Trà Vinh: Lễ Húy kỵ cố Đại lão HT. Thích Thái Không lần thứ 41 và Hiệp kỵ chư vị Tổ sư tại chùa Lưỡng Xuyên

Nghe đọc bài:

PSO - Sáng ngày 4/3/2024 (nhằm ngày 24 tháng Giêng năm Giáp Thìn), chư Tôn đức tại Văn phòng BTS GHPGVN tỉnh - chùa Lưỡng Xuyên (P.1, TP. Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) đã long trọng tổ chức Lễ Húy kỵ lần thứ 41 cố Đại lão HT. Thích Thái Không (1902-1983) viên tịch và Hiệp kỵ chư vị tiền bối Tổ sư.

Quang lâm chứng minh buổi lễ có HT. Thích Tâm Linh - Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh; HT. Thích Trí Minh - Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng Ban Thường trực BTS Phật giáo tỉnh, Trụ trì chùa Lưỡng Xuyên; HT. Thích Huệ Pháp - Ủy viên HĐTS, Phó ban kiêm Trưởng ban Tăng sự Phật giáo tỉnh; TT. Thích Tâm Hiền - Chứng minh BTS Phật giáo huyện Châu Thành; TT. Thích Tâm Khiết - Phó ban kiêm Chánh Thư ký BTS  Phật giáo tỉnh; ĐĐ. Thích Huệ Thắng - Phó ban kiêm Trưởng ban kiểm soát Phật giáo tỉnh; NT.  Thích nữ Như Thiền - Chứng minh Phân ban Ni giới Phật giáo tỉnh; NS. Thích Nữ Như Thức - Ủy viên Phân ban Ni giới Trung ương, Trưởng Phân ban Ni giới Phật giáo tỉnh cùng chư Tôn đức Tăng, Ni Trụ trì các cơ sở Tự viện trong tỉnh và quý Phật tử đồng tham dự.

Về phía chính quyền có sự hiện diện của ông Bùi Quang Huy - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh; bà Sơn Thị Ánh Hồng - Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Kiên Banh - Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; ông Lê Thành Thái - Nguyên Phó giám đốc sở Nội vụ tỉnh; bà Bùi Thị Nhã Hiền - Phó trưởng ban tôn giáo tỉnh; ông Nguyễn Thành Duyên - Phó trưởng phòng PA02 Công an tỉnh; ông Lê Quang Dũng - Trưởng phòng Nội vụ TP.Trà Vinh cùng đại diện một số cơ quan ban ngành tỉnh và địa phương sở tại.

TT. Thích Tâm Khiết cung tuyên Tiểu sử Đại lão HT. Thích Thái Không

Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm và TT. Thích Tâm Khiết - Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư ký BTS Phật giáo tỉnh đã tuyên đọc tiểu sử của cố Đại lão Hòa thượng Thích Thái Không.

Hòa thượng Thích Thái Không thế danh là Hoàng Long Phi, sinh ngày 07-7-1902 (Nhâm Dần) tại xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Thân phụ là cụ Hoàng Đăng Khoa và thân mẫu là cụ Khống Thị Mai. Ngài là con thứ năm trong gia đình có sáu anh em trong gia đình nông dân nghèo, có truyền thống tin đạo. 

Năm 1917 (Đinh Tỵ), Ngài xuất gia đầu Phật nơi Tổ Khánh Hòa tại chùa Tuyên Linh (xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre). Ngài đã cần mẫn miệt mài tu học, rồi lần lượt thọ Sa Di và Cụ Túc giới.

Năm 1930, phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Nam phát khởi từ Hòa thượng Khánh Hòa, Bổn sư của Ngài. Vì thế, Ngài được tiếp xúc thường xuyên với Sư Thiện Chiếu, cùng nhau hợp tác với Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học. Ngài lấy bút hiệu bằng chính pháp danh của mình để tham gia viết bài cho tờ báo Từ Bi Âm, góp phần chuyển tải những giá trị tinh hoa Phật học cũng như lịch sử Phật giáo nước nhà, un đúc thêm niềm tin yêu Phật pháp và khơi gợi lòng yêu nước, tự tôn dân tộc trong mọi tầng lớp độc giả. Nhờ đó, Ngài được xem như một sứ giả Như Lai hoằng truyền chánh pháp một cách rất đắc lực trong khoảng thời gian và hoàn cảnh mà Phật giáo hầu như bị đẩy lùi vào làng quê cô tịch.

Khi các hoạt động của Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học tạm lắng dịu bởi những khó khăn khách quan, Ngài trở về với Hội Phật Học Lưỡng Xuyên, tiếp tục cống hiến tài sức làm lợi ích cho sự nghiệp chánh pháp, phụ lực với Tổ Khánh Hòa, Huệ Quang, Khánh Anh và cư sĩ Trần Quỳnh là chủ bút tạp chí Duy Tâm để đào tạo Tăng tài cho Phật giáo miền Nam.

Năm 1944, Ngài trở về trú xứ chùa Tuyên Linh thuộc xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Nơi đây, vì giúp đỡ che giấu nhiều chiến sĩ cách mạng, Ngài bị giặc Pháp bắt điều tra, đánh đập và giam cầm sáu tháng. Nhờ Tổ Khánh Hòa lãnh ra cho về chùa Viên Minh ở một thời gian. Sau đó, vì e rằng Ngài tiếp tục hoạt động móc nối với các chiến sĩ Cách mạng, thực dân Pháp không còn cách nào khác hơn là quản thúc Ngài tại chùa Viên Giác, thị xã Bến Tre, hòng cách ly với quần chúng Phật tử và dập tắt lòng yêu nước nơi Ngài. Nhưng Ngài vẫn giữ lòng kiên định với dân tộc và đạo pháp.

