cho thấy sự tồn tại hay dấu hiệu tan rã của Tăng. Vì tính chất quan trọng như vậy, nên việc nghiên cứu các pháp yết ma đối với Tỳ kheo là cực kỳ thiết yếu.
Trong Giới đàn, bảy vị Tôn chứng phải thật sự minh bạch, rành rẽ về các pháp yết ma để thực hành cho đúng pháp. Vị giới sư phải hội đủ thanh tịnh về thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.
Nhiều vị không hiểu luật đã xem nhẹ tư cách của bảy vị Tôn chứng sư trong yết ma truyền giới. Yết ma có thành tựu hay không, giới tử có đắc giới trong khoảnh khắc “bạch tứ yết-ma” hay không là do bảy vị Tôn chứng này. Bảy vị ấy phải nhất loạt đáp “Thành” hoặc “Không thành” khi ba lần được hỏi. Giả như có một vị không đáp thì yết ma ấy không thành tựu, tất nhiên việc đắc giới của giới tử cũng không thành.
Trong một Giới đàn khi thiết trí cho các vị Giới sư phải tương đồng, cùng ngồi, cùng đứng; có thể giao tiếp, tương tác với nhau qua thân, khẩu và ý. Pháp yết ma thành tựu có 04 điều kiện: Nhân, pháp, túc số và xứ.
Thầy Giáo thọ và thầy Yết ma cũng như bảy vị Tôn chứng phải hội đủ giới đức và rành mạch về tác trì; có như vậy mới làm cho Giới tử đắc giới. Sức mạnh của pháp yết ma sẽ làm cho giới tử đắc giới thể - là một trong 4 Giới của vị Giới tử: giới pháp, giới thể, giới tướng và giới hạnh.
Điều căn bản là người cầu thọ giới (Giới tử) phải hội đủ 05 điều kiện căn bản cần cầu thọ giới: Là loài người, đầy đủ các căn, thân thanh tịnh, đầy đủ các tướng xuất gia, đã được một phần giới pháp (nếu thọ Tỳ kheo, Tỳ kheo ni thì phải đã thọ giới Sa di, Sa di ni,...)
Các pháp yết ma như cầu cho độ đệ tử, cầu xuất gia, ... cũng phải hội đủ các điều kiện theo quy định như trong Luật đã ghi.
Căn bản của giới thể vô tác là Tàm và Quý, chính hai điều này đã nuôi dưỡng bản thể của vị Tỳ kheo.
Một số ảnh ghi nhận được:
Tin: Ngọc Bối - Ảnh: Công Minh