Cuối năm 1941, do chiến tranh giữa thực dân Pháp với các lực lượng kháng chiến, Hội Lưỡng Xuyên Phật Học không thể tiếp tục hoạt động vì thiếu nguồn tài trợ. Ngài chọn con đường kháng chiến chống Pháp, theo Cách mạng ra chiến khu. 

Năm 1945, Ngài được bầu làm Trưởng ban Chấp hành Hội Phật Giáo Cứu Quốc tỉnh Bến Tre, và là thành viên Mặt Trận Việt Minh tại quận Giồng Miếu.

Từ năm 1947 đến năm 1949, Ngài còn là Trưởng Ban chia cơm xẻ áo cho Vệ Quốc Đoàn tỉnh Bến Tre.

Năm 1951, Ngài được điều về công tác tại xã Long Hòa kết hợp với nhiệm vụ xây dựng lại từ đầu công việc hoằng hóa.

Năm 1960, tại Bến Tre phát động cuộc Cách mạng Đồng Khởi, Ngài được đề cử giữ chức Ủy viên Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Bến Tre, kiêm chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng huyện Thạnh Phú.

Năm 1969, Ngài lúc này trú xứ tại xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú, được hội đồng Lưỡng Viện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đề cử trụ trì chùa Lưỡng Xuyên -Trà Vinh ngày 11/10/1970 và được suy cử làm Trưởng ban Giáo Dục Tăng Ni và Giám Luật.

Từ đó cho đến năm 1975, với danh nghĩa Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Ngài hoạt động công khai và giữ liên lạc thường xuyên với Cách mạng, nhất là với các cán bộ Tôn giáo kiều vận Trung Nam bộ.

Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, Ngài được cử vào Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc thị xã Trà Vinh.

Năm 1976, Ngài được bầu vào Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Cửu Long, nhiệm kỳ I. Và đến năm 1977, là Ủy viên Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh Cửu Long nhiệm kỳ I, II đồng thời là Ủy viên Hội Đồng Nhân Dân thị xã Trà Vinh nhiệm kỳ III.

Năm 1981, Ngài là thành viên Ban Trù Bị Đại Hội Phật Giáo Thống Nhất họp tại thủ đô Hà Nội.

Khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hình thành, Ngài được suy cử làm thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam nhiệm kỳ I. 

Ngày 24 tháng giêng năm Quí Hợi (8/3/1983), Ngài đã xả báo an tường sau cơn bạo bệnh, trụ thế 81 năm với 60 năm đạo nghiệp. 

Sau khi cùng tưởng nhớ công đức to lớn của Đại lão HT. Thích Thái Không và chư vị tiền bối Tổ sư trọn đời cống hiến cho Đạo pháp và Dân tộc, chư Tôn đức Giáo phẩm, lãnh đạo chính quyền đã thành kính dâng hương tưởng niệm và nhất tâm cầu nguyện Giác linh chư liệt vị cao đăng Phật quốc.

Thay mặt Ban tổ chức, ĐĐ. Thích Như Đạt - Trưởng ban Văn hóa Phật giáo tỉnh đã phát biểu cảm tạ, hồi hướng và chư Tôn đức đã thực hiện nghi thức cúng ngọ tại Chánh điện, thọ trai trong chánh niệm và hoãn mãn chương trình.

Pháp Trí

Download Android Download iOS
Lan toả của dòng Lâm Tế Gia Phổ tại tổ đình Giác Lâm

Tổ đình Giác Lâm là “Tổ đình của chi phái Lâm Tế, dòng kệ của Mộc Trần Đạo Mân ở Gia Định và cả Nam Kỳ lục tỉnh”. Chư tiền bối Tổ sư tại tổ đình Giác Lâm tiếp nối truyền thừa qua các thế hệ, phát triển dòng Lâm Tế Bổn Ngươn tại Nam Bộ, Trung Bộ.

Đức tính của Bồ tát Quán Thế Âm trong tôn dung của người nữ

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt thì hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm trong thân tướng người nữ là phổ biến nhất, có lẽ đây là phương thức thờ phượng chính yếu của người Việt đối với đức Quán Thế Âm từ ngàn xưa.

TP.HCM: Trước giờ Khai mạc Hội thi Giáo lý Phật tử năm 2024

Chỉ còn ít giờ nữa, Hội thi Giáo lý Phật tử năm 2024 sẽ chính thức khai mạc vào lúc 7 giờ sáng, Chủ Nhật ngày 22/12/2024 tại Việt Nam Quốc Tự, quận 10, TP.HCM. Không khí tại địa điểm tổ chức đang sôi động hơn bao giờ hết khi các khâu chuẩn bị bước vào giai đoạn hoàn tất.

QUAN TÂM & HỖ TRỢ

Phật Sự Online với chủ trương “Nhanh chóng – Kịp thời – chính xác và Nhân văn” đăng tải các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội và các tự viện trong cả nước cùng các chương trình tu học, thuyết giảng của chư Tôn đức Tăng, Ni giảng sư được truyền hình trực tiếp (Live Streaming) trên mạng xã hội: Facebook, Youtube, Phật Sự Online về các sự kiện Phật sự và trên 15 chương trình khác với mục đích “ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp …”


Phật Sự Online có trên 60 nhân sự là phóng viên, Ban Biên tập và các bộ phận khác, vì vậy rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và quý vị yêu mến Đạo Phật để có được kinh phí đảm bảo sự hoạt động bền vững và lâu dài.

Background Donate

Chủ tài khoản: KENH PHAT SU ONLINE

Số tài khoản: 070104929298

Ngân hàng Sacombank chi nhánh Kiên Giang

QRCOde Quan tầm và hỗ trợ phật sự online